Mặt trận

Khơi dậy ý chí tự lực, tự cường của cộng đồng các dân tộc thiểu số

Hoàng Yến 10/09/2024 10:04

Ngày 9/9, tại TP Tuyên Quang, Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Tuyên Quang lần thứ IV năm 2024 đã diễn ra - sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống của đồng bào vùng DTTS và miền núi, một biểu tượng đặc biệt về khối đại đoàn kết gắn bó keo sơn giữa các dân tộc Việt Nam.

tuyenquang.jpg
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Hiệp sĩ Đại thánh giá Lê Đức Thịnh và các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày của đồng bào các DTTS tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Quang Vinh.

Dự Đại hội có ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; ông Y Thanh Hà Niê Kđăm, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội. Cùng dự còn có ông Lê Đức Thịnh, Hiệp sĩ Đại Thánh giá Giáo hội Công giáo Hoàn vũ.

Ưu tiên các xã, thôn, bản khó khăn nhất

Tuyên Quang được biết đến là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, trong đó đồng bào DTTS chiếm 54,02% tổng dân số toàn tỉnh, tỉ lệ hộ DTTS nghèo còn ở mức cao. Nhưng sau 5 năm thực hiện Quyết tâm thư của Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Tuyên Quang lần thứ III năm 2019, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, đồng bào DTTS đã đoàn kết vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi nhiều mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

Đời sống vật chất tinh thần của đồng bào DTTS từng bước được cải thiện, giảm dần khoảng cách phát triển giữa vùng DTTS với các vùng khác, thu nhập bình quân đầu người tăng thêm 16,42 triệu đồng/người/năm so với 2019, tỉ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS giảm trên 4%/năm. Các mục tiêu đề ra tại Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Tuyên Quang lần thứ III đã cơ bản hoàn thành.

Đặc biệt từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã chỉ đạo, triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, với 10 dự án và 13 tiểu dự án thành phần đã góp phần cải thiện, nâng cao đời sống đồng bào DTTS và miền núi. Từ năm 2022-2024 tỉnh đã thực hiện phân bổ 2.203.660 triệu đồng để triển khai các nội dung chính sách thuộc chương trình. Nhờ đó, có 11 xã khu vực III, 8 xã khu vực II hoàn thành xây dựng nông thôn mới trở thành xã khu vực I, đạt mục tiêu chương trình đề ra. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, dám nghĩ, dám làm, vươn lên làm giàu.

Ông Hà Đức Mạch, Trưởng thôn, người có uy tín thôn Điểng, xã Nhân Lý, huyện Chiêm Hoá - một trong những đại biểu dự Đại hội cho biết, ông rất vinh dự và phấn khởi được tham dự Đại hội Đại biểu các DTTS của tỉnh Tuyên Quang.

“Về dự Đại hội, chúng tôi được các cấp chính quyền động viên, được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống… Đây là động lực lớn cho tôi cùng gia đình vận động bà con bà con nhân dân tiếp tục phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống ngày càng tốt hơn”, ông Mạch chia sẻ.

Theo ông Ma Quang Hiếu, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang, trong nhiệm kỳ mới, Đại hội đặt ra những mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển toàn diện KT-XH vùng đồng bào DTTS. Thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, ưu tiên cho các xã, thôn, bản khó khăn nhất. Giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; tiếp tục thực hiện hỗ trợ hộ nghèo, nhóm các DTTS còn nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù.

Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh - người Công giáo ưu tú đầu tiên của châu Á được Giáo hoàng Giáo hội Hoàn vũ phong tước phẩm vì những cống hiến của mình cho Giáo hội và xã hội chia sẻ, mặc dù đã gặp gỡ rất nhiều đồng bào dân tộc khác nhau ở nhiều vùng miền nhưng đây là lần đầu tiên ông được dự một Đại hội của đồng bào các dân tộc thiểu số. Hiệp sĩ Lê Đức Thịnh cho rằng, trong chiều dài lịch sử, dù còn nhiều khó khăn nhưng đồng bào các dân tộc đã và đang có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Đặc biệt đồng bào các dân tộc tại Tuyên Quang vẫn luôn là nền tảng văn hóa, lịch sử quan trọng để giữ gìn, phát triển KT - XH trên quê hương cách mạng. Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Tuyên Quang lần thứ IV sẽ lan toả và phát huy những giá trị bền vững đó, để đồng bào các DTTS cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hiện thực hoá khát vọng Tuyên Quang phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc như Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.

