Chính quyền thành phố Bắc Kinh hôm 1-12 đã phải yêu cầu các trường học đóng cửa để giữ học sinh trong trường, nhằm tránh hít phải lượng khói bụi dày đặc đang che phủ toàn bộ thành phố thủ đô Trung Quốc trong những ngày qua.
Làn khói độc hại bao trùm toàn thủ đô Bắc Kinh. (Nguồn: AP).
Mức độ ô nhiễm ở Bắc Kinh hiện nay đã gấp 35 lần độ an toàn mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) quy định. Đây đã là ngày thứ ba mà thủ đô Trung Quốc được đặt trong tình trạng “báo động da cam” - mức báo động cao thứ hai của nước này.
Chính quyền thành phố Bắc Kinh đã yêu cầu đóng cửa 2.100 cơ sở kinh doanh gây ô nhiễm cao và khuyến cáo người dân nên ở trong nhà. Các hãng hàng không ở nước này đã phải hủy hơn 30 chuyến bay từ Bắc Kinh đến Thượng Hải và nhiều chuyến bay đến tỉnh Thiểm Tây - nơi đang phải chịu mức độ ô nhiễm nghiêm trọng.
Tình trạng ô nhiễm không khí tại Trung Quốc gia tăng, hầu hết là do việc người dân đốt than trong mùa đông để sưởi ấm. Hiện nay, than vẫn được sử dụng như một nguồn năng lượng chính trong các nhà máy và là biện pháp giữ ấm của người dân nước này.
Năm 2013, lượng khí CO2 mà Trung Quốc phát thải ước tính vào khoảng 9-10 tỷ tấn, cao gần gấp đôi so với mức phát thải của Mỹ và gấp 2,5 lần mức phát thải của Liên minh Châu Âu.
Đám khói xám dày đặc bao phủ thành phố Bắc Kinh, với chỉ số PM2,5 (tức là chỉ số hạt bụi có kích thước nhỏ hơn 2,5 micromet dễ thâm nhập vào phổi) đo được ở mức cao, khoảng 598 microgram/m khối khí. Trong khi chỉ số tối đa mà WHO khuyến cáo là 25 microgram/m khối khí.
Trước đó, hồi đầu năm, Bộ Môi trường Trung Quốc cũng từng tuyên bố rằng chỉ có 8 trên tổng số 74 thành phố lớn nhất ở đất nước này đạt các tiêu chuẩn chất lượng không khí cơ bản trong năm 2014, và rằng khu vực Đông bắc nước này tập trung nhiều nhất các thành phố ô nhiễm.