Khơi mầm giáo dục sớm: Kỳ vọng thành áp lực?

Thu Hương 19/01/2016 09:25

Dường như chưa bao giờ công cuộc giáo dục sớm cho con trẻ lại được các ông bố, bà mẹ Việt quan tâm đến mức sôi sùng sục như hiện nay. Hàng trăm đầu sách về giáo dục sớm được xuất bản luôn nằm trong top ăn khách. Những khoá học dạy con thành tài từ khi còn trong bụng mẹ liên tục được tổ chức… Tất cả chỉ với một mong muốn đem lại những điều tốt đẹp nhất cho con trẻ. Nhưng sự thực có phải thế?

Trăm hoa đua nở sách về giáo dục sớm

Khảo sát quanh các nhà sách lớn ở Hà Nội khu vực sách Kỹ năng sống, Khoa học đời sống có hàng rất nhiều sách thuộc lĩnh vực giáo dục sớm. Trong đó, những cuốn sách về thai giáo hướng dẫn cách chăm con, dạy con thành thiên tài từ giai đoạn mang thai được dành riêng hẳn một kệ sách với vị trí thuận tiện, dễ thấy. Theo một nhân viên của hiệu sách, đây là những đầu sách bán chạy, được nhiều người ông bố, bà mẹ trẻ tìm đọc.

Theo bà Phạm Thị Mão, chủ hiệu sách Mão ở phố Đinh Lễ, những cuốn sách về giáo dục sớm được tìm mua nhiều nhất có thể kể đến bộ 5 cuốn của 2 tác giả Glenn Doman, Janet Doman gồm “Dạy trẻ thông minh sớm”, “Dạy trẻ biết đọc sớm”, “Dạy trẻ học Toán”, “Tăng cường trí thông minh của trẻ”, “Dạy trẻ về thế giới xung quanh”; bộ 3 cuốn “Dạy con kiểu Nhật” giai đoạn 0 tuổi, 1 tuổi, 2 tuổi…

Một số đầu sách dịch khác về giáo dục sớm được nhiều bậc phụ huynh rỉ tai nhau như “Em phải đến Havard học kinh tế”, “Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt”, “Khúc chiến ca của mẹ Hổ”, “Vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương”, các cuốn sách về nuôi dạy con theo “Phương pháp Montessori”… Hiện tượng sách của Việt Nam trong lĩnh vực này chính là cuốn “Mẹ Việt dạy con bước cùng toàn cầu” của nhà văn-nhà báo Hồ Thị Hải Âu với 6.000 bản được bán hết sau 10 ngày ra mắt và tiếp tục được tái bản.

“Đọc sách về giáo dục sớm từ trước, trong và sau khi mang thai, đó là một sự chuẩn bị tích cực của các bậc phụ huynh rất đáng được hoan nghênh. Vì thế, rất dễ hiểu là mảng sách về giáo dục sớm cho trẻ hiện được rất nhiều nhà xuất bản quan tâm và thường xuyên “cháy hàng” khi mới phát hành” - TS Vũ Thu Hương, giảng viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội lý giải.

“Hãy để cho cây hường nở ra hoa hường”

Có một sự băn khoăn giống nhau của rất nhiều bậc cha mẹ trước vô vàn phương pháp dạy con kiểu Nhật, kiểu Trung Quốc, kiểu Do Thái… đã được đúc kết trong những trang sách, nhất là khi nhìn vào thành công của những đứa trẻ trưởng thành trong sự giáo dục ấy. Nhưng như tác giả Hồ Thị Hải Âu trăn trở, “bạn có thể dạy con trở thành người thành công nhưng chưa chắc đã nuôi được đứa trẻ hạnh phúc”.

Khi con gái bà là Lã Hồ Thị Minh Khuê trở thành sinh viên ĐH Havard, bà vẫn chưa hoàn toàn vững tâm và tự tin để chia sẻ về cách giáo dục của mình với cộng đồng. Không phải bất cứ sinh viên nào học tại Harvard đều có được tâm thế an nhiên, vững vàng, dù họ rất xuất sắc, ưu tú vượt bậc về trí tuệ. Chỉ khi biết con gái hạnh phúc vui vẻ nơi cuộc sống, học tập, nghiên cứu có vô vàn áp lực, bà mới quyết định viết cuốn sách. Và những trang sách đã không chỉ gói gọn ở nội dung giáo dục sớm ở lứa tuổi thơ bé mà là hành trình 18 năm nuôi dạy con nhiều mồ hôi, nước mắt với tất cả tâm hồn và trí tuệ.

Ở một khía cạnh khác, TS Giáo dục Nguyễn Thuỵ Anh cho rằng không đứa trẻ nào giống đứa trẻ nào. Với mỗi cuốn sách về giáo dục sớm, các bậc phụ huynh có thể tham khảo, học hỏi được những điều tốt đẹp trong cách giáo dục tạo nên thành công ở một số đứa trẻ. Nhưng không nhất định phải rập khuôn theo một phương pháp nào bởi cách dạy con của mẹ Mỹ, mẹ Nhật, mẹ Do Thái hay mẹ Việt Nam đều có những cái hay riêng. Quan trọng nhất là tìm ra phương pháp phù hợp với trẻ, điều mà chỉ có tình yêu thương, trí tuệ và sự kiên nhẫn bền bỉ của người cha, người mẹ mới có thể làm được.

Nói như học giả Nguyễn Duy Cần: “Hãy để cho cây hường (cây hồng) nở ra hoa hường (hoa hồng), cây lan nở ra hoa lan”. Đừng biến giáo dục sớm trở thành một cuộc đua của những bậc phụ huynh với mong muốn biến con thành thiên tài.

“Mục tiêu của giáo dục sớm không phải tạo ra thần đồng mà là phát huy các tố chất của con người trong thời kỳ não sinh trưởng, nghĩa là phải cung cấp nguồn “dinh dưỡng” để khai thác được tiềm năng của não bộ” - chuyên gia giáo dục Lại Thị Hải Lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khơi mầm giáo dục sớm: Kỳ vọng thành áp lực?