Tiếng dân

Khốn khổ vì 'siêu' dự án thủy điện

Nguyễn Chung 22/08/2024 09:45

Thủy điện Hồi Xuân từng được xem là “siêu” dự án tại huyện vùng cao Quan Hóa (Thanh Hóa), kỳ vọng sẽ đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của địa phương khi đi vào vận hành. Tuy nhiên, sau vài năm triển khai xây dựng, dự án ngừng thi công để lại những hệ lụy cho người dân trong vùng ảnh hưởng.

anh-bai-tren.jpg
Dự án nhà máy thủy điện Hồi Xuân dừng thi công nhiều năm nay. Ảnh: N.Chung.

Không như kỳ vọng

Ông Phạm Bá Tuyển (khu tái định cư bản Sa Lắng, xã Phú Xuân, huyện Quan Hóa) cho biết, không ai muốn dời bỏ mảnh đất cha ông để lại nhưng vì chủ trương lớn của nhà nước, gia đình ông Tuyển cùng hàng chục hộ dân khác trong bản đã về đây xây dựng cuộc sống mới, nhường đất cho dự án thủy điện Hồi Xuân.

Theo ông Tuyển, trước khi đồng ý di dời, phía Ban quản lý dự án đã cam kết sẽ hỗ trợ lương thực, thực phẩm trong mấy tháng đầu để bà con ổn định chỗ ở, nhưng đã là năm thứ 7, gia đình ông chuyển về đây mà chưa thấy bất kỳ sự hỗ trợ nào. Toàn bộ chi phí dỡ nhà cũ, dựng nhà mới gia đình tự bỏ ra. Đất ở thì đến nay chưa được cấp sổ đỏ, muốn chia cho các con, muốn vay vốn ngân hàng phát triển kinh tế cũng đành chịu.

“Suốt 7 năm qua, khu tái định cư Sa Lắng vẫn là con số không, cuộc sống sinh hoạt người dân bị ảnh hưởng. Các hạng mục như: Kè dọc bờ sông để bảo vệ an toàn khu tái định cư; nhà văn hóa, sân bóng, rãnh thoát nước... cho đến nay bên nhà máy thủy điện vẫn chưa hoàn tất. Thậm chí, khoản tiền 60 triệu đồng mà nhà máy thủy điện cam kết hỗ trợ mỗi hộ để làm nhà khi di dời sang nơi ở mới cũng “bặt vô âm tín”- ông Tuyển nói.

Nói về đời sống của số hộ dân đã phải tự tìm nơi tái định cư sau khi nhường đất cho dự án, ông Cao Xuân Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Xuân cho biết, hiện tại dự án thủy điện Hồi Xuân đang nợ địa phương nhiều hạng mục hạ tầng đường giao thông, như đường tránh ngập, cầu treo dân sinh. Đối với 33 trường hợp phải di dời tái định cư của bản Chiềng, sau khi nhượng đất cho thủy điện, nhiều hộ dân đã mua được đất xây nhà ở vị trí mới, nhiều hộ xây dựng ngay trên đất trồng luồng...

Ông Hà Thanh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Lệ, cho biết: Khi triển khai dự án, xã Phú Lệ cũng có tới 68 hộ dân tại bản Sải phải di dời. Do khó khăn về quỹ đất ở, không tìm được vị trí mới nên nhiều hộ gia đình đã xây dựng nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp.

Người dân cần sớm được hỗ trợ

Phú Xuân là xã nằm trong khu vực lòng hồ thủy điện Hồi Xuân và có 10/11 bản bị ảnh hưởng về đất sản xuất và đất ở. Tại các bản, như: Tân Sơn, Éo, Thu Đông, Vui, Giá... bị thu hồi đất ở phải di chuyển đến nơi ở mới theo quy hoạch khu dân cư nông thôn đã được phê duyệt. Riêng bản Sa Lắng đã di chuyển 52/53 hộ đến ở khu tái định cư tập trung mới. Tuy nhiên đến nay, cuộc sống của người dân vẫn chưa ổn định. Một số hạng mục tại khu tái định cư như: Nhà văn hóa, kè taluy dương, taluy âm và cống rãnh thoát nước mặt bằng vẫn chưa thi công... gây nhiều lo lắng cho bà con mỗi khi mùa mưa lũ đến.

Trao đổi với chúng tôi, ông Cao Hồng Được - Chủ tịch UBND xã Phú Xuân, cho biết: Trên địa bàn xã có 338 hộ phải di dời nhà ở đến khu tái định cư mới để nhượng đất cho dự án thủy điện Hồi Xuân. Hiện tại đã di dời 307 hộ, số hộ chưa di dời là 31 hộ, nguyên nhân chưa di dời là do các hộ tái định cư tự do chưa tìm được đất ở mới; một số hộ chưa nhất trí với mức bồi thường đất và tài sản trên đất. Trong khi đó, các công trình bị ảnh hưởng bởi dự án mà chủ đầu tư phải hoàn trả thì chưa thực hiện được nên đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, như công trình xây dựng cầu treo xã Phú Xuân phục vụ đi lại cho hơn 400 hộ dân, thuộc 5 bản (Mí, Bá, Phé, Vui, Sa Lắng). Các tuyến đường tránh ngập thủy điện chưa được hoàn trả, như: Đường từ bản Phé đi bản Mí; đường giao thông đi bản Giá; đường lên xuống bến đò Sa Lắng (cả 2 bờ sông); đường lên xuống bến đò bản Vui (cả 2 bờ sông)...

“Chúng tôi đề nghị các cấp, ngành, chủ đầu tư dự án sớm thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân thuộc diện phải thu hồi đất sản xuất để ổn định đời sống. Có phương án quy hoạch xây dựng khu tái định cư cho các hộ chưa di dời nhà ở để tránh tình trạng xây dựng nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp. Thực hiện chi trả tiền hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho bà con, hoàn thiện các công trình xây dựng khu tái định cư Sa Lắng và các công trình khác theo đúng cam kết”- ông Được nói.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết về những bất cập xung quanh việc dự án thủy điện Hồi Xuân dừng hoạt động, ông Hà Văn Thủy - Phó Bí thư Huyện ủy Quan Hóa cho biết: Sau nhiều lần họp bàn, chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan nhằm tìm phương án tháo gỡ khó khăn cho dự án cũng như người dân trong vùng bị ảnh hưởng, đến nay mọi thứ vẫn như cũ. Tức là người dân vùng tái định cư vẫn chưa nhận được các khoản hỗ trợ, các hạng mục mà dựa án phải hoàn trả cho địa phương như đã cam kết vẫn không được triển khai. Điều này đã gây ra rất nhiều khó khăn cho đời sống của các hộ dân cũng như trong quản lý, điều hành của chính quyền địa phương.

Dự án thủy điện Hồi Xuân khởi công từ tháng 3/2010, trên tổng diện tích hơn 600ha, tổng mức đầu tư 3.300 tỷ đồng. Đến tháng 8/2018, dự án thi công được 93% khối lượng công trình thì dừng lại. Đến thời điểm hiện tại, dự án chưa hoàn trả 10 công trình với tổng kinh phí 17 tỷ đồng cho huyện Quan Hóa. Ngoài ra, chưa xây dựng cầu bắc qua sông Mã và 5 tuyến đường tránh ngập như cam kết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khốn khổ vì 'siêu' dự án thủy điện