Theo Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) Nguyễn Văn Đính, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản mới được sửa đổi, bổ sung khi được thực thi sẽ rất tốt cho người dân, đặc biệt là người mua nhà.
Ông Đính cho rằng, với các quy định mới, quyền và lợi ích của người mua nhà sẽ được bảo vệ, với nhiều lựa chọn hơn khi nguồn cung được khơi thông. Các chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội (NOXH), cũng như mở rộng quyền sở hữu cho người nước ngoài cũng góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và nhà đầu tư trong việc sở hữu, hay kinh doanh bất động sản (BĐS).
Cụ thể, với Luật Đất đai 2024, các quy định đã bảo vệ lợi ích tối đa cho người mua nhà. Trong đó, về quy định bảng giá đất mới, giá đất được tính theo nguyên tắc thị trường, tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng được đẩy nhanh và người dân được hưởng lợi khi bị thu hồi đất. Đồng thời, hạn chế động lực đầu cơ, thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững khi chi phí chuyển nhượng, thuế... tăng cao. Phương pháp định giá đất cụ thể, minh bạch cũng giúp các dự án triển khai thông suốt, tháo gỡ vướng mắc cho những dự án bị tạm dừng, thúc đẩy nguồn cung mới vào thị trường, tạo điều kiện cho chủ đầu tư cân đối chi phí vốn và hạ giá bán nhà. Qua đó, hỗ trợ nhu cầu mua nhà của người dân.
Đối với Luật Nhà ở 2024, đại diện VARS cho rằng, tiêu chuẩn mới về thiết kế, xây dựng và quản lý nhà ở được nâng cao, bảo đảm an toàn và chất lượng sống cho người mua. Quy định chung cư mini phải đủ phòng cháy, chữa cháy và được xem xét cấp sổ hồng nếu đáp ứng đủ điều kiện sẽ tạo điều kiện thúc đẩy cả về mặt an sinh, an toàn cho người dân, hỗ trợ các cá nhân, tập thể phát triển loại hình này. Đặc biệt, Luật Nhà ở 2024 bổ sung đối tượng được đầu tư phát triển NOXH và cả đối tượng được mua, thuê mua NOXH. Thông qua đó, phát triển nguồn cung NOXH, hỗ trợ người thu nhập thấp dễ dàng tiếp cận các dự án nhà ở giá phù hợp và các chương trình vay vốn ưu đãi.
Với quy định mới của Luật Kinh doanh BĐS 2023, VARS nhận định môi trường kinh doanh BĐS sẽ lành mạnh, minh bạch, đúng như chủ trương của Chính phủ. Theo đó, Luật quy định, môi giới phải có chứng chỉ hành nghề, phải hoạt động trong doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS hoặc sàn giao dịch BĐS. Yêu cầu giao dịch BĐS phải thực hiện qua sàn sẽ tăng cường minh bạch và hạn chế rủi ro trong giao dịch cho khách hàng.
Ngoài ra, chủ đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh BĐS buộc phải thanh toán qua ngân hàng, dự án BĐS phải công khai thông tin trước khi đưa vào kinh doanh. VARS cho rằng các quy định này sẽ là nền tảng để xây dựng và số hóa cơ sở dữ liệu các dự án, nhằm công bố công khai cho thành viên thị trường, tránh tình trạng thông tin bất cân xứng, giảm thiểu rủi ro cho người mua nhà. Một quy định khác là chủ đầu tư dự án BĐS chỉ được thu tiền đặt cọc không quá 5% giá bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai. Quy định này góp phần bảo vệ người mua nhà khỏi rủi ro chủ đầu tư huy động vốn từ khách hàng trước khi hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết.
Ngoài ra, người mua nhà cũng có thể giảm bớt áp lực chi phí tài chính nếu mua sản phẩm từ các chủ đầu tư uy tín. Bởi khi Luật Kinh doanh BĐS mới cho phép khách hàng toàn quyền lựa chọn việc có cần phải áp dụng việc có hoặc không có bảo lãnh cho nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với mình khi ký kết hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai.
Theo Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) Lê Hoàng Châu, thị trường sẽ tăng trưởng trở lại vào năm 2025 nếu được “tiếp sức” bằng việc Quốc hội cho phép áp dụng sớm đối với 3 luật này. Trên lý thuyết, việc sửa đổi các luật nhằm khắc phục những vấn đề vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn, đồng thời đưa ra biện pháp quản lý chặt chẽ hơn, đảm bảo quyền lợi của người dân, doanh nghiệp. Do đó, nếu được áp dụng sớm, hứa hẹn đem lại lợi ích cho người dân lẫn doanh nghiệp.
Ông Châu nhận định có những tín hiệu rõ ràng cho thấy thị trường BĐS đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất từ trước đến nay. Dự báo, thị trường bắt đầu phục hồi từ cuối năm 2024, tăng trưởng trở lại bình thường từ năm sau trở đi, do độ trễ của chính sách.
Về mặt quản lý nhà nước, ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), đánh giá những thay đổi liên quan đến các luật trong lĩnh vực nhà ở, BĐS mới được Quốc hội thông qua là bước tiến lớn về chính sách. Đây là một trong những khung pháp lý quan trọng với nhiều quy định tác động tốt đến thị trường, chủ đầu tư và khách hàng. Trong các luật có những điểm mới được cho là phù hợp thực tiễn, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của pháp luật.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) Lê Hoàng Châu, thị trường sẽ tăng trưởng trở lại vào năm 2025 nếu được “tiếp sức” bằng việc Quốc hội cho phép áp dụng sớm đối với 3 luật: Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản. Trên lý thuyết, việc sửa đổi các luật nhằm khắc phục những vấn đề vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn, đồng thời đưa ra biện pháp quản lý chặt chẽ hơn, đảm bảo quyền lợi của người dân, doanh nghiệp. Do đó, nếu được áp dụng sớm, hứa hẹn đem lại lợi ích cho người dân lẫn doanh nghiệp.