Khởi nghiệp Vùng Đồng bằng sông Hồng: Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp ở vùng đất giàu tiềm năng

Duy Hưng 11/05/2023 20:49

Nằm trong chuỗi các hoạt động của Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia 2023, chiều 11/5, tại TP Nam Định (Nam Định) đã diễn ra Diễn đàn cấp cao "Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Vùng Đồng bằng sông Hồng".

Sự kiện do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Nam Định, Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học – Công nghệ (NATEC - Bộ Khoa học và Công nghệ), Hội đồng Cố vấn Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Quốc gia (VSMA) phối hợp tổ chức, dưới sự chỉ đạo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ Khoa học và Công nghệ và UBND tỉnh Nam Định. Bộ Trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc tham dự sự kiện.

Diễn đàn được tổ chức trong chiều nay 11/5, tại TP Nam Định.

Phát biểu tại Diễn đàn cấp cao: “Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo vùng đồng bằng Sông Hồng”, ông Bùi Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhìn nhận đồng bằng Sông Hồng là một vùng kinh tế động lực chiếm khoảng 30% GDP cả nước, tổng vốn đầu tư xã hội chiếm hơn 1/3, đứng đầu cả nước. Tăng trưởng kinh tế vùng đồng bằng Sông Hồng tăng trưởng bình quân giai đoạn 2005 - 2020 đạt 7,94%/năm, cao hơn mức bình quân cả nước. Một số địa phương trong vùng đã phát triển bứt phá, trở thành điểm sáng của vùng và cả nước.

Nhưng theo ông Bùi Trung Nghĩa, nhìn chung tăng trưởng kinh tế của vùng còn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế, các địa phương phát triển không đồng đều. “Diễn đàn tập trung thảo luận, trao đổi để hướng đến mục tiêu xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động của vùng đồng bằng Sông Hồng nhằm thúc đẩy hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các địa phương, xây dựng và phát triển các khu, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo vùng đồng bằng Sông Hồng theo tinh thần Nghị quyết 30 – NQ/TW”, ông nói.

Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thì cho rằng hiện nay, việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia hiệu quả và có tính liên kết chặt chẽ giữa các thành phần trong hệ sinh thái đang là mục tiêu, nhiệm vụ cấp bách cần phải thực hiện.

Theo ông, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, khẳng định “Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là quốc sách hàng đầu, đóng vai trò đột phá chiến lược trong giai đoạn mới; là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả; là nhân tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia”.

Việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia phải gắn và xuất phát từ việc xây dựng hệ sinh thái tại địa phương, đây chính là nguồn lực quốc gia đóng vai trò khởi tạo, gợi mở. Tập trung khai thác nguồn lực địa phương sẽ tạo tính bền vững, lâu dài cho sự phát triển của hệ sinh thái quốc gia.

Bộ Trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc tham dự sự kiện.

Trong phiên thảo luận “Khởi nghiệp Vùng đồng bằng Sông Hồng nhìn từ thực tiễn” với sự điều phối của TS Đàm Quang Thắng, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo Quốc gia – VSMA, ông Nguyễn Đức Vượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam chia sẻ, tỉnh hiện có 8 Khu công nghiệp và có 1.128 doanh nghiệp đang hoạt động (359 doanh nghiệp FDI). Đồng hành với VCCI trong chương trình Khởi nghiệp Quốc gia, tỉnh đã tập trung chỉ đạo, thực hiện các Kế hoạch để triển khai, thực hiện. Về cơ bản, đã nâng cao nhận thức, năng lực của cộng đồng về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, từ đó khích lệ, nâng cao sự tham gia của các tổ chức, cá nhân và các doanh nghiệp vào hoạt động khởi nghiệp.

Tỉnh đã tham gia hỗ trợ 60 mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phụ nữ và 21 mô hình đoàn thanh niên và 35 mô hình của các HTX, các doanh nghiệp với tổng kinh phí huy động tham gia khoảng 100 tỷ; tập trung vào các hoạt động đào tạo, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, xây dựng các nhãn hiệu, quảng bá thương hiệu trên các sàn giao dịch. Tuy nhiên, theo ông Vượng, hoạt động khởi nghiệp ở tỉnh vẫn có một số khó khăn như nguồn vốn cho chương trình còn hạn hẹp; chưa có cơ chế đủ hấp dẫn. Các dự án, mô hình khởi nghiệp quy mô còn nhỏ, hàm lượng khoa học và công nghệ thấp (kể cả với sản phẩm OCOP). Tính liên kết, bền vững không cao. Với doanh nghiệp khởi nghiệp tính rủi ro cao, thiếu vốn, thiếu công nghệ, thị trường, khó cạnh tranh…