Phát triển toàn diện, bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi

Phát biểu tại Đại hội, ông Hầu A Lềnh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc biểu dương những thành tựu đạt được của tỉnh Tuyên Quang trong thực hiện Quyết tâm thư của Đại hội đại biểu các DTTS lần thứ III là “rất đáng tự hào, là quyết tâm chính trị và sự nỗ lực, vượt khó vươn lên của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh”.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh mong muốn tỉnh Tuyên Quang quyết tâm, đồng thuận, phối hợp thực hiện để công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước tiếp tục đi vào cuộc sống thực chất hơn, theo hướng phát triển toàn diện bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Trước mắt, các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội và cán bộ, đảng viên cần tiếp tục nghiên cứu, nâng cao nhận thức và quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, đại đoàn kết dân tộc và chính sách dân tộc. “Đổi mới tư duy, hành động quyết liệt, tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển KT - XH, đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các DTTS, thực hiện hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn” - ông Hầu A Lềnh nhấn mạnh.

Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Tuyên Quang lần thứ IV năm 2024 là một biểu tượng đặc biệt về khối đại đoàn kết gắn bó “keo sơn” giữa các dân tộc Việt Nam. Nhấn mạnh điều này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho rằng, Đại hội sẽ mở ra một giai đoạn phát triển mới từ sự tiếp tục khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực tự cường của cộng đồng các DTTS. Từ đó phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để đồng bào các DTTS tiếp tục cố gắng, nỗ lực thực hiện thắng lợi Quyết tâm thư Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh lần thứ IV năm 2024.

Với hơn 500 di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn, tỉnh Tuyên Quang được ví như một bảo tàng cách mạng của cả nước. Bên cạnh đó, tỉnh còn là nơi khởi phát, hội tụ, giao thoa của văn hoá các DTTS vùng núi phía Bắc với nhiều lễ hội đặc sắc, những truyền thuyết, những làn điệu dân ca thắm đượm tình người, là nơi được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh đẹp nên thơ. Nhắc tới những giá trị này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh tin tưởng rằng, với tiềm năng, lợi thế được thiên nhiên ban tặng, từ những người dân cần cù, thông minh, chịu thương, chịu khó, Tuyên Quang sẽ có những bước phát triển đột phá.

“23 dân tộc anh em tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, hăng hái thi đua lao động sản xuất, tương trợ giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, thách thức xây dựng vùng đồng bào DTTS tỉnh Tuyên Quang giàu về kinh tế, đậm đà bản sắc dân tộc, vững về quốc phòng, an ninh, thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Đảng bộ tỉnh cũng như mục tiêu trong Quyết tâm thư mà Đại hội đã đề ra”- ông Hầu A Lềnh khẳng định.

Nhân dịp này, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã tặng hoa chúc mừng Đại hội và tặng quà cho tỉnh Tuyên Quang; Cũng nhân dịp này, thông qua Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang, Hiệp sĩ Đại thánh giá Lê Đức Thịnh trao 200 triệu đồng; ông Trần Thiện, Chủ tịch Cảng Quốc tế Long Sơn trao 200 triệu đồng; ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bệnh viện Nam học và hiếm muộn trao 400 triệu đồng hỗ trợ cho các em học sinh đồng bào DTTS có hoàn cảnh khó khăn vượt khó.

Với tinh thần “Các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đoàn kết, phát huy nội lực, hội nhập và phát triển bền vững”, các đại biểu dự đại hội đã thông qua Quyết tâm thư Đại hội các dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang lần thứ IV, năm 2024.

Ngày 8/5/2009 Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 35-CT/TW về lãnh đạo Đại hội đại biểu các DTTS Việt Nam, theo đó Đại hội đại biểu các DTTS được tổ chức định kỳ 5 năm một lần đối với cấp tỉnh, cấp huyện và 10 năm đối với cấp Trung ương. Đến nay, qua 3 kỳ tổ chức Đại hội cấp tỉnh, cấp huyện, trên phạm vi cả nước đã có hơn 11.000 tập thể và gần 100.000 cá nhân đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện tặng Bằng khen, Giấy khen và Kỷ niệm chương vì sự phát triển các dân tộc Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khơi dậy ý chí tự lực, tự cường của cộng đồng các dân tộc thiểu số