Khởi nghiệp sáng tạo Vẫn chờ vốn đầu tư

H.Hương (thực hiện) 24/09/2017 07:00

Thời gian qua, TP. Hà Nội có nhiều biện pháp triển khai hoạt động vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thông tin. Hà Nội cũng được kỳ vọng là môi trường khởi nghiệp, thúc đẩy cơ hội việc làm tốt nhất cho các start-up. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp cho rằng, họ vẫn cần vốn. Trao đổi với báo chí, ông Vũ Tấn Cương - trưởng ban quản lý Vườn ươm bình luận rằng, Việt Nam chưa có nhà đầu tư chuyên nghiệp đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.


Ông Vũ Tấn Cương.

PV: Thưa ông, nhìn chung tại Việt Nam hầu hết người khởi nghiệp đều là những đối tương chuyên ngành kỹ thuật hay hoạt động trong lĩnh vực marketing, không nhiều kiến thức về tài chính. Vì vậy, kết nối vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp không chỉ hướng đến hỗ trợ “gọi vốn” đơn thuần?

Ông Vũ Tấn Cương: Thực tế hiện nay các ngân hàng càng khó đầu tư cho start-up vì chưa có cơ chế về đầu tư mạo hiểm. Ngay cả các ngân hàng thương mại thì quan điểm của họ cũng là phải bảo toàn vốn, không mang tính mạo hiểm. Do vậy sắp tới phải xây dựng được cơ chế chính sách để hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Gần đây, cụm từ “khởi nghiệp” được nhắc đến rất nhiều. Vậy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có gì khác biệt để được ưu tiên phát triển?

-Xu hướng khởi nghiệp gần đây rất hay được nói tới, trong đó có khởi nghiệp bắt đầu tư những nhu cầu xã hội sẵn có như: cung cấp lương thực, thực phẩm, đồ ăn… Kiểu khởi nghiệp này dễ thành công nhưng doanh thu và tính đột biến không cao.

Còn loại hình khác là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, dựa trên kiến thức, công nghệ, tính sáng tạo để đưa ra các dịch vụ mới có khả năng đột biến cao. Nhìn vào con đường đi của họ thấy giai đoạn đầu đầu tư lớn, vì họ tiêu tiền nhiều mà chẳng làm gì. Nhưng khi sản phẩm, dịch vụ đã ra đời và được xã hội chấp nhận thì có chiều phát triển lớn, tạo ra tính đột biến, doanh thu, lợi nhuận cao. Đó là cái chúng ta đang hướng tới. Từ đó mới có lớp doanh nghiệp trong tương lai, đóng góp cho chung của nền kinh tế.

Ông đánh giá như thế nào về khả năng tạo đột biến của các start-up được lựa chọn vào vườn ươm?

- Ngay cả nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ứng dụng CNTT trong đời sống xã hội tạo ra năng lực mới, cách đi mới, phương thức quản lý, vận hành phân phối khác đi nhưng phải đánh giá rõ là để có mô hình các start-up có tầm cỡ quốc tế như: Facebook, Google thì Việt Nam còn cần bước tiến nữa. Chúng ta cần có hệ sinh thái tốt, đưa sản phẩm có thành quả ấy vào ứng dụng trong xã hội thì mới tạo ra tính đột biến.

Thưa ông, Hà Nội đang xây dựng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Vậy doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp sẽ được thành phố hỗ trợ những gì?

- Vườn ươm doanh nghiệp CNTT đổi mới sáng tạo Hà Nội là hành động đầu tiên hiện thực hóa việc xây dựng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của thành phố. Từ tháng 1-2017, vườn ươm đã tiếp nhận 12 dự án, ý tưởng khởi nghiệp xuất sắc đầu tiên. Khi vào vườn ươm, start-up được hỗ trợ không gian làm việc, được có ban cố vấn, đào tạo.

Chu kỳ ươm mầm với doanh nghiệp CNTT kéo dài khoảng 1 năm, vườn ươm sẽ hỗ trợ các start-up trang bị đầy đủ kiến thức để các start-up hình dung cấu trúc doanh nghiệp của mình trong tương lai, có năng lực điều hành doanh nghiệp cụ thể.

Sau đó chúng tôi cho họ tốt nghiệp. Khi họ tốt nghiệp thì nhu cầu vốn rất lớn, chúng tôi sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư. Trong tương lai, Hà Nội sẽ tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp toàn diện mà start-up được hưởng lợi nhiều, cả về tính pháp lý, bản quyền, hoàn thiện hồ sơ doanh nghiệp…


Khởi nghiệp của người trẻ cần được sự giúp đỡ để thành công.

Hà Nội đã tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư lần thứ nhất cho 12 dự án được lựa chọn vào vườn ươm. Tuy nhiên, dường như kết quả của hội nghị này vẫn chưa được như mong đợi, thưa ông?

- Doanh nghiệp khởi nghiệp có 2 thời điểm cần vốn để hỗ trợ phát triển, là khi bắt đầu đã xác định rõ cách đi, nhu cầu của thị trường và bắt đầu hoàn thiện công nghệ. Giai đoạn 2 là sau khi sản phẩm, dịch vụ đã phát triển toàn diện, họ có kế hoạch sản xuất kinh doanh thì cần vốn để mở rộng thị trường.

Trước khi tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, chúng tôi đã tìm hiểu, gặp gỡ các nhà đầu tư, nhưng phải nói thẳng là ở Việt Nam chưa có nhà đầu tư chuyên nghiệp, vì họ sợ thất bại, vì đầu tư vào start-up thì tính mạo hiểm rất cao. Lợi nhuận rất cao nếu thành công và ngược lại.

Ở nước ta chưa hình thành cộng đồng đầu tư mạo hiểm rõ rệt, đặt ra yêu cầu phải sớm hình thành cộng đồng này. Điều này rất quan trọng vì nhu cầu về vốn để hỗ trợ start-up rất cao. Nếu sẵn có các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư chuyên nghiệp thì start-up được hỗ trợ nhiều hơn. Đây là một trong những vấn đề khó khăn nhất hiện nay để hỗ trợ khởi nghiệp.
Trân trọng cảm ơn ông!

Bà Phan Lan Tú - giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết, với mong muốn là cái nôi của sáng tạo khởi nghiệp, TP. Hà Nội có nhiều biện pháp tạo môi trường khởi nghiệp, thúc đẩy có cơ hội làm việc tốt nhất trong môi trường hiện nay. Để ươm tạo thành công ngoài sự nỗ lực của các nhóm khởi nghiệp thì không thể thiếu các nhà đầu tư. Hy vọng các nhà đầu tư tìm thấy các dự án tâm đắc.

Ông Phan Đình Tuệ - phó tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín, thừa nhận tính đến thời điểm này, ngân hàng vẫn đang xây dựng quy chế riêng và sản phẩm đặc trưng cho vay đối với doanh nghiệp khởi nghiệp. Song các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn đang được tích cực triển khai và lồng ghép chung với các sản phẩm, dịch vụ dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khởi nghiệp sáng tạo Vẫn chờ vốn đầu tư