Khơi thông thị trường vốn

Hồ Hương ( thực hiện) 29/04/2023 07:00

Vì sao thị trường vốn căng thẳng, người dân, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn? Những quy định mới tại Nghị định số 08/2023/NĐ-CP được Chính phủ ban hành sẽ hỗ trợ như thế nào cho việc tháo gỡ vướng mắc trên thị trường trái phiếu nói riêng và thị trường vốn nói chung?

Doanh nghiệp kỳ vọng lãi suất sẽ giảm mạnh trong thời gian tới để gia tăng sản xuất. Ảnh: Quang Vinh.

Xung quanh vấn đề này, Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia tài chính ngân hàng: TS. Nguyễn Trí Hiếu, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV và ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội.

Đẩy mạnh cho vay trực tuyến

PV: Ông có nhận xét gì về khả năng tiếp cận vốn của hội viên doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa trên địa bàn Hà Nội trong giai hiện nay?

Ông Mạc Quốc Anh: Quan điểm, chủ trương của Chính phủ là kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, cung cấp vốn tín dụng kịp thời, đúng mục tiêu, đáp ứng nhu cầu của DN, người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi nhanh, phát triển kinh tế - xã hội bền vững và hoạt động ngân hàng đúng hướng, an toàn, lành mạnh. Các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Theo yêu cầu, các NHTM sẽ rà soát, tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để có dư địa giảm lãi suất cho vay, chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ người dân, DN cùng vượt qua khó khăn.

Bản thân hệ thống ngân hàng cũng muốn đẩy tín dụng tăng, muốn cho DN vay vốn, nhưng quan trọng hơn hết là sức hấp thụ đến bao nhiêu thôi. Các DN trên địa bàn cũng đang tiếp cận các chương trình tín dụng mà ngân hàng đưa ra, tuy nhiên, mức lãi suất trên 10% /năm như hiện nay thì không DN nào có thể có lãi.

Gần đây lãi suất huy động tiền gửi có xu hướng giảm, nhưng lãi suất cho vay vẫn chưa giảm sâu, phải chăng chính sách vẫn cần độ trễ?

TS Cấn Văn Lực: Ngân hàng Nhà nước đã có quyết định giảm một số lãi suất điều hành. Và hiện tại chúng ta đã thấy lãi suất huy động có giảm, trước mắt là lãi suất cho vay ngắn hạn, sẽ hỗ trợ DN, bên vay vốn, giảm một phần chi phí tài chính. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, lần này chỉ giảm lãi suất cho vay ngắn hạn, bằng nội tệ, đối với các lĩnh vực ưu tiên, nên phạm vi ảnh hưởng chưa nhiều. Sau này, khi mặt bằng lãi suất chung có điều kiện giảm sẽ tác động tích cực đối với tất cả các bên vay. Đồng thời, DN có thể huy động vốn mới (vay nợ, phát hành trái phiếu) với lãi suất thấp hơn, vừa góp phần tăng khả năng trả nợ, giảm rủi ro nợ xấu, giảm chi phí đầu vào, vừa tạo điều kiện giảm giá đầu ra tương ứng, qua đó kích thích tiêu dùng.

Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành, đánh dấu bước thay đổi chính sách tiền tệ, từ thận trọng sang linh hoạt, nới lỏng một phần, khi đó, DN và người dân có kỳ vọng lãi suất trên đà giảm, khiến họ có thể quyết định đầu tư, tiêu dùng nhiều hơn, góp phần hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đạt mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn, tổ chức tín dụng và DN cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại, tiết giảm chi phí, tăng cường quán lý rủi ro (nhất là rủi ro thị trường – trong đó có rủi ro lãi suất, tỷ giá, rủi ro thanh khoản…), qua đó có điều kiện giảm lãi suất trên diện rộng và bền vững hơn.

Ông Mạc Quốc Anh: Muốn lãi suất giảm sâu, thứ nhất bản thân các ngân hàng phải cắt giảm tối đa chi phí quản trị, tiết kiệm chi phí quản lý. Đặc biệt phải đẩy mạnh tăng cường cho vay trực tuyến để giảm bớt chi phí quản trị về truyền thống. Thứ hai, chính ngân hàng cũng là DN, nên cần tính toán hợp lý công tác thị trường, ngân hàng phải thường xuyên rà soát các khoản vay, cơ cấu cơ cấu lại các khoản vay để hỗ trợ DN kịp thời.

Chúng ta đang chú trọng việc khơi thông nguồn vốn, gỡ khó cho người dân, DN, các vị có gợi ý về những giải pháp cho ngân hàng?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Ngân hàng Nhà nước cho biết đã thanh tra đột xuất một số ngân hàng và xử phạt những đơn vị vi phạm về đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), nên công bố thông tin về kết quả của lần thanh tra này liên quan đến những vi phạm cụ thể của các ngân hàng để người dân, DN có thể biết những sai phạm của các ngân hàng để tránh. Dĩ nhiên, Ngân hàng Nhà nước không cần nêu đích danh các ngân hàng bị thanh tra. Việc thanh tra chắc chắn sẽ giúp cải thiện các hoạt động cho vay của các ngân hàng và từ đó giúp khai thông nguồn vốn tín dụng.

Tuy nhiên, trong hệ thống ngân hàng hiện nay, có một số ngân hàng có sức khoẻ tài chính yếu kém và chỉ sống dựa vào sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước. Về việc 2 ngân hàng của Mỹ sụp đổ và bị cơ quan FDIC tiếp quản và kiểm soát, tôi cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cũng nên từng bước suy xét việc cho phép các ngân hàng trong nước phá sản để sàng lọc hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Bên cạnh đó, muốn khai thông nguồn vốn tín dụng và các nguồn vốn khác thì hệ thống ngân hàng phải được cải tổ. Nếu chúng ta đi tìm những giải pháp để khai thông nguồn vốn mà hệ thống tuần hoàn các nguồn vốn đó chính là ngân hàng và hệ thống ngân hàng hoạt động thiếu hiệu quả thì việc khai thông nguồn vốn chỉ mang tính ngắn hạn và chỉ là giải pháp tình thế.

Với những ngân hàng nào được đánh giá có nguy cơ vỡ nợ hay phá sản, Ngân hàng Nhà nước nên có kế hoạch sáp nhập hay rút khỏi thị trường ngân hàng, thay vì cho phép họ tồn tại nhưng lại trở thành một lực cản cho sự phát triển lành mạnh và ổn định của hệ thống tài chính. Sự khai thông nguồn vốn tín dụng và đầu tư chỉ có thể thực hiện hiệu quả nếu hệ thống ngân hàng loại bỏ được những thành phần phản tác dụng.

Gỡ nút thắt trái phiếu doanh nghiệp

Trong câu chuyện thị trường vốn, nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân của khó khăn là do TPDN và Nghị định 08 ban hành sẽ tháo gỡ được vấn đề này?

TS Cấn Văn Lực: Với TPDN cần 2 vấn đề quan trọng là tài sản đảm bảo và xếp hạng tín nhiệm để thị trường vốn phát triển. Lưu ý rằng, tổng quy mô phát hành TPDN năm 2022 chỉ đạt khoảng 338 nghìn tỷ đồng, giảm hơn 47% so với cùng kỳ năm 2021 (trong đó phát hành ra công chúng giảm 67%, phát hành riêng lẻ giảm 65%). Bước sang năm 2023, thị trường vẫn khá trầm lắng khi trong 2 tháng đầu năm, mới có 2.600 tỷ đồng TPDN mới được phát hành, chỉ bằng 9,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Điều này cho thấy thị trường TPDN Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, khi lượng TPDN đáo hạn cao, tâm lý nhà đầu tư chưa ổn định trở lại sau một số sai phạm, DN và nhà đầu tư chưa kịp thích ứng với các quy định pháp lý mới….

Nghị định 08 được xem là giải pháp tạm thời, giúp tháo gỡ các khó khăn trước mắt cho thị trường. Tuy nhiên, để thị trường có thể phát triển lành mạnh cũng như hạn chế rủi ro, cần có các biện pháp dài hạn, vĩ mô để khắc phục các điểm yếu như hành lang pháp lý và quy chế quản lý thị trường.

