Những ngày này, không khí Tết Trung thu rộn ràng, nhất là tại các đô thị lớn. Cũng tại những nơi này, nhiều hoạt động vui trung thu cho trẻ em được tổ chức với các hình thức khác nhau, trong đó nhiều nơi chú ý tôn vinh giá trị văn hóa thuần Việt…
1. Tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) hôm 26/9 đã diễn ra chương trình “Lung linh trăng rằm”. Tham dự chương trình các em nhỏ được gặp gỡ các nghệ nhân làm bánh, nghệ nhân làm đèn trung thu và cắt tỉa hoa quả, bày mâm cỗ cúng Ông Trăng.
Tết Trung thu, hay còn gọi Tết trông Trăng diễn ra vào ngày Rằm tháng Tám hằng năm. Vào dịp này ngày trước các gia đình thường bày cỗ thưởng trăng. Mâm cỗ Trung thu, với trọng tâm là ông Tiến sĩ, thể hiện mong ước của ông bà bố mẹ muốn các con cháu mình học hành giỏi giang, thành đạt. Tiếp đến là các loại bánh trung thu: bánh tôm, bánh cá... được làm bằng bột nhuộm màu sặc sỡ; hoa quả có bưởi, cốm, hồng, na, chuối. Mâm cỗ trung thu còn có các sản vật đặc trưng của mùa thu như: gỏi cá, chả ốc thưởng thức cùng rượu sen.
Ngày Tết Trung thu, trẻ em được người lớn tặng cho các loại đèn ông sao, đèn cù, đèn thỏ, đèn kéo quân và các loại đồ chơi trung thu. Vào đêm rằm, trong tiếng trống rộn rã, các bạn nhỏ cầm những chiếc đèn trung thu lung linh sắc màu cùng nhau rước đèn dưới trăng.
Thời gian gần đây, nhiều nét văn hóa truyền thống đã bị mai một, trong đó Tết Trung thu của trẻ em cũng bị ảnh hưởng. Thiếu những đồ chơi truyền thống, các em được chơi đồ hiện đại, bắt tai bắt mắt. Vì thế, đề nối lại những đứt gãy văn hóa trong dịp Tết Trung thu, nhiều nơi đã nỗ lực tổ chức các hoạt động văn hóa nhằm kéo các em nhỏ lại gần hơn với truyền thống.
Đơn cử như ở Hoàng thành Thăng Long, cả một khu vực được bày biện, trang trí bắt mắt để các em nhỏ trải nghiệm và ngắm nghía tìm hiểu về Tết Trung thu. Bên những mẹt hoa quả và những con giống, tò he được làm bằng bột, gian hàng của bà Phạm Thị Nguyệt Ánh rất được các khán giả nhí và những bậc phụ huynh quan tâm. Không chỉ tận mắt xem, các em còn được các nghệ nhân giảng giải cách làm, hướng dẫn trực tiếp làm các loại đồ chơi trung thu.
Trước đó, sáng 19/9, trong khuôn khổ chương trình “Trung thu 2020: Người giữ lửa” do Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức đã diễn ra chương trình “Tôn vinh nghệ nhân làm đồ chơi”. Chương trình có sự tham gia của các nghệ nhân đã nhiều năm chung tay cùng Bảo tàng trong việc gìn giữ Tết Trung thu cổ truyền như nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến làm đèn ông sao, nghệ nhân Phùng Đình Giáp làm phỗng tượng đất, nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền làm đèn kéo quân, nghệ nhân Nguyễn Hương Thủy làm hoa giấy, nghệ nhân Nguyễn Văn Hòa làm mặt nạ giấy bồi...
Đến đây, các em nhỏ được khám phá Tết Trung thu và văn hóa Việt Nam thông qua các hoạt động như: trải nghiệm múa lân sư, giã cốm, làm bánh dẻo, nghe kể chuyện về Tết Trung thu. Các bạn cũng được nghệ nhân dân gian có kinh nghiệm lâu năm hướng dẫn làm đồ chơi truyền thống như: đèn ông sao, ông sư, đèn kéo quân, ông tiến sĩ giấy, mặt nạ giấy bồi, nặn tò he, hoa quả bằng bột, làm bánh dẻo, giã và sàng sảy cốm, cắt tỉa hoa quả, bày mâm cỗ...
2. Bên cạnh những nơi tổ chức rầm rộ, thu hút các em nhỏ thì vẫn có những người lặng lẽ để phục hồi và tôn vinh những giá trị thuần Việt. Đó là nhà nghiên cứu Trịnh Bách. Mấy năm nay, ông âm thầm khôi phục các loại đèn trung thu xưa, vốn là món ăn tinh thần không thể thiếu của thiếu nhi.
Những chiếc đèn con cua, con thỏ, cá chép trông trăng… vốn chỉ thấy qua những bức ảnh chụp Tết Trung thu xưa mà đã vắng bặt trong đời sống suốt nhiều thập niên qua đã được nhà nghiên cứu này mày mò, kết hợp với các làng nghề phục dựng. Và thời gian gần đây, những chiếc đèn đó đã xuất hiện trở lại trong những không gian hiện đại, tạo nên cảm giác rất ấm áp của văn hóa Việt.
Nhà nghiên cứu Trịnh Bách cho biết, ông may mắn phát hiện được ở quận Tân Phú (TPHCM) có nhiều người dân làng Báo Đáp di cư vào đây từ những năm 1950 đã tụ họp lại lập ra xóm Phú Bình, và tiếp tục nghề làm đèn. Vì thế, từ năm 2007 đến nay đã 13 năm, ông thường mày mò ở khu Phú Bình để khôi phục những đèn trung thu truyền thống.
Và Trung Thu năm nay, chiếc đèn ấy sẽ lung linh trở lại tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội).
Mùa Trung thu 2020 này, dự án Họa sắc Việt của tác giả Trịnh Thu Trang với sản phẩm đầu tiên là “Họa sắc Việt từ trang Hàng Trống” cũng đem đến cho cộng đồng chuỗi sự kiện mang tên “Những điều xưa cũ mới mẻ 2: Mùa lễ hội”.
Với triển lãm “Trăng ta” diễn ra từ ngày 30/9 đến 31/10 tại 252B đường Âu Cơ (Tây Hồ, Hà Nội) sẽ có các khu trưng bày đầu sư tử phục dựng và đầu sư tử sáng tạo từ Họa sắc Việt và các sản phẩm thiết kế ứng dụng từ họa tiết đầu sư tử; khu vực trải nghiệm làm con giống, làm diều, làm đèn kéo quân, đèn ông sao; khu vực giới thiệu đồ chơi, trò chời dân gian.
Theo những người tổ chức sự kiện, trong mỗi dịp Trung thu và Tết Nguyên đán, chúng ta đã quá quen thuộc với những chiếc đầu lân sặc sỡ, đèn lồng nhỏ, những điệu múa lân đặc trưng của người Hoa.
Trong khi đó, những sản phẩm xuất hiện từ đầu thế kỷ XX như những chiếc đầu sư tử đặc trưng của người Việt, những chiếc đèn lồng rực rỡ với kích thước hơn 1m được làm bởi kỹ thuật điêu luyện, tinh tế cùng những câu chuyện mang ý nghĩa đặc sắc riêng, đậm chất Việt lại rất ít người trong chúng ta biết tới. Chúng ta có quyền tự hào vì chúng ta có những giá trị riêng biệt. Niềm tự hào ấy, thật xứng đáng để chia sẻ cùng nhau trong mùa trăng này! Bởi thế, không phải “chúng tôi” mà là “chúng ta” mới đủ sức mạnh để làm nên một bản sắc Việt mang nét đặc trưng riêng, giao hòa cùng các nền văn hóa khác trên thế giới.
Với sự nỗ lực của nhiều người trong đó có các nhà văn hóa, nhà nghiên cứu lịch sử, mỹ thuật, chúng ta cài đặt niềm tin vào một tương lai gần, những giá trị văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc Việt ngày càng được phổ cập đến công chúng rộng rãi. Làm được như vậy, Tết Trung thu xưa cũng được phục hồi, để trẻ em được hòa mình vào thế giới của văn hóa Việt, tinh thần Việt.