Xã hội

Khoảng trống an toàn lao động

Khanh Lê 12/06/2024 09:04

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nguyên nhân của những vụ tai nạn lao động chủ yếu do các đơn vị, doanh nghiệp không xây dựng biện pháp, phê duyệt phương án an toàn lao động. Công tác tuyên truyền, tập huấn an toàn, vệ sinh lao động chưa thường xuyên, liên tục, có chỗ mang tính đối phó không đầy đủ, không sát với nhiệm vụ công việc của người lao động.

cover.jpg
Chủ sử dụng lao động và người lao động cần thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quy định về an toàn lao động. Ảnh: Quang Vinh.

Thời gian gần đây, liên tiếp các vụ tai nạn lao động (TNLĐ) nghiêm trọng đã xảy ra tại Đồng Nai, Yên Bái, Hà Nội… thậm chí những vụ TNLĐ xảy ra ngay khi cả nước đồng loạt triển khai Tháng hành động An toàn vệ sinh lao động năm 2024 cho thấy những khoảng trống rất lớn về an toàn lao động.

Tai nạn vì chủ quan

Đó là, vụ TNLĐ xảy ra tại Công ty Than Thống Nhất - TKV ngày 3/4/2024 làm 4 công nhân tử vong. Vụ TNLĐ xảy ra tại công trình Khách sạn Le Parfum Hanoi ngày 15/4/2024 làm 2 người tử vong và 2 người bị thương. Vụ TNLĐ xảy ra tại Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái ngày 22/4/2024 làm 7 công nhân tử vong và 3 công nhân bị thương.

Vụ TNLĐ xảy ra ngày 1/5/2024 do nổ nồi hơi trong quá trình vận hành tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Gỗ Bình Minh trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, làm 6 người chết và bị thương 5 người. Rồi vụ TNLĐ xảy ra ngày 6/5/2024 sạt lở, vùi lấp đất đá do ảnh hưởng bởi mưa lớn tại vị trí thi công móng cột số 28 đường điện 500KV mạch 3 Vũng Áng - Quảng Trạch, thuộc địa phận núi Hoành Sơn, tổ dân phố Lê Lợi, phường Kỳ Liên, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, làm lán trại của đơn vị thi công (Công ty Hồng Hoan) bị đất đá vùi lấp. Hậu quả làm 3 người chết, 4 người bị thương là công nhân Công ty Hồng Hoan. Vụ TNLĐ do tụt lở hầm lò, vùi lấp, xảy ra ngày 13/5/2024 tại Công ty Than Quang Hanh - TKV, hậu quả làm 3 người chết, 1 người bị thương là công nhân Công ty Than Quang Hanh - TKV…

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đánh giá, việc quản lý, kiểm định, sử dụng máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động còn nhiều vi phạm. Một số tổ chức được chỉ định hoạt động dịch vụ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, kiểm định kỹ thuật an toàn lao động chưa thực hiện nghiêm túc quy trình kiểm định, tổ chức đào tạo, tập huấn an toàn, vệ sinh lao động...

Theo ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH), bước sang năm 2024 số vụ TNLĐ có giảm nhưng số vụ nghiêm trọng vẫn ở mức cao, TNLĐ trong khu vực không có quan hệ lao động có dấu hiệu gia tăng về số vụ, số người bị nạn.

Lý giải điều này, ông Thắng cho rằng nhiều người sử dụng lao động chưa quan tâm, thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro; nhiều người lao động chưa được huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, thiếu kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn tác phong công nghiệp còn rất hạn chế, chủ quan. Công tác thông tin, tuyên truyền an toàn vệ sinh lao động cho khu vực không có quan hệ lao động đang bị hạn chế nhiều về nguồn lực.

anh1-bai-chinh.jpg
Chú trọng công tác an toàn lao động sẽ góp phần hạn chế tai nạn lao động. Ảnh: Lý Hà.

Cần sự vào cuộc thực chất

Trên thực tế, vấn đề an toàn lao động đã được quan tâm và nhắc nhở nhiều lần, từ các văn bản pháp luật, các hội nghị, hội thảo đến các hoạt động tuyên truyền, giáo dục. Cụ thể theo Điều 6, Điều 7 Luật An toàn vệ sinh lao động quy định, người sử dụng lao động có trách nhiệm đảm bảo an toàn, xây dựng hệ thống quản lý, bố trí người giám sát, xây dựng các quy trình, nội quy cũng như trước bất kỳ công việc nào đều phải huấn luyện trước khi cho người lao động vào làm việc. Đặc biệt, các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động thì phải lập phương án làm việc và có biện pháp đảm bảo an toàn, phải có phương án cứu hộ, cứu nạn. Tuy nhiên, các vụ TNLĐ nghiêm trọng gần đây cho thấy, việc thực hiện đầy đủ quy định về an toàn lao động không được chủ sử dụng lao động và người lao động thực hiện nghiêm túc.

anh-2-bai-chinh.jpg
Hiện trường vụ nổ lò hơi tại Đồng Nai. Ảnh: Diệu Ly.