Cụ thể, cần chú tâm đến 7 biện pháp. Một là, quyết liệt chỉ đạo giải quyết nhanh chóng, dứt điểm và nghiêm minh những vi phạm về phát hành TPDN vừa qua để lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư. Điều này sẽ giúp thị trường TPDN phục hồi nhanh chóng, tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn để đầu tư, sản xuất và cả đảo nợ, đảm bảo quá trình phục hồi của nền kinh tế không bị gián đoạn.

Hai là, cần nhanh chóng cải cách thủ tục, điều kiện, rút gọn thời gian cấp phép phát hành để tạo điều kiện, có chính sách khuyến khích DN phát hành trái phiếu ra công chúng. Đây sẽ là kênh gọi vốn quan trọng của DN.

Ba là, cần có chính sách khuyến khích định hạng tín nhiệm, công bố thông tin định hạng tín nhiệm cho DN nói chung (không chỉ cho phát hành TPDN).

Bốn là, hoàn thiện hạ tầng của thị trường TPDN như thị trường thứ cấp tập trung, cơ sở dữ liệu về trái phiếu, về tài sản đảm bảo…. Việc xây dựng và phát triển các thị trường thứ cấp an toàn là nội dung cần sớm triển khai để tăng thanh khoản, thu hút thêm dòng vốn đầu tư từ trong và ngoài nước.

Năm là, hoàn thiện cơ chế quản lý và giám sát thị trường, như cơ chế quản lý đối với trái phiếu sau phát hành như quản lý tài sản đảm bảo, giám sát dòng tiền, quản lý mục đích sử dụng vốn… Tăng mức chế tài đối với các hành vi vi phạm.

Sáu là cải thiện chất lượng nhà đầu tư cá nhân trên thị trường thông qua tăng cường giáo dục tài chính cho nhà đầu tư cá nhân, đồng thời đưa ra các chính sách khuyến khích phát triển nhà đầu tư tổ chức.

Cuối cùng, thị trường TPDN Việt Nam là một cấu phần không thể tách rời của thị trường tài chính và bất động sản. Việc quản lý, định hướng phát triển cần được gắn chặt với hệ thống tài chính, việc áp dụng các quy chuẩn công bố thông tin, an toàn hệ thống... cần được giám sát chặt chẽ bởi cơ quan quản lý một cách phù hợp, với tư cách độc lập nhiều hơn.

Ngoài ra, cần quan tâm hơn nữa đến rủi ro hệ thống, lan truyền giữa ngân hàng - chứng khoán - bảo hiểm - bất động sản. Theo đó, nâng cao hiệu quả phối kết hợp giữa các cơ quan quản lý là rất quan trọng, cùng với việc xây dựng mạng lưới an toàn tài chính, với việc tăng tính độc lập, năng lực cho cơ quan thanh tra - giám sát cũng như vai trò của bảo hiểm tiền gửi. Cùng với đó cũng cần có đề án để sớm nâng hạng thị trường.

Vấn đề cốt lõi là cần có sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ban, ngành, các cơ quan lãnh đạo. Tôi cũng mong muốn Ủy ban Chứng khoán nhà nước có vị thế và vai trò cao hơn, độc lập hơn bởi quy mô thị trường đang ngày càng lớn.

TS Nguyễn Trí Hiếu: Nghị định 08 được ban hành với kỳ vọng giải quyết khó khăn của thị trường trái phiếu, nhưng thực chất chỉ có thể giúp một phần nào đó.

Tại lần sửa đổi này, Điểm b khoản 3 Điều 3 Nghị định số 65/2022 ngày 16/9/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020 của Chính phủ quy định: DN không được thay đổi kỳ hạn của trái phiếu đã phát hành. Nghị định 08 sửa đổi theo hướng cho phép DN được thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu nhưng phải đảm bảo một số nguyên tắc quy định, trong đó được thoả thuận gia hạn với các nhà đầu tư về trái phiếu trong 2 năm. Tôi cho rằng, trong điều kiện thị trường đang phát triển, nếu nhà phát hành và nhà đầu tư đều đồng thuận thì đây là điều lý tưởng.

Tuy nhiên, có vấn đề nếu nhà phát hành không trả đúng hạn mà đợi thêm 2 năm, sẽ có nhiều nhà đầu tư không đồng ý. Bởi với năng lực của DN hiện tại không trả được thì liệu 2 năm nữa có trả được không. Hơn nữa, nhà đầu tư mua trái phiếu được đảm bảo bằng tài sản thì không biết tài sản đó khi đến ngày đáo hạn giá trị sẽ hao hụt như thế nào? Tôi cho rằng, đây là giải pháp không thực tế. Trừ trường hợp có một nghị định riêng của Chính phủ về chương trình hoãn nợ quốc gia, yêu cầu hoãn tất cả trái phiếu đến hạn trả nợ trong 2 năm. Trong vòng 2 năm đó các nhà đầu tư không đưa ra toà để yêu cầu toà mở thủ tục phá sản. Còn nếu để hai bên đàm phán, sẽ có nhà đầu tư không đồng ý chấp nhận trước yêu cầu của nhà phát hành.

Bên cạnh đó, quy định nếu hai bên đàm phán với nhau, cho phép nhà phát hành trái phiếu trả bằng tài sản khác là vấn đề không có gì mới mẻ. Nhà phát hành không trả bằng tiền thì trả bằng hiện vật và pháp luật không bắt buộc người trả nợ chỉ trả bằng tiền mặt.

Đối với quy định rời xếp hạng tín nhiệm DN đến năm sau, tôi chưa đồng tình. Giải pháp để mở thị trường đáng lý mở đầu này, siết chặt lại đầu kia. Đầu xếp hạng tín nhiệm phải siết lại. Có nghĩa là thay vì rời lại cho đến sang năm, thì tất cả các trái phiếu từ nay trở đi, bất kể lô nào cũng phải xếp hạng. Tại thời điểm này làm sao xây dựng lại niềm tin cho nhà đầu tư là quan trọng.

Ông Mạc Quốc Anh: Tôi cho rằng, Nghị định số 08 được ban hành là tín hiệu tốt cho thị trường vốn. Nghị định này có quy định đáng chú ý: Đối với trái phiếu chào bán tại thị trường trong nước, trường hợp DN phát hành không thể thanh toán đầy đủ, đúng hạn nợ gốc, lãi trái phiếu bằng đồng Việt Nam theo phương án phát hành đã công bố cho nhà đầu tư theo quy định tại Điều 17 Nghị định này, DN có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản theo nguyên tắc: Tuân thủ quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan. Đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì còn phải tuân thủ quy định của pháp luật về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đó. Đồng thời phải được người sở hữu trái phiếu chấp thuận; DN phát hành trái phiếu phải công bố thông tin bất thường và chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu theo quy định của pháp luật.

Với DN hoạt động nghiêm túc, giai đoạn này họ gặp khó khăn do bị kẹt về dòng tiền, không phải là DN không có tiền hay làm điều sai trái. Cùng lúc họ bị khó khăn không xoay được tiền, nếu siết bắt DN trả bằng được, DN có thể đi đến phá sản do không đáp ứng tiêu chí thanh toán trái phiếu. Đây là yếu tố then chốt giãn nợ cho DN phát hành trái phiếu.

Chưa kể các DN được quyền thương thảo nhà đầu tư về việc dùng sản phẩm bất động sản của DN thanh toán thay cho lãi và gốc trái phiếu. Trước đây, DN không những huy động vốn qua trái phiếu mà còn vay qua ngân hàng, hầu hết giấy tờ tài sản ngân hàng nắm giữ. Những dự án đang làm chưa đủ điều kiện bán hàng, khi đủ cơ chế bán hàng thì thị trường ảm đạm, nhà đầu tư không xuống tiền mua, DN không có dòng tiền. Thay vì DN phải đi bán thì có thể thương lượng với trái chủ để cấn trừ, đây là hướng mở cho DN lẫn trái chủ có lối thoát, là yếu tố tích cực cho DN.

Trân trọng cảm ơn các ông!

