Thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), Ủy ban Chính sách nhân lực nước ngoài của Hàn Quốc đã công bố một số chính sách tiếp nhận lao động nước ngoài trong năm 2022.
Theo đó, tổng chỉ tiêu tiếp nhận lao động nước ngoài theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (Chương trình EPS) Hàn Quốc sẽ tiếp nhận 59.000 người (tăng 7.000 chỉ tiêu so với năm 2021).
Phân bổ theo ngành nghề, ngành sản xuất chế tạo 44.500 chỉ tiêu (tăng 6.800 chỉ tiêu so với năm 2021); nông nghiệp, chăn nuôi 8.000 chỉ tiêu (tăng 1.600 chỉ tiêu); ngư nghiệp 4.000 chỉ tiêu (tăng 1.000 chỉ tiêu); xây dựng 2.400 chỉ tiêu (tăng 600 chỉ tiêu) và dịch vụ 100 chỉ tiêu (giữ nguyên so với năm 2021).
Thông tin từ Bộ Nhân lực Singapore, từ tháng 8/2021 đến tháng 8/2022, sẽ thực hiện thí điểm tiếp nhận lao động Việt Nam làm việc tại Singapore các ngành xây dựng, hàng hải và chế biến dưới hình thức visa Work Permit (giấy phép lao động). Trước đây, chỉ cấp visa cho lao động Việt Nam làm việc tại nước này dưới hình thức visa (chương trình thị thực lao động dành cho các chuyên gia nước ngoài có kỹ năng chuyên môn) và S Pass (cho lao động lành nghề).
Nhận định về thị trường xuất khẩu lao động trong năm 2022, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Phó Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam cho rằng, tại các thị trường lớn như Nhật Bản và Hàn Quốc, ngoài các chương trình mà hai bên đã ký kết như EPS (Hàn Quốc) và IM Japan (Nhật Bản), các quốc gia này đang đẩy mạnh việc thu hút nhân lực có chất lượng, tay nghề cao hơn từ Việt Nam. Đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy người lao động Việt Nam đã dần khẳng định được tay nghề, kỹ năng và trình độ của mình trong thị trường lao động vốn đòi hỏi cao tại các quốc gia phát triển này.
Báo cáo của Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2021 là 45.058 lao động (15.177 nữ), đạt 50,06% kế hoạch được giao (90.000 lao động). Trong năm 2022, Bộ LĐTB&XH đặt mục tiêu đưa 90.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Bá Hoan, sẽ tập trung vào các thị trường có thu nhập cao, ổn định; hoàn thiện, thúc đẩy ký kết các Thỏa thuận về hợp tác lao động với các nước tiếp nhận. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan hữu quan của các quốc gia/vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động theo dõi sát sao tình hình của người lao động làm việc ở nước ngoài. Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, Bộ sẽ thực hiện nhiều giải pháp nhằm giữ vững ổn định các thị trường lao động truyền thống; từng bước mở rộng đối với những thị trường mới, thị trường tiềm năng như châu Âu, Australia, Israel. Ở trong nước, tiếp tục công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại và xử lý vi phạm trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có khoảng 580 nghìn người lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó riêng thị trường Đài Loan (Trung Quốc) có 230.000 người; Nhật Bản có gần 250.000 người; Hàn Quốc có gần 50.000 người; còn lại ở các thị trường khác (Trung Đông - Châu Phi, Đông Nam Á và Châu Âu).Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài chủ yếu trong các lĩnh vực sản xuất chế tạo (cơ khí, dệt may, giầy da, lắp ráp điện tử v.v.), xây dựng, nông nghiệp, thủy sản, dịch vụ (chăm sóc người già, người bệnh, giúp việc gia đình)