Ông Trương Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia nhìn nhận hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia nhận được sự hỗ trợ đồng hành từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

“Có nhiều suy nghĩ rằng hoạt động đổi mới sáng tạo là hoạt động phong trào, tuy nhiên đó chỉ là giai đoạn đầu. Chúng ta cần có những hoạt động thiết thực truyền cảm hứng, nâng cao nhận thức của cộng đồng và sau đó phải là tìm kiếm các “champion”-người đi đầu và dẫn dắt các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp”.

“Hệ sinh thái chỉ mang tính hình thức nếu không có sự liên kết. Do đó tính liên kết cực kỳ quan trọng. Trong một tỉnh thành phải có sự liên kết giữa Sở Khoa học & Công nghệ với các trung tâm đổi mới sáng tạo, đoàn thanh niên, thậm chí hội phụ nữ…”, ông nói.

Đối với hệ sinh thái của vùng cũng vậy, ông Hùng cho rằng chúng ta phải lựa chọn các thành tố nào của tỉnh thành đó là "champion" - (người đi đầu, dẫn dắt - PV), để các yếu tố khác từ trong chính các tỉnh thành đó liên kết với nhau và liên kết với các thành phố khác cùng lĩnh vực.

TS Trần Quang Tuấn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hải Phòng thì cho rằng cần "phân công các thành phố mục tiêu đổi mới khởi nghiệp sáng tạo".

Theo ông Trần Quang Tuấn, xác định nguồn lực phát triển thành phố phải lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm, ngay từ năm 2017, thành phố Hải Phòng đã xây dựng Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Hải Phòng.

Với tinh thần cứ làm và cứ hành động, Hải Phòng đã triển khai sớm những kế hoạch xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo để trở thành một trong những cái nôi để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Hải Phòng đã đi sâu vào xây dựng hệ sinh thái cố vấn khởi nghiệp sáng tạo, các nhà đầu tư, gắn kết với các trường đại học như đại học kinh tế tại Hà Nội, đại học Ngoại Thương, đại học Hải Phòng… để tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp.

Đến nay doanh nghiệp sáng tạo được thành lập mới là 108 và trở thành doanh nghiệp khoa học công nghệ là 8 doanh nghiệp. So với 37.000 doanh nghiệp của thành phố Hải Phòng, đây là con số rất nhỏ nhưng là kết quả cho thấy tinh thần khởi nghiệp doanh nghiệp đã rất sâu sắc và thay đổi rất lớn.

Ông Lý Đình Quân, Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Đổi mới sáng tạo Quốc gia thì nhìn nhận nhiều lãnh đạo các địa phương cho rằng, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chỉ hỗ trợ cho khởi nghiệp. Tuy nhiên, đổi mới sáng tạo là một cách để nâng cao tái cấu trúc nền kinh tế và nâng cao hiệu suất, phát triển nền kinh tế địa phương.

Khi tầm nhìn lãnh đạo xem đổi mới sáng tạo là đòn bẩy, nền tảng để phát triển khoa học công nghệ; cũng như đòn bẩy để giải quyết tất cả các vấn đề của tư duy truyền thống, lúc đó khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ trở nên mạnh mẽ và có lực đẩy đi rất nhanh.

Một khó khăn khác là các địa phương không biết làm cách nào để thực hiện đổi mới sáng tạo. Dựa trên các văn bản của Bộ KH&CN để lập kế hoạch, nhưng khi thực hiện lập kế hoạch hành động và đưa qua các Sở thì không nhận được sự đồng thuận, do không có cố vấn cho Chương trình đổi mới sáng tạo tại địa phương. Do đó, cần phải có sự tham gia của cấp Bộ và các tổ chức cố vấn hỗ trợ cho địa phương. Nhưng trước khi hành động, các tỉnh thành có thể chia thành 3 nhóm như sau:

Nhóm thứ nhất là giai đoạn đầu: truyền cảm hứng, làm rất nhiều hội thảo, hội nghị để giải quyết bài toán nhận thức.

