Năm nay sẽ có khoảng 57.000 học sinh của Hà Nội không có suất vào lớp 10 THPT công lập. Đặc biệt, tại các khu vực đông dân nhưng ít trường, việc giới hạn lựa chọn của thí sinh khi đăng ký nguyện vọng 1 và 2 càng tạo ra sự cạnh tranh gay gắt.
Căng thẳng hơn thi đại học
Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, năm học 2022 - 2023, dự kiến toàn thành phố có 129.210 học sinh dự xét công nhận tốt nghiệp THCS, tăng 22.000 học sinh) so với năm ngoái. Do đó, dù chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập đã tăng 1.000 em so với năm học trước thì năm nay, sẽ chỉ có 55,7% học sinh có suất học vào trường THPT công lập (khoảng 72.000 học sinh), trong khi những năm trước, con số này rơi vào khoảng 60-62%. Cuộc đua giành vé vào lớp 10 ở trường THPT công lập năm nào cũng nóng, nhưng năm nay nóng hơn cả bởi chỉ tiêu thì ít, học sinh thì đông và áp lực đè nặng lên vai những sĩ tử và gia đình, các trường THPT công lập.
Anh Phan Văn Quang (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, từ trước khi Hà Nội thông báo kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10, gia đình đã quyết định mua hồ sơ của một số trường dân lập, trường THPT tự chủ tài chính, tuy nhiên vẫn hy vọng con đỗ vào trường công lập gần nhà. “Trước hết là các trường THPT công lập đều gần nhà hơn so với các trường tư có chất lượng tốt mà gia đình đặt phương án 2, con đỗ được cũng đỡ phải đi lại vất vả hơn. Thứ hai là áp lực tài chính học ở trường công chắc chắn sẽ “nhẹ gánh” hơn, bố mẹ cũng bớt một khoản lo. Dẫu vậy, để vượt qua hàng nghìn thí sinh khác đỗ vào trường công là việc không dễ với lực học trung bình khá, nhất là môn Ngữ văn không phải là thế mạnh của con” - anh Quang chia sẻ.
Còn chị Mai Lệ Thủy (huyện Thường Tín, Hà Nội) cho biết, khi nghe thông tin lượng thí sinh có suất vào trường công lập năm nay giảm xuống chỉ còn 55,7%, chị đã quyết định tìm hiểu thêm một số trung tâm giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn, để nếu chẳng may con không đỗ trường công thì vẫn không bị đứt gánh học tập giữa chừng. “Dù luôn động viên con không cần áp lực để ôn tập thật tốt nhưng vì thường xuyên trao đổi với cô giáo chủ nhiệm nên tôi cũng nắm rõ sức học của con đang ở đâu. Hy vọng những tháng cuối này con dồn sức học tập để cải thiện kiến thức, kỹ năng làm bài thi” – chị Thủy cho hay.
Em Nguyễn Quang Minh, học sinh lớp 9, Trường THCS Tứ Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ, từ đầu năm học đến giờ em đã học thêm kín cả tuần. Thậm chí, có những ca học ở xa, 9h40 tối mới tan, hai bố con về đến nhà cũng gần 10h30. “Nhìn bố mẹ vất vả, em lại càng áp lực, lo học không tốt, không thi đỗ thì bố mẹ sẽ rất thất vọng. Nhưng khá khó khăn khi nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 ở khu vực Thanh Trì hầu như không chênh lệch bao nhiêu điểm, nên nếu trượt nguyện vọng 1 cũng coi như trượt cơ hội vào trường công” - Minh nói.
Giảm áp lực từ việc chọn trường
Nhìn nhận câu chuyện thi vào lớp 10 THPT, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, dù năm nay Hà Nội đã bỏ môn thi thứ 4 nhưng áp lực vẫn không hề giảm bởi tỷ lệ đỗ vào trường công thậm chí còn thấp hơn năm trước. Đặc biệt, tại những khu vực nội thành, thí sinh đông, trường ít thì áp lực càng tăng cao.
Cụ thể, nhiều năm nay, Hà Nội chia 30 quận, huyện, thị xã thành 12 khu vực tuyển sinh vào lớp 10. Trong đó, riêng 12 quận nội thành đã có số dân là khoảng 3,74 triệu, chiếm gần một nửa trong hơn 8,3 triệu dân của thành phố, dù diện tích nội thành bằng 1/10 cả Hà Nội. Trong khi đó, tổng số trường THPT công lập ở 12 quận này là 36, còn các huyện, thị ngoại thành có 71 trường.
Những địa bàn năm nào cũng căng thẳng là các quận Cầu Giấy, Hà Đông, Thanh Xuân, Ba Đình, Hoàn Kiếm… Chính vì vậy, nghịch lý “8 điểm trượt, 4 điểm đỗ” lớp 10 THPT công lập năm nào cũng diễn ra bởi ở các khu vực càng xa trung tâm, dân số ít, nhiều trường công thì học sinh càng dễ thở hơn.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định (Hà Nội) cho rằng, chọn trường luôn là bài toán cân não với tất cả phụ huynh, học sinh. Tuy nhiên, ở lứa tuổi cấp 3, cần cân nhắc giữa khoảng cách từ nhà tới trường học bởi thực tế nhiều năm qua, đã có những em chọn nguyện vọng chắc đỗ ở quá xa nhà, thường là các huyện ngoại thành nên tới khi đỗ rồi lại không muốn đi học hoặc sau 1, 2 học kỳ phải tìm cách chuyển về những trường trong thành phố. Muốn vậy, giáo viên và nhà trường cần đẩy mạnh công tác tư vấn cho học sinh và phụ huynh để gia đình hiểu được tầm quan trọng của việc chọn trường.
Về lâu dài, việc tăng thêm trường, lớp để giảm áp lực cho các trường công lập, người học là bài toán cấp thiết cần được giải quyết. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, từ đầu năm học 2022-2023 tới nay, Hà Nội đã xây mới, thành lập mới 1 trường THPT công lập tại huyện Thạch Thất. Bên cạnh đó, có 6 trường THPT công lập được xây dựng mới. Thời gian tới, Hà Nội đã phê duyệt chủ trương đầu tư 10 trường THPT công lập, trong đó có 4 trường THPT ở địa bàn quận. Hà Nội cũng đang triển khai xây 7 trường phổ thông liên cấp có diện tích 5ha trở lên ở các quận huyện theo hướng hiện đại, ngang tầm khu vực và quốc tế.
Ông Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng, dù cố gắng nhưng chỉ tiêu của các trường không thể đáp ứng được hết nhu cầu của phụ huynh, học sinh. Vì vậy, để giảm áp lực cho học sinh cuối cấp vốn đã rất căng thẳng với bài vở, áp lực đỗ trượt, phụ huynh cần phải đánh giá đúng được năng lực, trình độ của con em mình để chọn trường phù hợp. Trong trường hợp không có khả năng vào một trường công lập có thể cân nhắc các phương án học tập tại các trường khác, nhưng cần chú ý điều kiện tài chính của gia đình.