Trong bối cảnh các nhà đầu tư trong nước gom mạnh, khối ngoại đã bán ra hơn 48 triệu cổ phiếu VHM, tương ứng khoảng 2.000 tỷ đồng.
Trong phiên giao dịch ngày 9/5, thị trường chứng kiến sự "giằng co" liên tục giữa hai bên mua - bán. Sắc xanh được duy trì cho tới cuối phiên sáng khi áp lực chốt lời quay trở lại. Kết phiên giao dịch, VNINDEX ở mức 1248,64 điểm, giảm 1,82 điểm (-0,15%), giá trị giao dịch xuống còn 20.000 tỷ đồng, giảm 14% so với hôm trước.
VNINDEX có phiên giảm điểm đầu tiên sau 6 phiên liên tiếp tăng điểm. Mặc dù lực giảm hôm nay vẫn còn yếu, thế nhưng thị trường đã cho thấy lực bán xuất hiện xuyên suốt phiên giao dịch.
Hôm nay, nhóm VN30 cũng trong trạng thái giằng co khi giảm nhẹ về mức 1281,47 điểm và chỉ có 13/30 mã tăng. Điểm sáng trong nhóm này là các mã thuộc ngóm ngành ngân hàng gồm TPB (tăng 2,25%) và VPB (tăng 1,08%).
Ở chiều ngược lại, bên mua chiếm ưu thế ở các mã có vốn hóa lớn như SAB, VNM và GAS. Nhóm ngành hóa chất tiếp tục là nhóm thu hút dòng tiền lớn nhất, còn các nhóm ngành ngân hàng, chứng
khoán, bất động sản, thép, xây dựng... hầu hết rơi vào "sắc đỏ".
Tổng giá trị khớp lệnh trong phiên ngày 9/5 là 22.609 tỷ đồng, giảm 15% so với hôm qua. Trong đó, giá trị khớp lệnh trên sàn HOSE đạt 20.011 tỷ đồng. Tại nhóm VN30, thanh khoản đạt 8.238 tỷ đồng.
Đáng chú ý, khối ngoại tiếp đà bán ròng mạnh với giá trị là 1706,06 tỷ đồng. Trong đó, VHM tiếp tục bị bán ròng mạnh với giá trị lên đến 1256,88 tỷ đồng (26,9 triệu cổ phiếu), DGC bị bán ròng 137,9 tỷ đồng...
Ở chiều ngược lại, HVN (Tổng Công ty Hàng không Việt Nam) và MWG (Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động) là những mã được khối ngoại mua nhiều nhất.
Trái ngược với động thái xả hàng của khối ngoại, cổ phiếu VHM vẫn ghi nhận mức tăng 0,12%, lên 40.950 đồng/cổ phiếu và dư mua 226.600 đơn vị, khối lượng cổ phiếu giao dịch khớp lệnh là gần 7,3 triệu đơn vị, cao gần gấp đôi trung bình các phiên giao dịch trước đó.
Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 8/5, cổ phiếu VHM cũng bị khối ngoại "sang tay" với 21,4 triệu cổ phiếu, tương ứng khoảng 900 tỷ đồng. Như vậy, sau 2 phiên giao dịch, khối ngoại đã bán ròng 2.175 tỷ đồng cổ phiếu VHM.
Mới đây, Công ty cổ phần Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cho rằng thị trường đã điều chỉnh mạnh trong tháng 4, nhịp điều chỉnh là cần thiết cho thị trường trong xu hướng tăng giá. Trong tháng 5, rủi ro giảm điểm của thị trường vẫn tiềm ẩn nhưng mức giảm có thể chậm lại. Qua đó, TPS kỳ vọng vào việc thị trường có thể giữ được vùng 1.150 – 1.180 điểm và bước vào xu hướng tích lũy, tạo nền.
Do thị trường đã điều chỉnh mạnh trong tháng 4 nên hiệu ứng "Sell in May" không còn đáng lo ngại. Thay vào đó, xu hướng "Buy in May" có thể sẽ tăng lên do tháng 5 thị trường về mức chiết khấu hợp lý, áp lực vĩ mô trong tháng 5 đã suy giảm đi đáng kể, tỷ giá ngoại tệ tự do giảm nhiều.
Tuy nhiên, theo Công ty cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC), trong tháng 5, các thông tin hỗ trợ sẽ ít dần do hầu hết doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính, họp Đại hội đồng cổ đông và lên kế hoạch kinh doanh trong tháng 4. Điều này có thể dẫn đến biến động khó lường cho thị trường chứng khoán.