Về vấn đề này, TS Nguyễn Anh Thơ - Viện trưởng Viện Khoa học An toàn vệ sinh lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, nhiều doanh nghiệp có tư duy chưa đúng về công tác an toàn vệ sinh lao động.

Dẫn chứng TS Thơ cho biết, từ 10 năm trước, Chỉ thị số 29 của Ban Bí thư cũng như các văn bản chỉ đạo của Chính phủ đã nêu rõ, yêu cầu phải đánh giá được hiệu quả, tạo ra động lực, tạo ra những thay đổi, từ đó cải thiện chế độ làm việc, phúc lợi, quyền lợi cho người lao động. Tuy vậy, không ít doanh nghiệp vẫn giữ tư duy rằng chi phí cho công tác an toàn lao động là “mất đi” nên đầu tư ở mức tối thiểu để đối phó chứ chưa xem xét công việc đó đã đáp ứng được việc đảm bảo sức khỏe, tính mạng của người lao động không.

“Doanh nghiệp phải thay đổi nhận thức, theo đó cần coi điều kiện làm việc, các tiêu chuẩn lao động, chính sách cơ bản cho người lao động về tiền lương, đảm bảo sức khỏe, phúc lợi chính là nền tảng để doanh nghiệp thu hút và giữ chân lao động” - TS Nguyễn Anh Thơ nói.

Theo các chuyên gia, an toàn lao động là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn lao động. Chủ sử dụng lao động cần nâng cao ý thức trách nhiệm, thường xuyên tổ chức tập huấn, giáo dục về an toàn lao động cho người lao động, trang bị đầy đủ các thiết bị bảo hộ lao động và cải thiện điều kiện làm việc. Bản thân người lao động cũng cần nâng cao ý thức tự bảo vệ, tuân thủ nội quy an toàn lao động.

Nhằm tăng cường tuân thủ pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, giảm thiểu các vụ tai nạn lao động, đặc biệt là các vụ TNLĐ nghiêm trọng, Bộ LĐTBXH vừa có văn bản yêu cầu các địa phương tiếp tục tăng cường hướng dẫn, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật trong quản lý an toàn, vệ sinh lao động.

Đặc biệt kiểm tra đối với các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động; kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; quan trắc môi trường lao động; đánh giá, chứng nhận sản phẩm hàng hóa nhóm 2. Bộ cũng giao Thanh tra Bộ tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các hành vi, vi phạm an toàn, vệ sinh lao động. Tạm đình chỉ hoặc thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, quan trắc môi trường lao động, đối với những đơn vị sai phạm nghiêm trọng trong việc tổ chức thực hiện, hoặc gây hậu quả nghiêm trọng. Cùng với đó, sẽ đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tổ chức, cá nhân vi phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về an toàn, vệ sinh lao động.

Nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp và nhận thức người lao động

anh-box.jpg

Theo ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH), hiện nay, theo yêu cầu của pháp luật, tất cả các nơi làm việc đều phải có nội quy lao động, nội quy an toàn và quy trình cho từng máy, thiết bị, công việc. Tùy theo từng máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt hay thông thường mà nội quy, quy trình được xây dựng phù hợp. Người lao động phải được đào tạo, hướng dẫn thành thục, tuân thủ nội quy, quy trình đó.

Tuy nhiên vẫn còn có doanh nghiệp không ban hành đầy đủ các quy trình, nội quy, trong đó có cả đối với các máy, thiết bị mới. Đặc biệt công tác tập huấn về an toàn vệ sinh lao động cho người lao động cũng chưa được doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện, nhiều doanh nghiệp thực hiện cho có. Để giảm thiểu TNLĐ việc nâng cao nhận thức để phòng ngừa vẫn là chủ đạo, đặc biệt là tăng cường tuyên truyền phòng ngừa, hỗ trợ tập huấn từ Quỹ Bảo hiểm xã hội về TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, hướng đến nhóm đối tượng lao động tự do. Các doanh nghiệp cũng cần tăng cường hơn nữa công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, chú trọng đến các hoạt động tự kiểm tra, chủ động kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm, có hại tại doanh nghiệp, phòng ngừa TNLĐ; tổ chức huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người lao động.

K.Lê (ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khoảng trống an toàn lao động