Nhóm thứ hai là giải quyết bài toán phát triển các nguồn lực để thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Trong đó, lựa chọn những con người tiên phong để dấn thân, hợp tác với doanh nghiệp và các bên liên quan để đưa tri thức vào quá trình điều hành quản lý của nhà nước. Đó là quá trình kiến tạo.

Nhóm thứ ba là yếu tố liên quan tới các mạng lưới mentor, mạng lưới cố vấn, mạng lưới các nhà đầu tư thiên thần…

Các diễn giả trao đổi tại Diễn đàn.

Trong phiên thảo luận với chủ đề “Giải pháp hỗ trợ xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng đồng bằng sông Hồng”, ông Nguyễn Linh Anh, Phó Tổng Biên tập Phụ trách Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp cho rằng, để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Vùng Đồng bằng sông Hồng rất cần nhận được những chia sẻ từ giải pháp từ chính các chuyên gia, những nhà đồng hành khởi nghiệp đang có mặt tại diễn đàn.

Ông Từ Minh Hiệu, Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KHCN, Bộ KH&CN cho biết, việc hình thành các hệ sinh thái vùng như Vùng Đồng bằng sông Hồng là rất cần thiết trong một tổng thể sinh thái vùng giữa các địa phương. “Các địa phương ở đây vừa phát huy các nguồn lực thế mạnh của địa phương mình và vừa có tính mở để tạo ra sự liên kết tổng thể, làm sao để huy động được các nguồn lực các địa phương của vùng. Khái niệm về hệ sinh thái được tiếp cận từ Mỹ, Phần Lan và các đối tác trên khắp thế giới cho thấy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo luôn rất khó khăn, rất cần sự hỗ trợ”, ông nói. Nhờ có các nguồn lực như vậy mà có các kỳ lân, các doanh nghiệp tỷ đô trong vài năm một cách nhanh chóng.

“Hiện tại chúng tôi đã chuyển từ giai đoạn thay đổi nhận thức, tư duy sang cùng nhau kiểm nghiệm hoạt động. Tư duy về đổi mới sáng tạo mở giúp được một doanh nghiệp đơn giản nhất là hợp tác với các trường đại học, Viện nghiên cứu thay vì xây dựng phòng nghiên cứu nội bộ. Mô hình đổi mới sáng tạo mở này mang lại lợi ích ngay lập tức. Cả doanh nghiệp, chính quyền hoặc các tổ chức xã hội đều có thể đặt hàng từ mô hình này. Bản thân các doanh nghiệp cung cấp giải pháp mới khi được áp dụng thành công cũng chính là cách để phát triển thị trường cho chính các nhà khởi nghiệp đó. Như vậy, thông qua các hoạt động đổi mới sáng tạo mở, các nhà khởi nghiệp cũng được thử nghiệm sản phẩm có phù hợp với thị trường hay không, đây là tư duy và phương thức để các bên đều có lợi, chính là tư duy win-win”, ông Từ Minh Hiệu nhấn mạnh.

Ông Trần Minh Hoan, Giám đốc Sở KHCN tỉnh Nam Định cho biết tỉnh đi chậm hơn so với một số tỉnh trong cả nước cũng như trong vùng trong xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Bắt đầu từ năm 2021, Nam Định mới bắt đầu từng bước hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và gặp rất nhiều khó khăn trong cơ chế chính sách, trong quá trình kinh nghiệm để triển khai. Tuy nhiên, địa phương đã học tập nhiều địa phương đã có kinh nghiệm để triển khai. “Dù muộn hơn nhưng chúng tôi tin với việc tận dụng những kinh nghiệm quý báu đã học hỏi, chúng tôi sẽ tiết kiệm được thời gian” - ông Hoa chia sẻ.

Diễn đàn cấp cao hôm nay là đề xuất từ tỉnh Nam Định, với mong muốn liên minh đổi mới khởi nghiệp sáng tạo của vùng ngày càng liên kết mạnh mẽ hơn. Cần thiết có sự điều phối từ Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KHCN, Bộ KH&CN, kết nối các tỉnh. Trong vùng, sẽ cần có những người dẫn đầu (champion) để có thể truyền kinh nghiệm, cảm hứng cho các địa phương trong vùng xây dựng chiến lược và thực hiện.

