Không bình thường

Dương Thanh Tùng 21/03/2017 08:55

Trong khi 68 công trình xây dựng trái phép ở Sơn Trà được phát hiện vào trung tuần tháng 2 năm nay chưa được xử lý dứt điểm thì việc sườn Tây Nam bán đảo Sơn Trà bị băm nát với 40 móng biệt thự xây không phép, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận những ngày qua, đã bộc lộ nhiều yếu tố không bình thường.

Diễn biến của tình trạng xây dựng không phép ở bán đảo Sơn Trà khiến dư luận không khỏi băn khoăn: “Vương quốc” của loài Vọoc chà vá chân nâu có tên trong Sách Đỏ Việt Nam và thế giới tồn tại được bao lâu nữa, trước sự tắc trách đến khó hiểu của tổ chức, cá nhân có trách nhiệm với đất đai, với rừng và với môi trường thiên nhiên trong lành của Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà?

Hiện trạng sườn Tây Nam bán đảo Sơn Trà Ảnh: Thanh Tùng.

Theo lãnh đạo phường Thọ Quang (quận Sơn Trà), 68 công trình xây không phép ở Sơn Trà tồn tại đã 20 năm. Theo vị lãnh đạo này thì công trình xây trái phép ở Sơn Trà có nguyên nhân khách quan qua các thời kỳ.

Ngay từ năm 1997 khi bắt đầu được giao khoán đất rừng, các hộ dân đã xây công trình trái phép để mở quán cà phê và quán nhậu. Từ đó đến nay, lãnh đạo địa phương nói riêng và lãnh đạo ban- ngành có trách nhiệm đã có nhiều thay đổi.

Những người có trách nhiệm trong việc giao khoán đất rừng, để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép kéo dài có người đã nghỉ hưu hoặc chuyển sang cương vị công tác khác.

Ý kiến của vị lãnh đạo phường (nơi tồn tại 68 công trình xây dựng không phép) phản ánh một thực tế, địa phương biết các công trình xây dựng trên địa bàn mình quản lý là trái phép nhưng vì lý do nào đó, vẫn để cho nó (công trình trái phép) tồn tại.

68 công trình không phép ở Sơn Trà nằm dọc 2 tuyến đường chính là Yết Kiêu và Lê Đức Thọ, cách không xa Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn.

Cán bộ kiểm lâm các thời kỳ của Hạt này không thể không biết biết 68 công trình xây dựng quanh chân núi, thậm chí ngay đầu con dốc dẫn lên trụ sở Hạt, là trái phép nhưng vẫn chấp nhận cho các công trình xây trái phép tồn tại suốt 20 năm qua.

Đúng là đang có gì đó rất không bình thường bởi 68 công trình trái phép được dư luận phát hiện, báo chí phản ánh từ giữa tháng 2 nhưng đến thời điểm này tất cả vẫn nguyên vẹn. Chưa có chủ hộ nào phải di dời, chưa có công trình trái phép nào bị cưỡng chế, đập bỏ.

Vụ việc sườn Tây Nam bán đảo Sơn Trà bị phá với 40/56 móng biệt thự xây không phép được UBND quận Sơn Trà và Sở Xây dựng TP Đà Nẵng thông tin chính thức đến báo chí mấy ngày qua phản ánh diễn biến không bình thường trong quá trình đầu tư dự án (DA) Khu du lịch sinh thái biển Tiên Sa.

Ngày 19/3, khi trực tiếp thị sát hiện trường bị băm nát tại sườn Tây Nam bán đảo Sơn Trà, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND.TP Đà Nẵng chỉ đạo dừng ngay các hoạt động thi công xây dựng DA Khu du lịch sinh thái biển Tiên Sa do Công ty cổ phần biển Tiên Sa làm chủ đầu tư.

40 móng biệt thự không phép tại DA này cũng được cơ quan chức năng của TP và quận Sơn Trà quyết định đình chỉ thi công vào ngày 18/3. Dư luận hoan nghênh phản ứng kịp thời, dứt khoát của lãnh đạo TP Đà Nẵng đối với DA tác động xấu đến cảnh quan môi trường và có nhiều sai phạm.

Đáng tiếc là những sai phạm trong quá trình đầu tư, xây dựng ở một nơi đắc địa vào bậc nhất của Đà Nẵng là bán đảo Sơn Trà chỉ được phát giác bởi dư luận (đặc biệt là từ những người dân bình thường) mà không xuất phát từ quá trình giám sát của cấp, ngành quản lý.

Bất cập trong quá trình đầu tư DA Khu du lịch sinh thái biển Tiên Sa với tổng diện tích đất được cấp lên đến 142,1 ha tại sườn Tây Nam bán đảo Sơn Trà cũng từng được báo Đại Đoàn Kết đề cập từ giữa năm 2015 (khi phát hiện những tác động rất xấu đến cảnh quan môi trường- đặc biệt là với các cá thể bầy đàn Vọoc chà vá chân nâu đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng).

Trả lời báo chí sau khi trang facebook Quản lý đô thị Đà Nẵng đăng tải các bức ảnh thể hiện diện tích lớn sườn Tây Nam bán đảo Sơn Trà bị băm nát; ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng thừa nhận, DA được cấp phép từ năm 2009 nhưng “thi công ì ạch” do qua tay nhiều chủ đầu tư.

Trong Thông cáo báo chí gửi các cơ quan báo chí trên địa bàn đêm 18/3, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho biết, DA nêu trên được UBND.TP phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng chi tiết vào tháng 10/2005.

Gần 12 năm sau, tại Quyết định số 68/QĐ-SKHĐT ngày 16/3/2016 Sở Kế hoạch và Đầu tư TP chấp thuận giãn tiến độ đầu tư cho DA này với thời hạn hoàn thành và đưa vào sử dụng toàn bộ DA là tháng 12/2017.

Không có gì quá đáng khi nói rằng DA khu du lịch sinh thái biển Tiên sa có nhiều vấn đề không bình thường. Ngoài chuyện xây trái phép đến 40 móng biệt thự, tại thời điểm Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng dẫn đầu đoàn kiểm tra đến hiện trường thi công, dư luận thêm một lần nữa bất ngờ trước thông tin được đưa ra: Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của DA chưa được phê duyệt!.Không bình thường trong quá trình đầu tư của DA cũng bộc lộ qua ý kiến của đại diện cấp, ngành quản lý khi cho rằng “DA đã được cấp phép nên không vào kiểm tra”.

DA băm nát một phần sườn Tây bán đảo Sơn Trà chỉ được phanh phui sau khi một người dân câu cá chụp ảnh đăng tải trên trang facebook. Gần 10 năm (từ năm 2009 đến nay), sự đầu tư của các chủ đầu tư vào DA Khu du lịch sinh thái biển Tiên Sa được người dân TP Đà Nẵng nhìn thấy là 2 ngôi miếu quay mặt ra biển.

Đầu tư chậm chạp không hiệu quả nhưng chủ đầu tư luôn khẳng định quyến “sở hữu đất đai” của mình ở khu vực đắc địa bậc nhất của bán đảo Sơn Trà bằng rào chắn, barie và biển báo “không phận sự cấm vào”.

Bán đảo Sơn Trà có hấp lực rất lớn với mọi nhà đầu tư. Hấp lực là vận hội cho Đà Nẵng và ngược lại, sẽ là sự hủy diệt trả giá không gì bù đắp đến từ những DA đầu tư tiềm ẩn các yếu tố không bình thường.

Dư luận hoan nghênh phản ứng kịp thời, dứt khoát của lãnh đạo TP Đà Nẵng đối với dự án tác động xấu đến cảnh quan môi trường và có nhiều sai phạm. Nhưng đáng tiếc là những sai phạm trong quá trình đầu tư, xây dựng ở một nơi đắc địa vào bậc nhất của Đà Nẵng là bán đảo Sơn Trà chỉ được phát giác bởi dư luận (đặc biệt là từ những người dân bình thường) mà không xuất phát từ quá trình giám sát của cấp, ngành quản lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không bình thường