Khơi thông dòng chảy xăng dầu

An Hà 14/10/2022 07:32

Ngày 12/10, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 326 kết luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc họp về tình hình quản lý và điều hành xăng dầu cho thị trường trong nước. Thông báo nêu rõ, thời gian qua có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh; tập trung tại một số tỉnh, thành phố phía Nam đã ảnh hưởng lớn đến tâm lý và đời sống sinh hoạt của người dân.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương với vai trò là cơ quan được Chính phủ giao thẩm quyền quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu cần chủ động bám sát tình hình thực tiễn, diễn biến thị trường, khẩn trương triển khai các biện pháp kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các hành vi đầu cơ găm hàng, buôn lậu xăng dầu và các hành vi vi phạm khác trong kinh doanh xăng dầu. Đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung xăng dầu và an ninh năng lượng quốc gia.

Giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát, sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu; báo cáo Chính phủ ngay trong tháng 10/2022.

Nhiều tháng qua, giá dầu thô thế giới liên tục biến động đã tác động mạnh tới thị trường xăng dầu trong nước. Cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều lần điều chỉnh giá (lên, xuống). Cũng do giá xăng dầu khá thất thường, nên đã từng xảy ra tình trạng các cây xăng “găm” hàng. Cơ quan chức năng cũng đã không ít lần ra văn bản cảnh báo và cũng đã xử phạt một số doanh nghiệp (DN) đầu mối, một số cây xăng vi phạm.

Tuy nhiên, lần này tình hình cung ứng xăng dầu căng thẳng hơn khi hàng loạt cây xăng ở nhiều địa phương tạm dừng bán. Trong đó, TPHCM có nhiều cây xăng tạm đóng cửa nhất, với lý do không còn tiền nhập xăng dầu, càng bán càng lỗ.

Trước tình hình đó, chính quyền TPHCM đã khẩn trương áp dụng nhiều biện pháp tháo gỡ. Đặc biệt, ngày 11/10, UBND TPHCM đã ra văn bản khẩn gửi Sở Công thương và Cục Quản lý thị trường thành phố về bảo đảm nguồn cung xăng dầu trên địa bàn: Đề nghị Sở Công thương yêu cầu các DN kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh, duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của DN. Đáng chú ý, yêu cầu các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu trên địa bàn chia sẻ nguồn cung, lợi nhuận trong hệ thống phân phối cho các đại lý và cửa hàng bán lẻ xăng dầu một cách hợp lý. Đồng thời, các DN bán lẻ, đại lý và cửa hàng kinh doanh xăng dầu chia sẻ với những khó khăn của các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu.

UBND TPHCM yêu cầu Sở Công thương và Cục Quản lý thị trường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; chủ động, kịp thời báo cáo, đề xuất UBND thành phố khi có tình huống phát sinh.

Tương tự, Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) cũng đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công thương , đề nghị tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn cho các DN bán lẻ xăng dầu. Hiệp hội cho biết, hiện cả nước có khoảng 17.000 cửa hàng xăng dầu, trong đó có khoảng 13.000 DN và bán lẻ xăng dầu hoạt động trên toàn quốc đảm bảo cung ứng xăng dầu cho các hoạt động kinh tế - xã hội; tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng vạn lao động, có nhiều đóng góp cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều DN bán lẻ xăng dầu gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh. DN bán lẻ phải tự bù chi phí vận tải từ kho về địa điểm bán hàng, dẫn đến kinh doanh thua lỗ kéo dài. Từ đó, VINASME đề nghị Bộ Công thương, Bộ Tài chính xem xét tính đủ chi phí kinh doanh định mức cho chuỗi cung ứng xăng dầu, từ khâu tạo nguồn của DN đầu mối đến khâu bán lẻ của các đại lý.

Theo VNASME, “các DN rất cần Bộ Công thương chủ trì tổ chức hội nghị lắng nghe ý kiến của các DN bán lẻ để có nhiều hơn những thông tin từ thực tiễn cơ sở, để cân nhắc các quy định, quyết định phù hợp”.

Thực tế những ngày qua khi nhiều cây xăng đồng loạt tạm nghỉ bán cho thấy việc điều hành, điều chỉnh hoạt động kinh doanh xăng dầu là rất cần thiết; cùng đó đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng, linh hoạt giữa Bộ Công thương và Bộ Tài chính, nhằm giảm các chi phí trung gian, cung cấp nguồn xăng dầu từ DN đầu mối xuống đến các cửa hàng bán lẻ một cách thuận lợi. Theo dõi chặt chẽ diễn biến giá xăng dầu thế giới để từ đó nhanh chóng điều chỉnh giá bán lẻ trong nước. Hết sức tránh để tái diễn việc “càng bán càng lỗ” dẫn tới việc hàng loạt cây xăng tạm ngưng bán hàng như vừa qua. Khai thông dòng chảy xăng dầu chứ không phải là để cho nó ách tắc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khơi thông dòng chảy xăng dầu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO