Khơi thông nguồn lực đầu tư công - Bài 1: Nhiều dự án lỗi hẹn

Thúy Hằng 10/05/2023 10:40

Chính phủ luôn đốc thúc nhưng giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm. Trong khi đó báo cáo của các bộ, ngành, địa phương đã chỉ ra 25 đến 30 điểm vướng mắc khiến giải ngân chậm. Trong những vướng mắc đó có việc chính sách thiếu đồng bộ, quy định phức tạp về ngân sách, đất đai, đấu thầu, môi trường, giải phóng mặt bằng... Vậy làm thế nào để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trở thành động lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội?

Khởi công hạng mục đầu tiên vào tháng 12/2020 nhưng đến nay, nhiều hạng mục giai đoạn 1 xây dựng sân bay Long Thành vẫn chưa hoàn tất. Ảnh: Hoàng Thuấn.

Sân bay Long Thành được kỳ vọng là điểm trung chuyển hàng không quốc tế trong tương lai. Tuy nhiên, tiến độ triển khai dự án này đang rất chậm so với yêu cầu. Theo quy hoạch, sẽ phát triển khu vực Long Thành thành trung tâm hàng không với 3 đô thị vệ tinh tầm cỡ. Tổng vốn đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 lên tới 4,7 tỷ USD.

ACV phải chịu trách nhiệm khi Dự án sân bay Long Thành chậm tiến độ

Là dự án quan trọng quốc gia, có nguồn vốn đầu tư khủng nhưng đến thời điểm hiện tại, nhà ga hành khách của sân bay Long Thành vẫn chưa có nhà thầu thi công. Trong lúc tìm nhà thầu đủ năng lực, chủ đầu tư là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa xin Chính phủ cho phép xây dựng gói thầu nhà ga hành khách từ 33 tháng lên 39 tháng, kéo dài đến năm 2026 để có thời gian xây dựng và chạy thử.

Đáng lưu ý, về triển khai hạng mục nhà ga hành khách, việc đấu thầu không thành công gói thầu số 5.10 lần 1 đã bộc lộ nhiều hạn chế làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện dự án.

Gói thầu thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách lên tới 35.233 tỷ đồng, bao gồm việc thiết kế bản vẽ thi công, thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách của dự án thành phần 3 thuộc dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Để đốc thúc tiến độ của dự án tại Công điện số 271/CĐ-TTg về việc triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, lãnh đạo Chính phủ đã đưa ra các mốc thành phần. Đối với Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai khẩn trương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao diện tích đất giai đoạn 1 (1.180ha); bàn giao mặt bằng 2 tuyến giao thông kết nối trước ngày 30/6/2023; phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc bảo đảm trật tự, an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường khu vực dự án. Thủ tướng yêu cầu các Bộ: Công an, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Đồng Nai khẩn trương bố trí nguồn vốn, giao chủ đầu tư và chỉ đạo các đơn vị triển khai xây dựng trụ sở cơ quan quản lý nhà nước tại Dự án đáp ứng yêu cầu tiến độ chung; chỉ đạo chủ đầu tư xây dựng tiến độ chi tiết gửi Bộ Giao thông vận tải để theo dõi tổng hợp, kiểm điểm tiến độ.

Với Dự án thành phần 2 - Các công trình phục vụ quản lý bay, Thủ tướng yêu cầu Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) khẩn trương hoàn thành phê duyệt hồ sơ thiết kế phần thân và các hạng mục còn lại của công trình để triển khai công tác lựa chọn nhà thầu thi công bảo đảm tiến độ, chất lượng, hoàn thành công trình đưa vào khai thác, vận hành đồng bộ với các dự án thành phần khác.

Với Dự án thành phần 3 - Các công trình thiết yếu trong cảng hàng không, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) - đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) khẩn trương chỉ đạo đánh giá năng lực triển khai Dự án của ACV, làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân trong tổ chức đấu thầu gói thầu số 5.10; theo dõi, giám sát quá trình lựa chọn nhà thầu gói thầu số 5.10 để có các phương án khả thi hiệu quả nhằm lựa chọn được nhà thầu có năng lực thực sự trong tháng 5 năm 2023; kịp thời báo cáo về tiến độ, chất lượng, phương thức công tác lựa chọn nhà thầu.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan chỉ đạo ACV thực hiện Dự án, đẩy nhanh các thủ tục để khởi công nhà ga hành khách, trong trường hợp không đủ năng lực thì phải đánh giá kỹ lưỡng, chính xác để có phương án xử lý phù hợp, hiệu quả; dứt khoát không để tình trạng kéo dài, chậm tiến độ và chưa rõ hướng xử lý khả thi, hiệu quả như vừa qua; thường xuyên kiểm tra tình hình thực hiện dự án theo quy định; tổ chức thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư theo quy định pháp luật.

