Dù hệ thống an sinh xã hội ngày càng cải thiện, góp phần ổn định cuộc sống cho người dân. Điều này thể hiện rõ trong đại dịch. Tuy nhiên, công tác bảo đảm an sinh xã hội hiện nay vẫn còn khoảng cách lớn trong tiếp cận chính sách với đối tượng lao động tự do.
Rủi ro tiềm ẩn
Mưu sinh bằng nghề bán đồ chơi dạo quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm ngót nghét 60 năm nhưng số tiền dành dụm của bà Vũ Thị Ngoan (quê Thanh Hóa, 84 tuổi) chả có bao nhiêu.
Bà Ngoan ở khu nhà trọ bình dân ở phường Phúc Xá (quận Ba Đình, Hà Nội) - khu nhà trọ vốn được ví là “ổ chuột” ngay dưới gầm cầu Long Biên. Căn phòng trọ rộng 6 m2 của bà Ngoan la liệt quần áo, nồi niêu, bát đũa. Chật chội như thế nhưng cũng là chỗ chui ra, chui vào của 3 bà cháu.
Con trai bà mất sớm do bệnh tật, để lại cho bà 2 đứa cháu, trong đó có một đứa chậm chạp. Vài chục nghìn - số tiền ít ỏi kiếm được mỗi ngày, bà Ngoan phải xoay xỏa vừa nuôi ăn, nuôi học cho các cháu, vừa trang trải tiền thuê nhà 1,5 triệu đồng/tháng.
Bà Ngoan kể lại những ngày Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, số tiền dành dụm của bà trở về con số 0. Bởi những ngày đó, bà chi tiêu vào việc nuôi ăn 3 bà cháu, trong khi lại không kiếm được đồng nào. Là lao động tự do, không tham gia BHXH, BHYT, nên bà Ngoan rất sợ ốm đau, tiền ăn còn không có thì lấy đâu tiền mua thuốc men.
“Thời điểm này, được đi làm trở lại nên bà cháu tôi còn có đồng ra, đồng vào. Tôi cũng mới được nghe tin, trong hôm nay hoặc ngày mai, lao động tự do ở khu tôi ở trọ sẽ được nhận số tiền 1,5 triệu đồng từ gói an sinh xã hội của Nhà nước hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Dù được chi trả muộn nhưng tôi cũng rất mong”, bà Ngoan chia sẻ.
Trong khu trọ của bà Ngoan có rất nhiều lao động tự do vất vả mưu sinh trên đất Thủ đô bằng nghề nhặt rác, ve chai, cửu vạn… Hai vợ chồng chị Đinh Thị Hương làm nghề kéo xe đẩy hàng hóa ở chợ đầu mối Long Biên đã 5 năm. Mỗi tháng anh chị chi tiêu, trang trải sinh hoạt, tiền thuê nhà trên thành phố cũng tiết kiệm được 3 triệu đồng/tháng để gửi về quê cho ông bà nuôi các con ăn học. Vì miếng cơm, manh áo mà họ chấp nhận cuộc sống tạm bợ như thế này.
Theo tìm hiểu của phóng viên, đa số lao động tự do ở đây đều không tham gia bảo hiểm y tế. Đây là một khoảng trống trong công tác chăm sóc sức khỏe đối với đối tượng lao động tự do hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Bình, tổ trưởng tổ 3, cụm 2, phường Phúc Xá cho biết, toàn tổ hiện có hơn 500 người dân, chủ yếu làm nghề lao động tự do, chiếm 70% số người lao động trên địa bàn phường. Trước ngày giãn cách, số người dân ở tổ 3 đông hơn nhưng hiện nay họ đã về quê hoặc di cư kiếm sống ở nơi khác.
Là tổ trưởng ở khu “ổ chuột”, ông Bình luôn trăn trở, dành sự quan tâm lớn với đối tượng lao động tự do trên địa bàn. Trao đổi với chúng tôi, ông Bình không giấu niềm vui khi 1, 2 hôm nữa, đối tượng lao động tự do được nhận số tiền 1,5 triệu đồng từ gói an sinh xã hội của Chính phủ hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.
Ông Bình cho hay, hiện nay người dân có hộ khẩu thường trú của tổ 3 đã được nhận số tiền này. Còn đối tượng lao động tự do sắp được nhận. Sở dĩ họ nhận chậm hơn, bởi số lao động tự do trên địa bàn quá lớn. Nhiều người vướng mắc trong quá trình kê khai hồ sơ, có người viết thiếu, viết thừa, có người viết sai nên phải làm lại nhiều.
Khó tiếp cận chính sách
Sau 2 lần làm lại hồ sơ xin hỗ trợ từ gói an sinh xã hội của Chính phủ cho đối tượng người lao động chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, anh Phạm Văn Tuân (quê Hưng Yên), ở trọ tại tổ 7, phường Đội Cấn (quận Ba Đình, Hà Nội) cho hay, anh mới nhận được số tiền 1,5 triệu đồng cách đây khoảng 2 tuần.
Làm nghề tự do, bê vác vật liệu xây dựng trên thành phố đã nhiều năm, cuộc sống của anh Tuân khá vất vả, nay đây mai đó, thu nhập bấp bênh. Khi được hỏi về chính sách an sinh xã hội, anh Tuân cho biết: “Cả ngày đầu tắt mặt tối lo kiếm ăn nên tôi không biết và không có thời gian tìm hiểu về các chính sách an sinh xã hội. Bản thân cũng không có điều kiện tham gia BHXH, BHYT. Mỗi khi ốm đau chỉ dám ra hiệu thuốc mua vài loại thuốc rẻ chứ không nghĩ tới việc bỏ tiền ra đi khám bệnh”.
Tìm hiểu thực tế cho thấy, hiện đang tồn tại những khoảng trống về quy định trong chính sách với lao động tự do. Ví dụ như nhiều chính sách an sinh xã hội chủ yếu quy định theo hộ khẩu thường trú, gây khó khăn cho người lao động khiến họ ít có cơ hội tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội cơ bản.
Đặc biệt là lao động nữ, hai chế độ chính sách các lao động nữ quan tâm nhất khi đi làm xa là chế độ nghỉ thai sản và bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp nhưng họ lại khó tiếp cận. Ngoài ra, nhiều công ty cũng chưa có chế độ trợ giúp xã hội thường xuyên hay đột xuất dành riêng cho người lao động tạm trú ngắn hạn.
Vấn đề này đã được các đại biểu nhắc tới tại phiên thảo luận tình hình kinh tế - xã hội của Quốc hội vừa qua. Đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) nhận định, thời gian qua hệ thống an sinh xã hội ngày càng hoàn thiện, góp phần ổn định đời sống của nhân dân, đảm bảo công bằng xã hội. Điều này càng thể hiện rõ trong đại dịch hiện nay.
Tuy nhiên, theo đại biểu, công tác đảm bảo an sinh xã hội vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm, đó là tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội mới đạt khoảng 35% - 36%. Bảo hiểm thất nghiệp đạt khoảng 28% - 29%, đối với lực lượng lao động trong độ tuổi như vậy là còn rất thấp, số nợ chậm đóng bảo hiểm tiếp tục gia tăng.
Đặc biệt, đối tượng hưởng chế độ 1 lần năm 2020 tăng 6,65% so với năm 2019. Con số này có thể tiếp tục gia tăng trong năm 2021 và những năm tiếp theo. Mặt khác, hiện nay còn khoảng 9% dân số chưa tham gia bảo hiểm y tế là một khoảng trống trong công tác chăm sóc sức khỏe đối với người dân hiện nay.