Bà Thạch Lê Anh - Nhà sáng lập Vietnam Silicon Valley khẳng định: Hoạt động ươm tạo phải đi cùng đầu tư. Cần phải biết cách ươm tạo và ươm tạo theo mô hình của Thung lũng Silicon. Trong mỗi đợt đầu tư, gieo mầm từ 10-20 nhóm và ươm tạo trong 100 ngày. Đối với Việt Nam, bà Lê Anh cho rằng, hoạt động ươm mầm này cần diễn ra trong vòng 4 tháng, do đa phần khả năng tiếng Anh của các em còn hạn chế và không có khả năng thuyết phục nhà đầu tư (pitching). Do đó, tháng cuối cùng là để các em làm quen với các quỹ và tập pitching trong 1 khoảng thời gian cố định.

Thứ nhất, con người có khả năng truyền được cảm hứng cho những người đồng hành với ý tưởng sáng tạo. Khi họ truyền cảm hứng cho những người xung quanh thực hiện ý tưởng cùng với họ, nhà đầu tư mới yên tâm đồng hành cùng nhóm khởi nghiệp. Thứ hai, sau khi con người đã phác thảo chiến lược, thì phải thực hiện được chiến lược. Thứ ba, con người quản lý được rủi ro.

Bên cạnh đó, bà Lê Anh nói thêm, điều quan trọng nhất là làm thế nào để xây được mô hình kinh doanh đáp ứng được 3 yếu tố, thứ nhất là có khả năng có lãi, thứ hai là lặp đi lặp lại và có khả năng tăng trưởng. Các mô hình đáp ứng được 3 yếu tố trên đều có thể thu hút được đầu tư.

“Tại sao chính phủ không phải là một nhà đầu tư? Ví dụ tại Mỹ, 1 năm tiền đầu tư mạo hiểm của quốc gia này chỉ chiếm 0,01% GDP nhưng nó đã tạo 21-23% GDP. Hay tại Hàn Quốc cũng có chính sách chú trọng vào đầu tư trực tiếp và coi đấy là nguồn lợi”, bà nói.

Ông Đỗ Minh Phương- CEO/Founder Cơm 9 phút thì chia sẻ “Chúng tôi đã trải qua thời gian khởi nghiệp khó khăn bởi thiếu đi những kinh nghiệm và một người hướng dẫn chuyên nghiệp. Trong quá trình lên chiến lược, chúng tôi đã phải liên tục thử nghiệm, thất bại và làm lại từ đầu. Doanh nghiệp bị cuốn vào vòng xoáy hết vốn, rồi lại đi gọi vốn. Thực tế thì trên thế giới đã có những kinh nghiệm cho bước thử nghiệm có thể tiết kiệm chi phí hơn. Nhưng chúng tôi không có kinh nghiệm nên đã đốt khá nhiều vốn cho giai đoạn này. Nếu như có thể làm lại và có nhà cố vấn chuyên nghiệp thì doanh nghiệp có thể sẽ giải quyết vấn đề nhanh và tiết kiệm chi phí hơn.

Từ đó, ông cho rằng có 3 vấn đề mà các startup cần: Thứ nhất, các nhà lãnh đạo của tỉnh, thành phố có thể dành thời gian kết nối với doanh nghiệp, kết nối các doanh nghiệp startup và các doanh nghiệp lớn. Nhà lãnh đạo hãy tìm các "hạt giống đỏ" để kéo gần khoảng cách lớn và nhỏ. Thứ hai, hãy tìm các startup lớn để làm mentor. Thứ ba, có các huấn luyện viên cho các nhà khởi nghiệp trở thành phiên bản lớn nhất cho chính họ, đặt ra những vấn đề để doanh nghiệp có thể tự phát triển chính mình. Hệ thống huấn luyện viên như vậy sẽ giúp cho các địa phương tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí để có thể phát triển tốt hơn.

Trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Vùng Đồng bằng sông Hồng, đã diễn ra Lễ Ký bản ghi nhớ giữa Sở KHCN Nam Định và các đơn vị trong hệ sinh thái Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia, hướng đến mục tiêu cao nhất là tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; cổ vũ khuyến khích, nâng cao tinh thần và năng lực khởi nghiệp cho thanh niên, sinh viên; tạo nên động lực hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công tại tỉnh Nam Định.

Vào tối nay, 11/5, tại TP Nam Định, Techfest vùng Đồng bằng sông Hồng năm 2023 sẽ chính thức khai mạc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khởi nghiệp Vùng Đồng bằng sông Hồng: Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp ở vùng đất giàu tiềm năng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO