Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 tới. Những vấn đề bất cập nào cần được tháo gỡ để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn tới?
Các chủ trương, chính sách pháp luật về đất đai có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, tác động đến mọi mặt đời sống, sản xuất, đến từng người dân, doanh nghiệp và thu hút sự quan tâm rất lớn của xã hội. Trong thời gian vừa qua cả Quốc hội lẫn Chính phủ quan tâm đến việc hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về đất đai. Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, đã đặt ra nhiệm vụ hoàn thiện pháp luật về đất đai để huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả đất đai, khắc phục những bất cập của pháp luật hiện hành về quản lý, sử dụng đất.
Cũng chính vì vậy, qua nhiều lần “xin lùi”, Quốc hội khóa XV đã quyết định cho ý kiến về dự án Luật Đất đai sửa đổi tại kỳ họp thứ 3 tới theo nhiều kiến nghị của các đại biểu Quốc hội.
Trên cơ sở tổng kết, đánh giá thi hành Luật Đất đai 2013 của các bộ, ngành, địa phương cho thấy, sau hơn 7 năm tổ chức thi hành, công tác quản lý và sử dụng đất đã đạt được những kết quả quan trọng. Quản lý nhà nước về đất đai được tăng cường và có hiệu lực, hiệu quả cao hơn. Thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất phát triển tương đối nhanh.
Bên cạnh đó, qua quá trình tổng kết cũng cho thấy những tồn tại, hạn chế như: Nguồn lực về đất đai chưa thực sự được khai thác, phát huy đầy đủ và bền vững để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việc sử dụng đất ở nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp…
Đáng chú ý, theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân, quá trình thực hiện cũng cho thấy, hệ thống quy hoạch sử dụng đất chưa đảm bảo tính đồng bộ, tổng thể. Chất lượng quy hoạch chưa cao, chưa có tầm nhìn dài hạn, chưa đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường; chưa theo hướng tiếp cận quy hoạch không gian, dựa vào hệ sinh thái, tình trạng sử dụng đất không theo quy hoạch còn xảy ra, gây lãng phí.
Theo đánh giá của PGS.TS Nguyễn Thị Quế Anh - Chủ nhiệm Khoa Luật, Đại học quốc gia Hà Nội, hiện nay vẫn còn có những chồng chéo, mâu thuẫn trong chính sách và pháp luật đất đai với các luật khác như: Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.
Cụ thể, nguồn lực về đất đai vẫn chưa thực sự được khai thác, phát huy đầy đủ và bền vững để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việc sử dụng đất ở nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp. Tình trạng tham nhũng, trục lợi và thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan đến đất đai vẫn diễn ra.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Học Viện Tài chính cho rằng, trong mỗi lần sửa đổi các luật có liên quan đến vấn đề đầu tư, kinh doanh thì đều “đụng chạm” đến Luật Đất đai. Do đó đã đặt ra hướng cần sửa đổi Luật Đất đai. Thế nhưng vì đây là vấn đề lớn, phức tạp cho nên việc sửa đổi Luật Đất đai lần này được triển khai một cách tổng thể toàn diện.
Ông Thịnh kiến nghị, trong lần sửa đổi này, Luật Đất đai cần giải quyết những “điểm nghẽn” còn nhiều vướng mắc liên quan đến quyền sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất, cơ chế tạo quỹ đất, quy hoạch sử dụng, chuyển mục đích sử dụng đất rừng, quản lý đất nông nghiệp, khó thực hiện bởi các quy định hiện hành.
“Đây là những vấn đề nóng nhất hiện nay, bởi hiệu quả của hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh liên quan đến những vấn đề trên rất lớn. Có cơ chế rõ ràng sẽ giúp ích, đỡ chi phí tốn kém cho doanh nghiệp và quá trình đầu tư. Bên cạnh đó, làm phát sinh khiếu kiện nên những vấn đề trên cần được xem xét bổ sung, sửa đổi vì đây cũng là kẽ hở” - ông Thịnh cho hay.
Trong khi đó, TS Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam kiến nghị, trong đấu giá quyền sử dụng đất làm sao phải đảm bảo khách quan, công bằng. Ở góc độ kinh tế cần đảm bảo sự tiếp cận công bằng về đất đai giữa các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ sản xuất kinh doanh, hộ gia đình trong làng nghề truyền thống với các doanh nghiệp lớn.
“Ví dụ doanh nghiệp nhỏ có nhiều điều kiện hơn về thuê mặt bằng trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp để phục vụ cho sản xuất. Nếu giải quyết được vấn đề này sẽ góp phần đảm bảo về mặt môi trường. Vì nhiều doanh nghiệp sản xuất trên diện tích nhỏ không nằm trong khu công nghiệp nên việc xử lý chất thải rất nan giải. Xử lý chất thải nếu theo chuẩn chung của Bộ Tài nguyên và môi trường đưa ra thì sẽ đẩy giá thành lên có khi còn đắt hơn cả đất nhà ở. Do đó làm sao để các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ sản xuất kinh doanh có thể dễ dàng hơn trong tiếp cận diện tích với quy mô nhỏ từ 300-500 m2 để sản xuất kinh doanh” - ông Nam nêu quan điểm.
Lấy ý kiến chuyên gia về Luật Đất đai sửa đổi
Ngày 11/2, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, tới làm việc với Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Nguyễn Đức Hải - Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thường trực Ủy ban Kinh tế lựa chọn một số vấn đề trong nội dung các dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) để đặt hàng Viện Nghiên cứu lập pháp rà soát, nghiên cứu, tiếp thu kinh nghiệm thế giới, cũng như phối hợp tổ chức hội thảo lấy ý kiến chuyên gia.