Khoảng trống văn học thiếu nhi

Minh Quân 28/06/2023 08:26

Từng sở hữu kho tàng đồ sộ các tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa, gắn liền với tuổi thơ nhiều của thế hệ, nhưng tới nay mảng văn học thiếu nhi đang dần thiếu vắng các tác phẩm hay, những cây bút xuất sắc.

Tạo thói quen đọc sách cho thiếu nhi. Nguồn: PNVN.

Loay hoay bài toán cung cầu

Với sự bùng nổ của các loại hình giải trí, văn học thiếu nhi đang là một “mảnh ghép” quan trọng gắn kết các em nhỏ với quá khứ và cả tương lai. Dạo qua các hiệu sách, phố sách, hội sách… không khó để nhận ra không gian sách dành cho thiếu nhi luôn được các đơn vị phát hành ưu ái đặt ở vị trí đắc địa. Ngoài “cánh chim đầu đàn” xuất bản sách dành cho thiếu nhi là NXB Kim Đồng còn có sự góp mặt, đồng hành của nhiều NXB Trẻ, NXB Văn học, Thái Hà Books, Nhã Nam…

Chào Hè 2023, nhiều đơn vị xuất bản sách đã xây dựng chiến lược kinh doanh cho dòng sách thiếu nhi. Đơn cử, trung bình mỗi tháng, Đông A Books có thêm từ 3-5 tựa sách thiếu nhi mới (so với trước đây là 1-2 đầu sách mới), dành cho lứa tuổi học sinh từ cấp 2 trở lên. Còn tại Thái Hà Books, trước đây dòng sách thiếu nhi chủ yếu dành cho trẻ từ 0-3 tuổi, biên độ này hiện đã được mở rộng thêm ở phân khúc từ 6-15 tuổi, tăng khoảng 30-40%. Trong đó, sách của tác giả trong nước khoảng 25-30%, còn lại là sách dịch. Đặc biệt, NXB Trẻ cũng đầu tư cho mảng sách thiếu nhi khi số lượng đầu sách tăng từ 30% trở lên. Sự thay đổi lớn nhất ở mảng sách thiếu nhi trong năm nay là việc các đơn vị xuất bản tăng cường sáng tác của tác giả Việt Nam, từ 30-40%.

Tuy nhiên, dù tăng về số lượng, đạt doanh thu cao nhưng mảng sách dành cho thiếu nhi đang chiếm lĩnh thị trường hiện nay vẫn chủ yếu là các tác phẩm truyện tranh manga Nhật Bản, văn học thiếu nhi kinh điển thế giới. Trong khi đó, các tác phẩm văn học thiếu nhi trong nước dù đã được các đơn vị xuất bản hết sức nỗ lực “đưa lên kệ” nhưng dấu ấn phần nhiều vẫn đến từ các tác phẩm của các “cây đa, cây đề”. Văn học thiếu nhi trong một thời gian dài, đang thiếu đi những tác phẩm mới xuất sắc, chạm đến tâm hồn của các bạn nhỏ.

Một lý do khiến nhiều người ngần ngại viết cho thiếu nhi, đó là văn hóa đọc của thiếu nhi hiện nay chưa cao. Chẳng hạn chỉ có 30% số người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng đọc sách. Thời gian dành cho đọc sách của người Việt Nam khoảng 1 giờ/tuần, thuộc nhóm thấp của thế giới. Cho dù trong thời gian qua, mảng văn học thiếu nhi đã xuất hiện nhiều cây bút mới ở các thể loại như tiểu thuyết, trinh thám... thế nhưng, trong một “biển” sách dành cho thiếu nhi, các tác phẩm của Việt Nam dường như đang phải gồng mình với các tác phẩm của nước ngoài đẹp trong cách trình bày, hấp dẫn về nội dung và đặc biệt có tính giải trí cao.

Theo một thống kê, dân số Việt Nam dưới tuổi 15 rất đông đảo nhưng lại “đói” sách văn học dành cho lứa tuổi của mình. Không những vậy với sự phát triển của các phương tiện giải trí hấp dẫn, đã khiến những cuốn sách dù là mới hay văn học kinh điển đều bị đẩy xuống lựa chọn sau các thiết bị giải trí điện tử. Khó có thể phủ nhận một sự thật rằng, trẻ nhỏ hiện nay mê các trò chơi trên thiết bị điện tử hơn là sách. Chính vì thế, tạo sự tò mò, hấp dẫn và nuôi dưỡng thói quen đọc sách cho trẻ là một “cuộc chiến” đối với cha mẹ, đặc biệt là với các tác phẩm văn học, vốn dày dặn, nhiều chữ và không thể đọc nhanh.

