Phải sống trong tình trạng “ăn bụi, ở bụi, hít bụi” từ các mỏ khai thác khoáng trong hàng chục năm nay, hàng nghìn hộ dân xã Yên Sơn và phường Tân Bình (TP Tam Điệp, Ninh Bình) dường như đã bất lực khi tình trạng ô nhiễm đã diễn ra quá lâu mà chẳng thấy biện pháp giải quyết triệt để.
Con đường đau khổ
Theo ghi nhận, tuyến QL 12B qua địa bàn phường Tân Bình và xã Yên Sơn (TP Tam Điệp) chỉ dài khoảng 7 km nhưng có tới gần chục mỏ đất, đá đang khai thác. Mỗi ngày, tại khu vực này có tới cả nghìn xe trọng tải lớn ra vào “ăn hàng” tại các mỏ, sau đó các đoàn xe này ra QL 12B, rồi từ đó di chuyển vào QL 1A đưa đi các nơi tiêu thụ.
Theo người dân, hiện khu vực này đang có 5 doanh nghiệp khai thác chính, bao gồm: Xuân Thành, Xuân Trường, Xuân Tụy, Việt Cường và Đại Đoàn. Qua quan sát, ngoài các đoàn xe của doanh nghiệp Xuân Trường và Xuân Thành thì hầu như các xe tải trọng lớn khác chạy qua đây đều không có logo. Trong quá trình di chuyển, các xe này chạy rầm rầm trên đường, đi đến đâu đất đá rơi vãi đến đó, khiến tuyến đường luôn trong tình trạng bụi mù mịt, cây cối xung quanh đường cũng được phủ bởi một màu trắng xóa.
Nằm ngay bên mặt đường QL 12B, ông Nguyễn Văn Tiến, tổ phó tổ 7, phường Tân Bình không khỏi bức xúc: “Có một mỏ thì đã khổ lắm rồi, mà khu vực này lại có tới gần chục mỏ thì sống sao được. Mỗi lần các đoàn xe đi qua là bụi lại bay mù mịt khiến người qua đường còn khó thở huống chi tụi tôi. Nhiều nhà không sống nổi nên bán nhà đi nơi khác, chúng tôi ở lại thì phải đóng cửa 24/24. Dân khu này gọi đây là “con đường đau khổ”.
Vì quá bức xúc, nhiều lần dân đã kéo nhau ra mỏ, ra đường chặn không cho xe di chuyển, nhưng chỉ được vài ngày rồi đâu lại vào đấy.
Qua quan sát, chúng tôi nhận thấy tại một số điểm trong phạm vi không có CSGT, các xe ngang nhiên chở quá tải, không phủ bạt che chắn. Tại khu vực san lấp mặt bằng xây dựng khu tái định cư và tuyến cao tốc thuộc tổ 14 phường Tân Bình, có thể dễ dàng nhận thấy hàng trăm lượt xe của doanh nghiệp chở đất không gắn logo ra vào tấp nập.
Lần theo đoàn xe này, chúng tôi vào khu vực mỏ đất tại thôn Yên Lâm xã Yên Sơn chứng kiến những quả đồi trọc lóc đang bị đào khoét nham nhở. Theo người dân địa phương, đây là mỏ đất cũ của doanh nghiệp Thống Nhất, hiện đã được sang nhượng cho doanh nghiệp Việt Cường.
“Mỏ này khai thác đất mang đi xa thì che bạt, còn chuyển trong vùng thì họ không che. Cống thoát nước nằm sát đường ra vào mỏ bị xe quá tải vùi lấp mấy năm nay mà chưa thấy được khơi lại, mỗi lần mưa lớn là nước từ cống tràn lên lênh láng khắp đường. Từ lúc họ san gạt cả quả đồi là nguồn nước ngầm khu vực này cạn đi rất nhiều”- anh Đỗ Tuân Dậu, người dân sống tại điểm nối từ mỏ ra QL 12B, thôn Yên Lâm phản ánh.
Xây công trình trái phép hơn 1 năm mới bị xử lý
Tại khu vực gần điểm khai thác của doanh nghiệp Xuân Thành có một trạm xăng và nhà điều hành mang tên Công ty Bảo An, theo phản ánh mọc lên trái phép.
Qua tìm hiểu, đất để xây dựng cột xăng và nhà điều hành là đất của doanh nghiệp Thống Nhất cũ, còn công trình của ai và do ai xây hiện vẫn chưa có đơn vị nào đứng ra nhận. Theo người dân địa phương, 2 công trình trên xây dựng và hoàn thành từ tháng 8/2019, tuy nhiên phải đến tháng 8/2020 thì các cơ quan ban ngành mới tiến hành lập biên bản xử phạt.
Về vấn đề trên, ông Đinh Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Yên Sơn cho biết, khu vực xây dựng trạm xăng và nhà điều hành là điểm giáp ranh giữa xã Yên Sơn và Quang Sơn: “Sở TNMT cùng các ban ngành cũng đã về lập biên bản xử lý vào tháng trước. Về việc tại sao chưa tháo dỡ thì cơ quan chức năng cũng đang gặp khó vì doanh nghiệp Thống Nhất cho nhiều đơn vị thuê đất nên chưa thể xác định là của đơn vị nào”- ông Bình nói.
Về vấn đề người dân phản ánh về ô nhiễm bụi từ các doanh nghiệp khai thác mỏ gây ra, ông Bình cho rằng hiện trạng này hoàn toàn đúng: “Xã đã nhiều lần mời doanh nghiệp đến ký cam kết để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm. Hiện phía các doanh nghiệp cũng thực hiện tưới nước 4lần/ngày, dùng xe có gắn chổi quét đường 1lần/tuần và phối hợp với nhân dân thành lập các tổ dọn vệ sinh môi trường. Cùng với đó, doanh nghiệp cam kết không vận chuyển buổi trưa, buổi chiều sẽ nghỉ từ lúc 5h”- ông Bình thông tin.
Còn về việc các xe chở quá tải không bạt che chắn đi ra từ mỏ tại thôn Yên Lâm, ông Bình cho biết chưa nắm rõ đơn vị nào đang khai thác. Theo ông Bình, khu vực đó nằm tại xã Quang Sơn chứ không còn thuộc xã Yên Sơn.
Tuy nhiên, sau khi làm việc với cán bộ địa chính xã Quang Sơn, vị này lại khẳng định khu vực khai thác đó vẫn đang thuộc xã Yên Sơn.