Kinh tế đêm được đánh giá là một ngành nhiều tiềm năng và đang được một số địa phương tích cực triển khai, tuy nhiên, kết quả đạt được còn rất hạn chế. Vì sao vậy?
Ông Nguyễn Nguyên Phương – Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM nhận định, khu phố ẩm thực, chợ đêm... tại thành phố cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân, du khách. Theo đó, tại TPHCM có khá nhiều quận, huyện tổ chức mô hình khu phố ẩm thực hoạt động từ 15 giờ chiều hôm trước đến 2 giờ sáng ngày hôm sau. Song song đó, nhiều chợ đêm hình thành, thu hút lượng lớn khách hàng như: chợ Bến Thành (quận 1), chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), chợ Hạnh Thông Tây (quận Gò Vấp), cùng nhiều chợ đêm khác ở các quận, huyện.
Trong khi đó, Quyền Giám đốc Sở Công thương TP Hà Nội Trần Thị Phương Lan cũng cho biết, Hà Nội phát triển kinh tế đêm khá tốt. Điển hình, quận Hoàn Kiếm tổ chức mở rộng thời gian hoạt động cho 3 ngày cuối tuần đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ kết hợp cùng nhiều tuyến phố được quy hoạch. Phố đi bộ diễn ra nhiều sự kiện thu hút đông đảo người dân và khách du lịch.
Tương tự, Đà Nẵng là một trong những thành phố có tiềm năng phát triển kinh tế đêm với hệ thống hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất, các hoạt động dịch vụ về đêm đã cơ bản được hình thành đồng bộ. Nhiều hoạt động kinh tế đêm như “Đà Nẵng về đêm - Danang by night”; thí điểm mô hình Bãi biển đêm Mỹ An, Phố du lịch An Thượng. Song song đó, nâng cấp tiện ích các phố ẩm thực, tổ chức các khung giờ vàng mua sắm vào buổi tối với các mức giảm giá, ưu đãi, quà tặng... để kích cầu mua sắm ban đêm.
Nói về kinh tế ban đêm đang phát triển ở các thành phố lớn, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, ở Việt Nam, kinh tế ban đêm đã có ở nhiều nơi, đặc biệt ở những thành phố lớn có điều kiện kinh tế, xã hội vượt trội. Thế nhưng, hiện nay kinh tế ban đêm vẫn phát triển rất chậm. Tại nhiều địa phương, hoạt động kinh tế đêm mới chỉ khai thác quy mô nhỏ, mang tính riêng lẻ, manh mún.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, kinh tế ban đêm chưa thật sự xứng tầm và còn nhiều dư địa để khai thác. Bà Lê Thị Kim Phương - Giám đốc Sở Công thương TP Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng chưa có khu vực được quy hoạch riêng biệt dành cho phát triển kinh tế đêm. Một số dịch vụ xen lẫn với khu dân cư, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Sản phẩm, dịch vụ ban đêm tại thành phố vẫn chưa đa dạng, chủ yếu là dịch vụ ăn uống; quy mô các dự án phục vụ kinh tế ban đêm vẫn còn nhỏ lẻ.
Ông Nguyễn Nguyên Phương cho rằng, cần hoàn thiện khung pháp lý tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế ban đêm. Hiện, theo ông Phương, vẫn chưa có mô hình quản lý nhà nước thống nhất đối với các loại hình hoạt động của kinh tế đêm. Bà Trần Thị Phương Lan cũng nhận định, kinh tế đêm còn khá nghèo nàn, đơn điệu nên hiệu quả kinh tế chưa rõ nét.
Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Quyết Thắng - Đại học Công nghệ TPHCM cho rằng, kinh tế đêm phải trở thành biểu tượng sức sống của các đô thị. Năm 2020, Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm. Trong đó đưa ra các khung chính sách để các cơ quan, tổ chức các cấp ngành địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả mục tiêu về phát triển kinh tế đêm trong các ngành, lĩnh vực kinh tế chung. Theo ông Thắng, cần có hành lang pháp lý tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế ban đêm phát triển. “Ở góc độ địa phương, việc tổ chức kinh tế ban đêm cần dựa trên thực tế của các địa phương, tạo sự hợp lý giữa ban ngày, ban đêm. Chú ý hoàn thiện cơ sở hạ tầng, quy hoạch các khu vực, địa bàn tập trung phát triển kinh tế ban đêm” - ông Thắng nêu quan điểm.