Nhân Hội sách TP HCM lần 9 (21 đến 27/3) và Ngày Sách Việt Nam 2016 (21/4), Trung tâm Hợp tác Trí tuệ Việt Nam (VICC) đã giới thiệu Đề án Xuất bản Quốc gia 2015-2025 do ông Nguyễn Cảnh Bình- Giám đốc VICC, biên soạn và khởi xướng.
Sách hay luôn được độc giả đón đợi.
Đề án Xuất bản Quốc gia 2015-2025 được đề xuất với mục đích “nhập khẩu” một cách có chọn lọc tri thức tiến bộ của thế giới và đưa tinh hoa tri thức Việt đến với người Việt. Đề án tập trung vào 5 dòng sách chính: sách tri thức cao cấp; sách giáo khoa phổ thông hiện đại; giáo trình đại học hiện đại; sách khoa học thường thức cho trẻ em; sách Hán Nôm chọn lọc.
Đề án cũng đề xuất thành lập Quỹ Xuất bản Quốc gia và tiến hành đấu thầu xuất bản sách để tìm ra đúng những đơn vị có năng lực thực hiện và phát hành các dòng sách nói trên.
Đây là lần đầu tiên một đơn vị đề xuất ý tưởng về một quỹ Xuất bản Quốc gia, học tập kinh nghiệm từ các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc trong việc xây dựng một chương trình xuất bản mang tầm vóc quốc gia để tạo nên thay đổi sâu rộng về dân trí. Vai trò của Quỹ là thực hiện được các chương trình xuất bản và điều phối, giám sát toàn bộ hoạt động của đề án. Các nhân tố lãnh đạo Quỹ sẽ được lựa chọn từ những người có tâm, có tài và am hiểu ngành xuất bản Việt Nam. Theo ông Nguyễn Cảnh Bình, đây cũng là lần đầu tiên VICC đưa ra đề xuất áp dụng các hình thức hợp tác công tư (PPP); xây dựng và chuyển giao (BOT) và đấu thầu/ủy quyền như ở các ngành khác cho ngành xuất bản.
Ông Bình cũng cho biết, đề án được thực hiện từ 10 - 20 năm, vừa tranh thủ được mọi nguồn lực, vừa mang tính định hướng và giáo dục, đồng thời tiết giảm được chi phí cho Nhà nước, xã hội. Hình thức tài trợ, theo ông Bình, sẽ là cho các NXB cả nhà nước và tư nhân đăng ký, đề xuất xin hỗ trợ từ phía Quỹ xuất bản. Quỹ hỗ trợ bằng việc mua sản phẩm (từ 500 - 2.000 cuốn phân phát cho các thư viện, không chi tiền trước cho các NXB); hỗ trợ/tài trợ tiền bản quyền (từ 50%-100%); các cá nhân/học giả có quyền tự đăng ký xin tài trợ mà không cần có sự bảo đảm của NXB, điều này giúp chi phí giảm 20% và thời gian triển khai nhanh hơn. Số tiền trung bình tài trợ cho 1 cuốn có thể ở mức 50 triệu đồng (tương đương với 1.000 cuốn sách), tổng cộng 1.000 cuốn ước tính khoảng 50 tỷ đồng. Dự kiến hoàn thành trong 10 năm.