Theo TS Giáo dục học Nguyễn Thuỵ Anh, nếu so sánh với nhu cầu độc giả thì lượng người viết cho các em nhỏ còn rất ít. Thời gian qua đời sống văn học thiếu nhi trong nước chưa có nhiều tác phẩm chạm được đến tâm hồn các em. Văn học thiếu nhi vẫn là bên lề của văn học người lớn. Trước nhu cầu ngày càng đa dạng của các em rất cần sự kích cầu để có thêm nhiều cây bút lấp đầy khoảng trống về văn học thiếu nhi.

Còn theo nhà văn Võ Thu Hương - Ủy viên Hội đồng Văn học thiếu nhi (Hội Nhà văn Việt Nam), có một thực tế là sách ở các trường không thiếu nhưng không ít em vẫn chưa được định hướng đọc cho đúng. Nhiều trường học vẫn đang nặng về những cuốn sách kỹ năng như phòng tránh cháy nổ, phòng đuối nước… và chỉ dừng lại ở sách kỹ năng và khoa học. Đó cũng là những kiến thức cần thiết, nhưng chưa đủ. Các em cần phải có thêm những đầu sách văn học. Bởi sách văn học giúp tâm hồn các em giàu yêu thương, biết chia sẻ hơn.

Một số tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi Nguồn: VNQĐ.

Khơi dậy tình yêu

Mặc dù đang gặp nhiều trở ngại, thế nhưng với một nền tảng vững chắc mà thế hệ đi trước để lại như nhà văn Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Đoàn Gỏi, Vũ Tú Nam, Võ Quảng, Phạm Hổ... bên cạnh những “cây bút” vẫn cần mẫn bám trụ với nghề, văn học thiếu nhi trong nước không hẳn quá bi quan. Một số tác phẩm văn học thiếu nhi trong nước dù không nhiều nhưng cũng đã tạo được dấu ấn. Không chỉ khởi sắc ở thị trường trong nước, hành trình đưa sách thiếu nhi ra thị trường xuất bản thế giới cũng có nhiều triển vọng.

Một trong những động thái kích cầu thời gian qua là có nhiều cuộc thi sáng tác, giải thưởng sáng tác văn học thiếu nhi được triển khai. Thông qua các cuộc thi, giải thưởng đã tạo ra chất xúc tác thúc đẩy sự phát triển mảng sách văn học thiếu nhi, giúp khơi dậy hứng thú của nhiều cây bút, thôi thúc các tác giả nghiêm túc ngồi vào bàn viết.

Có thể kể đến NXB Kim Đồng với Giải thưởng văn học Kim Đồng gắn với Cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi giai đoạn 2023-2025 với tổng giá trị giải thưởng lên đến 360 triệu đồng, trong đó giải Nhất 100 triệu đồng.

Trước đó, Báo Thể thao Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) đã tổ chức thành công liên tiếp 4 mùa Giải thưởng thiếu nhi Dế mèn; góp phần làm sôi động phong trào viết cho thiếu nhi, qua đó phát hiện một số cây là chính các em nhỏ viết cho lứa tuổi của mình.

Tháng 4 vừa qua, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Trại sáng tác văn học thiếu nhi ở Phú Yên bằng nguồn xã hội hóa, với sự tham gia của 23 nhà văn. Trong khuôn khổ trại sáng tác đã tổ chức tọa đàm “Truyện tranh - Tranh truyện cho thiếu nhi” với những trao đổi, gợi mở thú vị giữa giáo viên, học sinh và các nhà văn.

Có thể nói, để văn học thiếu nhi Việt Nam đến được với bạn đọc và để thiếu nhi Việt Nam yêu văn học nước nhà vẫn còn đó một hành trình dài. Ở đó, hơn bao giờ hết ngoài việc tạo nên động lực cho các tác giả trong sáng tác thì nhà xuất bản và đơn vị phát hành sách cần đầu tư về hình thức sách phù hợp với tâm lý, thị hiếu trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, ngoài việc ưu ái trên các kệ sách, văn học thiếu nhi cần có nhiều hơn các chiến dịch quảng bá gắn với các chương trình giới thiệu, sinh hoạt văn nghệ; thực hiện chủ trương “đưa sách về trường học”, “đưa sách về nông thôn, miền núi”. Đồng thời, tác giả và đơn vị làm sách cần gắn kết hơn với thư viện, nhà văn hóa, nhà trường, gia đình để lựa chọn đúng, trúng sách cho thiếu nhi và tạo dựng thói quen đọc thường xuyên.

Theo nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, trong thời đại kỹ thuật số, sách thiếu nhi gặp sự cạnh tranh khốc liệt từ nhiều loại hình giải trí khác, khiến thời gian đọc sách của các em nhỏ ngày một ít đi. “Tôi nghĩ người viết cần chấp nhận thách thức, sống chung với lũ, bởi chúng ta không thể ngăn cản sự phát triển của xã hội. Mục tiêu của người viết là tạo ra tác phẩm hấp dẫn hơn nữa. Đó không thuần túy là câu chuyện văn chương mà là hoạt động mang ý nghĩa xã hội”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khoảng trống văn học thiếu nhi