Thị trường hiện nay đang xuất hiện khá nhiều sản phẩm khởi nghiệp bằng tài nguyên bản địa ở các vùng miền, được “khoác áo mới” hấp dẫn người tiêu dùng.
Khẳng định tên tuổi
Trước đây, khoai mì (củ sắn) Củ Chi chỉ là một đặc sản của ngoại thành TPHCM. Khoai mì được chế biến bằng các món ăn truyền thống như: khoai mì luộc, khoai mì hấp nước cốt dừa, bánh tằm khoai mì, bánh ít khoai mì... Tuy nhiên, qua bàn tay của ông Mai Anh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Yam Kitchen, khoai mì đã trở thành loại nguyên liệu để làm những món “hướng ngoại” như: mứt dứa Đài Loan chua ngọt, lava trứng muối tan chảy, bánh mì phô mai mozzarrella...
Ông Tuấn cho biết, tốc độ tăng trưởng béo phì của Việt Nam thuộc hạng top thế giới. Vì vậy, bánh khoai mì được làm từ 100% khoai mì tươi ngon, giàu tinh bột hấp thu chậm, không chứa gluten, rất phù hợp cho người ăn kiêng, người mắc bệnh tiểu đường và những người có vấn đề về tiêu hóa. Sản phẩm cung cấp năng lượng bền vững, giúp no lâu hơn và kiểm soát cân nặng hiệu quả.
Mong muốn nâng tầm bánh khoai mì, ông Tuấn bật mí, sắp tới, bánh khoai mì cũng tham gia vào chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của TPHCM. Không chỉ đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng trong nước, bánh khoai mì Củ Chi còn tính đến chuyện xuất ngoại. Doanh nghiệp này hướng cho nông dân vùng nguyên liệu (xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi) canh tác khoai mì theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap... nhằm có nguyên liệu đạt chuẩn xuất khẩu, bởi thị trường ăn kiêng lên đến 109 tỷ USD, thị trường người kiêng gluten lên đến 8 tỷ USD. Đây là hướng đi mới mang tính đột phá cho khoai mì Củ Chi.
Độc đáo trong ý tưởng khởi nghiệp xanh cũng phải kể tên băng gạc sinh học từ cây lục bình của nhóm sinh viên Trường Đại học Trà Vinh. Theo đó, nhóm sinh viên trên có ý tưởng lạ là chiết xuất cellulose từ cây lục bình để làm nên băng gạc Hydrogel. Đại diện nhóm sinh viên, em Nguyễn Ngọc Như Quỳnh cho biết, băng gạc sinh học từ cây lục bình có khả năng hút dịch, tạo gel, độ ẩm, bảo vệ và làm lành vết thương hiệu quả. Đặc biệt, băng gạc sinh học này dễ phân hủy, không gây ô nhiễm môi trường.
“Trường hợp dự án đi vào hoạt động, có thể đạt sản lượng tiêu thụ 4 - 5 tấn lục bình 1 tháng. Nếu có thể có công nghệ chiết xuất cellulose từ lục bình để sản xuất ra một sản phẩm công nghệ cao như băng gạc Hydrogel thì rất ý nghĩa” - em Quỳnh kỳ vọng.
Hội tụ các tiêu chuẩn cho sản phẩm khởi nghiệp
Vui mừng vì nhiều nông doanh trẻ thành công trong thời gian qua, bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao khẳng định: “Rất nhiều bạn trẻ khởi nghiệp với các sản phẩm được thị trường tiêu dùng đón nhận và lựa chọn. Trong đó, không ít sản phẩm đạt chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn, hàng Việt Nam chất lượng cao chuẩn hội nhập. Thậm chí, nhiều doanh nông xanh đã đổi mới, nâng cao quy trình sản xuất, phát triển thêm từ nhiều sản phẩm mới và xuất khẩu chính ngạch sản phẩm của mình ra những thị trường quốc tế”.
Bà Vũ Kim Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) thông tin, thời gian qua Trung tâm đã kết nối và phối hợp ngày càng nhiều hơn với những chuyên gia, doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế để hỗ trợ, thúc đẩy cho các dự án trong hệ sinh thái khởi nghiệp xanh. Chính sự liên kết và hỗ trợ bằng nhiều hình thức khác nhau đã giúp các sản phẩm khởi nghiệp ngày một đứng vững hơn trên thị trường nội địa. Đây là tiền đề cho nhiều bạn trẻ đưa sản phẩm vươn ra xuất khẩu đến nhiều thị trường quốc tế với các yêu cầu cao về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, sản phẩm khởi nghiệp đang được chuyên môn hóa cao hơn trước. Ông Phan Văn Minh - Viện Nghiên cứu Công nghệ sinh học và Môi trường (Trường Đại học Nông Lâm TPHCM) cho hay: “Nhiều sản phẩm khởi nghiệp đã chuẩn bị đầy đủ hơn về các giấy tờ kiểm định, phân tích thành phần nguyên liệu đầu vào, đất, kim loại... Chứng tỏ, các sản phẩm khởi nghiệp đã có sự chuẩn bị chu đáo trước khi đưa đến tay người tiêu dùng”.