Công điện của Thủ tướng nêu rõ, ACV phải chịu trách nhiệm toàn diện trong việc triển khai tiến độ dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang rất chậm so với yêu cầu, chỉ là một dẫn chứng cụ thể cho việc thực hiện các công trình đầu tư công “trễ hẹn”, dẫn đến việc giải ngân vốn đầu tư không đạt chỉ tiêu.

Tuy nhiên, ở nhiều địa phương khác, việc thực hiện công tác đầu tư công gặp rất nhiều trở ngại. Mới đây HĐND TPHCM đã có buổi giám sát việc thực hiện công tác đầu tư công tại quận Bình Tân. Báo cáo của quận này cho biết giai đoạn 2021-2025, trong 48 dự án chậm tiến độ thì có đến 20 dự án là trường học. Các dự án đều có chung nguyên nhân chậm tiến độ là do vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng. Nhiều dự án thẩm quyền điều chỉnh quyết định đầu tư thuộc các sở, ngành chuyên môn nên UBND quận chưa chủ động để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Đối diện nhiều thách thức

Năm 2023, mục tiêu tăng trưởng được đưa ra là 6,5%. Có thể khẳng định rằng đầu tư công là động lực quan trọng vì đầu tư công sẽ mở rộng và nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng, chất lượng logistics, tạo cơ hội thuận lợi cho DN phát triển. Khơi thông nguồn lực đầu tư công sẽ góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, tạo không gian phát triển mới.

Cũng trong năm 2023 này Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2023 với tổng số vốn trên 700 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 25% (khoảng 140 nghìn tỷ đồng) so với kế hoạch năm 2022 và tăng khoảng 260 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch năm 2021 (năm đầu tiên của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025). Năm 2023 cũng yêu cầu phải giải ngân toàn bộ số vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư Trần Quốc Phương, đầu tư công năm 2023 phải giải ngân rất lớn vì tổng vốn đầu tư kế hoạch tăng mạnh, lại đặt trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn tác động tới Việt Nam. Do đó, để đạt mục tiêu thúc đẩy giải ngân cần có giải pháp tổng thể. Trước hết, phải xác định đầu tư công là ưu tiên hàng đầu để nhất quán trong công tác điều hành. Kinh nghiệm cho thấy, cùng một hệ thống thể chế, chính sách pháp luật, ở đâu có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của người đứng đầu và sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành liên quan, thì ở đó tiến độ giải ngân sẽ đạt cao. Yếu tố quan trọng khác là giữ bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng để đẩy mạnh các hoạt động của nền kinh tế, trong đó có đầu tư công.

Cũng theo ông Phương, giải pháp mang tính chất căn cơ là rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động các dự án đầu tư công. Trước hết, cần sửa ngay các bất cập được Bộ Kế hoạch và Ðầu tư tổng hợp thành 3 nhóm chủ yếu liên quan đến chính sách; công tác tổ chức, triển khai thực hiện và nhóm khó khăn của năm 2022 kéo dài đến nay.

TS Nguyễn Ðình Cung - nguyên Viện trưởng Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương nhận định, để tháo gỡ vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư, cần chấp nhận thực tế giá nguyên liệu đầu vào đã tăng lên hàng chục phần trăm so với thời điểm phê duyệt dự án. Do đó, các cơ quan có thẩm quyền phải quyết định ngay việc điều chỉnh tổng mức đầu tư cho dự án đã trúng thầu để nhà thầu không bị thua lỗ. Nếu không rốt ráo triển khai, dự án càng kéo dài càng đội vốn lớn, gây lãng phí nguồn lực. Vấn đề rất quan trọng khác là phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công kịp thời với khối lượng công việc đã thực hiện.

PGS.TS Phạm Thế Anh - Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô (Trường Đại học Kinh tế quốc dân):

Đẩy nhanh những dự ántrọng điểm quốc gia

Thúc đẩy đầu tư công không phải là việc vẽ ra các dự án mới mà là tập trung vào các dự án trọng điểm, những dự án đã có vốn sẵn. Theo đó, thúc đẩy đầu tư công không nên là việc tăng chi tiêu công một cách dàn trải, vội vàng, thiếu kiểm soát. Việt Nam chỉ nên đẩy nhanh những dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia, đã được phê duyệt và đã được bố trí sẵn vốn thực hiện. Việc chia nhỏ ra làm nhiều gói thầu và thực hiện rải rác ở nhiều địa phương để các DN có thể tiếp cận, tạo sự lan tỏa tốt hơn cũng có thể được cân nhắc như một giải pháp đặc biệt.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khơi thông nguồn lực đầu tư công - Bài 1: Nhiều dự án lỗi hẹn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO