Năm nay, điểm trúng tuyển sớm khối ngành sư phạm ở nhiều trường, nhiều ngành vượt trội, thậm chí được ghi danh vào top những ngành có điểm chuẩn cao nhất.
Thu hút sự quan tâm của người học những ngày qua là công bố kết quả xét tuyển sớm vào Trường ĐH Sư phạm TPHCM năm 2024. Theo thông báo của nhà trường, có 6 thí sinh đạt giải nhì kỳ thi học sinh giỏi quốc gia đăng ký xét tuyển thẳng; 9 thí sinh đạt giải khuyến khích kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và 36 thí sinh đạt giải nhất, nhì, ba kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đăng ký xét tuyển theo phương thức ưu tiên xét tuyển và xét tuyển thí sinh là học sinh lớp chuyên.
Riêng phương thức xét tuyển sử dụng kết quả học tập THPT, có đến 5 ngành sư phạm lấy điểm trúng tuyển trên 29. Đứng đầu bảng là Sư phạm Hóa học với 29,81 điểm. Tiếp đó là Sư phạm Toán học với 29,55 điểm; Sư phạm Vật lý 29,48; Sư phạm Sinh học với 29,46 điểm; Sư phạm Lịch sử cũng lên đến 29,05 điểm. Đây là mức điểm được tính là tổng điểm trung bình của 3 môn học 6 học kỳ ở THPT (tương ứng với tổ hợp môn xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024) cộng với điểm ưu tiên đối tượng, khu vực theo quy định của Bộ GDĐT.
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 cũng vừa thông báo điểm chuẩn đủ điều kiện trúng tuyển xét tuyển sớm năm 2024. Với phương thức sử dụng kết quả học bạ cấp THPT, ngành lấy điểm chuẩn cao nhất là ngành Sư phạm Ngữ văn (29,80 điểm). Tiếp theo là ngành Sư phạm Toán học (29,3 điểm), Sư phạm Tiếng Anh (29,58 điểm), Giáo dục tiểu học (29,44). Ngành có điểm chuẩn thấp nhất theo phương thức xét tuyển này là Khoa học vật liệu (19,70 điểm). Với mức điểm này, thí sinh gần như phải đạt điểm học bạ gần tuyệt đối mới trúng tuyển. Đối sánh cho thấy, mức điểm chuẩn này phá vỡ kỷ lục năm 2023. Nếu như năm trước chỉ có một vài ngành sư phạm có điểm chuẩn trên 29, thì năm nay hầu hết đều trên 29 điểm.
Tại Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), mức điểm chuẩn xét tuyển học bạ đa số các ngành sư phạm đều tăng so với năm trước. Hầu hết tất cả các ngành đều tăng từ 1 - 2 điểm, đặc biệt có nhiều ngành tăng 4 - 5 điểm. Cụ thể, điểm chuẩn của ngành Giáo dục mầm non năm nay là 23 điểm, trong khi năm ngoái chỉ 18 điểm, tăng 5 điểm; ngành Giáo dục chính trị tăng 3 điểm lên 26,25 điểm; ngành Sư phạm Âm nhạc tăng 4,5 điểm từ 20,5 lên 25 điểm; ngành Quản lý tài nguyên môi trường và ngành Vật lý kỹ thuật tăng 4 điểm, từ 15 lên 19 điểm. Các ngành khác tăng từ 1 - 3 điểm như: ngành Giáo dục chính trị từ 23 lên 26,25 điểm; Sư phạm Tin học từ 24,2 lên 26,45; Sư phạm Vật lý từ 27 lên 28,4 điểm; Sư phạm Sinh học từ 25,75 lên 27,5 điểm; Sư phạm Lịch sử 26,75 tăng lên 28,1 điểm…
Còn theo công bố của Trường ĐH Cần Thơ ở phương thức xét tuyển kết quả học bạ, có 5/16 ngành đào tạo sư phạm với điểm chuẩn trên 29. Cụ thể là Sư phạm Toán với 29,6 điểm. 4 ngành còn lại là Sư phạm Hóa học, Sư phạm Vật lý, Sư phạm Sinh học, Sư phạm Khoa học tự nhiên.
Tại sao điểm xét tuyển sớm ngành sư phạm lại tăng cao như vậy? Theo các chuyên gia, những ngành sư phạm có điểm chuẩn cao nhất đều thuộc các ngành hot, có nhu cầu tuyển dụng lớn nên luôn thu hút sự quan tâm của thí sinh.
Đại diện Trường ĐH Quy Nhơn cho biết, điểm chuẩn tăng do lượng thí sinh đăng ký xét tuyển tăng trong khi chỉ tiêu giảm. Đơn cử tại ĐH Quy Nhơn, một số ngành chỉ có 20 chỉ tiêu. Trường phải dành chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Năm nay nhiều ngành sư phạm trường được giao chỉ tiêu khá ít, giảm mạnh so với năm trước. Chẳng hạn ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên năm học trước có 150 chỉ tiêu nhưng năm nay chỉ còn 27 chỉ tiêu.
Trên thực tế, không chỉ năm nay điểm xét tuyển của các ngành sư phạm, trường sư phạm mới tăng cao, mà từ năm 2020 đến nay, hầu hết các ngành học này đều có mức xét tuyển năm sau cao hơn năm trước, một phần vì chỉ tiêu các ngành sư phạm bị cắt giảm, phần nữa là do chính sách hỗ trợ tài chính của nhà nước với sinh viên ngành sư phạm… Đó là những yếu tố chính đẩy điểm chuẩn sư phạm lên cao.