Ông Nguyễn Hoàng Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính - Ngân hàng, Bộ Tài chính:

Chủ động đàm phán với nhà đầu tư

Thời gian vừa qua, các vụ việc vi phạm của Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát... đã tác động mạnh đến tâm lý của nhà đầu tư, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) bị ảnh hưởng. Khối lượng phát hành mới sụt giảm, nhà đầu tư bán lại trước hạn nhiều, khối lượng mua trái phiếu trước hạn của DN lớn. Bên cạnh đó, những tin đồn thất thiệt trên thị trường tài chính và khó khăn của thị trường bất động sản cũng tác động đến niềm tin của nhà đầu tư.

Trước bối cảnh đó, Bộ Tài chính đã tổ chức làm việc với gần 40 DN phát hành và tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường TPDN để tìm ra giải pháp củng cố niềm tin của nhà đầu tư, tháo gỡ khó khăn và tăng tính thanh khoản của thị trường. Cùng với đó, từ cuối năm 2022 đến nay, Bộ Tài chính thường xuyên yêu cầu các doanh nghiệp phải ưu tiên thực hiện thanh toán nợ gốc, lãi trái phiếu đến hạn cho nhà đầu tư theo đúng cam kết.

Trong năm 2023, khối lượng trái phiếu đáo hạn tương đối lớn. Hiện các DN đang nỗ lực cân đối dòng tiền để thu xếp thanh toán đúng hạn, giữ uy tín với thị trường; tuy nhiên, vẫn còn một số DN gặp khó khăn thanh khoản có thể chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu. Do đó, để ổn định thị trường TPDN tại điều kiện cho DN có thêm thời gian xây dựng phương án tái cơ cấu nợ và hoạt động sản xuất kinh doanh, Chính phủ đã ban hành Nghị định 08/ 2023/ NĐ – CP quy định DN phát hành trái phiếu có thể đàm phán với nhà đầu tư để thanh toán trái phiếu bằng tài sản hợp pháp của mình; đàm phán với nhà đầu tư để thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu, trường hợp gia hạn trái phiếu thì tối đa không quá 2 năm.

Bộ Tài chính yêu cầu DN khẩn trương bố trí mọi nguồn lực để thanh toán nợ gốc, lãi trái phiếu đến hạn cho nhà đầu tư theo đúng cam kết. Trường hợp có khó khăn trong việc cân đối nguồn thực hiện chi trả, đề nghị DN phát hành chủ động đàm phán với nhà đầu tư để xem xét có các biện pháp hài hòa, hợp lý, hiệu quả để cơ cấu lại các khoản nợ trái phiếu, cơ cấu phương thức thanh toán phù hợp với tình hình thực tế và theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, DN phải tự thay đổi, chủ động xếp hạng tín nhiệm và thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, tăng cường công khai minh bạch, công bố thông tin về tình hình của DN để lấy lại niềm tin của thị trường và nhà đầu tư.

Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú:

Thanh khoản của các ngân hàng thương mại dồi dào

“Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo chặt chẽ, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã có các chính sách linh hoạt về lãi suất, tỷ giá, cung ứng tiền, giãn, hoãn, cơ cấu lại khoản nợ để hỗ trợ doanh nghiệp cũng như tạo điều kiện cải cách thủ tục hành chính…Chính sách điều hành của NHNN đã giải quyết được mục tiêu quan trọng là kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền và đang có xu hướng tiếp tục duy trì giá trị đồng tiền, tỉ giá đang có xu hướng tiếp tục ổn định. Mục tiêu năm 2023 là tiếp tục duy trì sự ổn định của giá trị đồng tiền, cố gắng phấn đấu thực hiện kiểm sóat lạm phát, ổn định tỷ giá.

Phó Thống đốc khẳng định, hiện nay, thanh khoản của các NHTM rất dồi dào, không thiếu vốn. Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, của NHNN với việc giảm lãi suất chính là thông điệp gửi đến doanh nghiệp rằng chúng tôi đã và đang giảm lãi suất. Quan điểm của NHNN lúc này là phải tiếp tục giảm lãi suất hỗ trợ nền kinh tế. NHNN đã điều hành các NHTM tiết giảm mọi chi phí để giảm lãi suất, sắp tới dự kiến sẽ vận động các NHTM giảm tiếp, giảm nhiều hay ít còn tùy theo năng lực tài chính của từng ngân hàng.

T.Hằng

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khơi thông thị trường vốn