Giáo dục

“Khoảng trống” kỹ năng sống

ANH MINH 14/04/2024 07:56

Gần đây vẫn xảy ra các vụ đuối nước, bắt cóc, hỏa hoạn… cho thấy vấn đề rèn luyện kỹ năng sống có giới trẻ cần đặc biệt quan tâm, nhất là khi mùa hè sắp đến.

11.jpg
Một buổi hướng dẫn trẻ thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn Ảnh: Vũ Minh.

Anh Trần Minh Đức, 37 tuổi, trú tại khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp (Hà Nội) cho hay, anh nhiều lần dặn con không được tiếp xúc, nói chuyện với người lạ. Bé Hoa, 8 tuổi, học sinh Trường Tiểu học Tứ Hiệp cũng đã được học các lớp kỹ năng sống, trong đó có kỹ năng phòng tránh các nguy cơ.

“Nhưng các cháu còn nhỏ, nhiều khi không nhận thức hết các mối nguy hiểm khi ra khỏi nhà hay lớp học”, anh Đức nói.

Sự lo ngại của anh Đức tăng thêm khi thời gian gần đây, liên tục xảy ra các vụ việc liên quan đến trẻ em. Mới nhất là vụ dụ dỗ, bắt cóc hai bé gái 3 và 7 tuổi ở TPHCM. Tại cơ quan công an, thủ phạm Phạm Huỳnh Nhật Vi (sinh năm 2003, ngụ tỉnh Tiền Giang, trú quận Bình Thạnh, TPHCM) khai mục đích bắt cóc hai bé gái là để thực hiện việc quay các clip khiêu dâm, chuyển cho bạn trai người nước ngoài.

Theo thống kê của Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), ở Việt Nam, trung bình mỗi năm có hơn 370.000 trẻ em bị tai nạn thương tích từ nhiều nguyên nhân khác nhau như: đuối nước, điện, bỏng, cháy, bắt cóc, xâm hại tình dục…

Con số thống kê nói trên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ.

Theo các chuyên gia, các kỹ năng này bao gồm giao tiếp ứng xử, vệ sinh, thích nghi với môi trường sống, tự bảo vệ, hợp tác, chia sẻ, tự phục vụ... Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ là giáo dục cách sống tích cực trong xã hội hiện đại. Một cá nhân có đầy đủ kiến thức nhưng thiếu kỹ năng thì không đảm bảo cá nhân đó sẽ đưa ra quyết định hợp lý và giao tiếp có hiệu quả với người xung quanh. Tình trạng trẻ em thụ động, không biết ứng phó với nguy cấp, không biết cách tự bảo vệ bản thân trước những nguy hiểm, luôn luôn ỷ lại vào người lớn, kỹ năng giao tiếp ứng xử kém, chưa biết làm một số công việc tự phục vụ bản thân, chưa biết hợp tác chia sẻ… đang diễn ra phổ biến.

Anh Trần Minh Đức cho biết hai con anh, một học lớp mẫu giáo lớn, một học lớp 2, đều được học các lớp kỹ năng sống tại trường. Tuy nhiên gia đình vẫn chú ý quan sát, uốn nắn, chỉ bảo cho các con những kỹ năng cơ bản như vệ sinh thân thể, cách xưng hô, nói chuyện với bạn bè, người lớn, cách ứng xử với người lạ. “Các cháu ngay lúc đó nắm bắt rất nhanh, nhưng cũng có thể hôm sau đã quên ngay nên cha mẹ cần thường xuyên nhắc”, anh Đức nói.

Tuy nhiên, theo quan sát của anh Đức, ngay trong khu đô thị nhà anh sinh sống, không phải cha mẹ nào cũng quan tâm đến những điều tưởng chừng là nhỏ nhặt như cho trẻ em tiểu học đạp xe đến trường, tham gia giao thông khi nhận thức về an toàn còn rất hạn chế. “Nhiều cháu bé mới học lớp 1, lớp 2 lượn xe đạp ngay trước đầu ô tô, rất nguy hiểm. Có gia đình, bố mẹ đi làm vắng để hai con mới 6-7 tuổi chơi lang thang trong khu đô thị cả ngày. Có biết bao nhiêu nguy hiểm tiềm ẩn đối với các cháu”, anh Đức nói.

Chất lượng giảng dạy kỹ năng sống trong nhà trường cũng là một vấn đề. Tại TPHCM, một số phụ huynh học sinh phản ánh con em mình dù được học nội dung này nhưng chỉ như “dạy cho có”. “Con tôi 10 tuổi rồi mà không bằng chúng tôi ngày xưa 6-7 tuổi. Con chỉ biết ăn, ngủ, làm vài bài tập…”, một phụ huynh ở quận 4, TPHCM cho hay. “Cháu nói đến giờ kỹ năng sống, học sinh không hứng thú vì cô giáo dạy như môn học giáo dục công dân”.

Theo bà Phạm Thị Gái - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trương Quyền, TPHCM, hiện tượng chạy theo thành tích và tổ chức giáo dục kỹ năng sống mang tính bề nổi hơn là rèn luyện năng lực sổng cho học sinh vẫn tồn tại ở nhiều trường. Giáo viên chưa được bồi dưỡng đầy đủ các kiến thức và phương pháp giáo dục kỹ năng sống cho học sinh nên còn lúng túng trong tổ chức các hoạt động dạy học.

“Nhìn chung, chất lượng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh chưa cao, học sinh chỉ có thể thích ứng với các tình huống quen thuộc chứ chưa thể thích ứng và làm chủ trong các tình huống mới lạ của cuộc sống”, bà Gái nhận định.

Theo một học giả, giáo dục kỹ năng sống suy đến cùng còn liên quan đến triết lý của ngành giáo dục. Là người đã có thời gian học tập tại Việt Nam và một số năm tu nghiệp ở Australia, tiến sĩ Hoàng Văn Chung - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng giáo dục Việt Nam đang chú trọng giáo dục kiến thức, đào tạo “kinh viện” hơn là trang bị kỹ năng cho học sinh.

“Ở một số nước phát triển, học sinh lớp 9, lớp 10 có thể không học được nhiều kiến thức sách vở bằng học sinh Việt Nam, nhưng các em được trang bị nhiều kỹ năng giải quyết tình huống. Đó là lý do khi ra đời, chúng có thể dễ dàng hơn trong việc xử lý các vấn đề phát sinh trong cuộc sống”, ông Chung, có hai con gái đang ở độ tuổi trung học cơ sở, nói.

Mặc dù chưa đánh giá cao các hoạt động giáo dục kỹ năng sống trong nhà trường, một số chuyên gia cho rằng cha mẹ học sinh có một phần lớn trách nhiệm khi để con cái thiếu kỹ năng sống. “Thực tế ở nước ta hiện nay, mỗi gia đình chỉ có 1 - 2 con, nên các bậc phụ huynh hết mực dành tình yêu thương cho các con, quan tâm lo lắng một cách thái quá “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”, thậm chí làm thay hết mọi việc cho con, không để con mình làm bất cứ việc gì ngoài ăn, học và chơi”, thạc sĩ Ngô Thị Thủy - Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An nhìn nhận.

Tiến sĩ Hoàng Văn Chung cho rằng cha mẹ phải chủ động trong việc trang bị kỹ năng sống cho con cái. “Nhà trường không thể làm mọi thứ được”, ông nói.

“Tôi nghĩ cha mẹ đóng vai trò rất lớn”, anh Trần Minh Đức nhận định. “Hầu hết thời gian trẻ ở cùng bố mẹ thì bố mẹ phải là các giáo viên chính, hướng dẫn kỹ năng sống cho con cái”, anh nói.

Tuy nhiên, anh Đức cho rằng các nhà trường cần tuyên truyền cho phụ huynh hiểu không nên làm hộ con, phải dạy trẻ tính tự lập từ bé, cần xây dựng các cẩm nang kiến thức dạy trẻ kỹ năng sống phù hợp với lứa tuổi của trẻ dành riêng cho phụ huynh để họ nắm bắt và kết hợp luyện kỹ năng cho trẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Khoảng trống” kỹ năng sống