Chính trị

Không bỏ sót nhân tố ngoài quy hoạch nhưng có năng lực lãnh đạo nổi trội

H.Vũ (thực hiện) 22/07/2025 08:30

Trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 12, Tổng bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, việc giới thiệu, lựa chọn nhân sự phải dựa trên cơ sở quy hoạch nhưng không quá cứng nhắc mà cần phải căn cứ vào thực tiễn cụ thể để xem xét, không bỏ sót những nhân tố ngoài quy hoạch nhưng có phẩm chất, năng lực lãnh đạo nổi trội. Theo ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, đây là tư duy rất đổi mới trong công tác cán bộ.

anhongdinh21-7.jpg
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng: Từ trước đến nay, quy hoạch cán bộ là động. Hôm nay quy hoạch nhưng không có nghĩa cứ bất biến, mà phải tiếp tục rà roát, bổ sung, có vào có ra. Có khi cho ra khỏi quy hoạch để tiếp tục rà roát quy hoạch. Cái mới lần này là có thể căn cứ vào thực tiễn cụ thể để xem xét, phát hiện ra những đối tượng có năng lực, có trình độ cao để không bỏ sót những nhân tố ngoài quy hoạch nhưng có phẩm chất, năng lực lãnh đạo nổi trội để sử dụng, đề bạt họ. Chứ không nhất thiết việc lựa chọn nhân sự cứ phải nằm trong cơ sở quy hoạch. Cho nên việc căn cứ vào thực tiễn cụ thể để xem xét, không bỏ sót những nhân tố ngoài quy hoạch nhưng có phẩm chất, năng lực lãnh đạo nổi trội chính là tư duy rất mới.

Vừa rồi Ban chấp hành Trung ương đã xem xét bổ sung quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Ban Bí thư, Bộ Chính trị khóa XIV; phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV…

Quy hoạch là việc luôn luôn “động” và “mở”. “Động” là luôn được bổ sung, sửa đổi, “có vào có ra”. “Mở” là không chỉ phạm vi của 1 bộ, 1 ngành, 1 tỉnh mà có thể quy hoạch mở ra ngoài ngành, ngoài địa phương. Điều đó có nghĩa, nếu cán bộ nào có năng lực, được thể hiện và khẳng định rõ trong quá trình hoạt động thực tiễn thì có thể được xem xét, đề bạt. Đó là tư duy rất mới. Bởi thực tế có người có năng lực nhưng vì nhiều lý do khác nhau chưa được đưa vào quy hoạch. Do đó cần xem xét đối với họ để tránh lãng phí nguồn nhân lực. Ngay cả quy hoạch dù là “động” hay “mở” thì vẫn có độ trễ. Vì thường phải 1 năm, các cấp uỷ mới xem xét lại quy hoạch.

Lần này hội nghị Trung ương 12 được họp sớm hơn 3 tháng so với dự kiến. Trong đó có việc Trung ương xem xét bổ sung quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Ban Bí thư, Bộ Chính trị khóa XIV; phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV để phục vụ cho Đại hội 14 của Đảng. Tư duy mới lần này là không chờ quy hoạch mà căn cứ vào tình hình thực tiễn để phát hiện ra những nhân tố ngoài quy hoạch nhưng có năng lực lãnh đạo nổi trội.

Thưa ông, một vấn đề được Trung ương đặt ra là kiên quyết không để “lọt” những người không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, không xứng đáng tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV. Đây là vấn đề được đặt ra từ lâu nhưng vừa qua vẫn xảy ra, thưa ông?

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Công tác cán bộ là việc rất khó. Kiên quyết không để “lọt” người không đủ điều kiện nhưng đến khi vào rồi vẫn bị “lọt”, có người bị xử lý. Chúng ta không thể nào theo dõi đánh giá hết được cán bộ. Do đó mới có việc làm quy hoạch, đề bạt xong nhưng cán bộ có vi phạm. Do đó, phải theo dõi phát hiện từ trước, bởi đã phát hiện ra vi phạm thì không ai đề bạt cán bộ đó nữa. Cho nên đánh giá cán bộ phải đánh giá kỹ toàn bộ quá trình để kịp thời phát hiện.

Vấn đề được đặt ra đối với Đại hội Đảng bộ các cấp đó là bên cạnh chủ trương quan tâm bồi dưỡng cán bộ cấp chiến lược thì còn phải đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cơ sở vững mạnh, đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thưa ông, phải chăng đây là vấn đề cốt yếu khi chúng ta thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp?

Cán bộ ở cấp nào cũng quan trọng, vì tất cả mọi việc tốt hay xấu cũng đều do cán bộ mà thành. Không có cán bộ cơ sở thì ai là người thực hiện chuyển tải chủ trương đường lối của Đảng, các chiến lược, hoạch định chính sách, hoạch định đường lối? Cấp cơ sở là cấp thực hiện để chuyển từ chủ trương đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, nhà nước vào trong thực tiễn. Cấp cơ sở không tốt thì lấy đâu hiện thực hoá chủ trương đường lối chính sách pháp luật được?

Trước đây chúng ta quan tâm tới cán bộ cấp chiến lược vì đó là cấp hoạch định đường lối, hoạch định chính sách. Sau sáp nhập thì cấp cơ sở lại càng quan trọng, vì vai trò quyền hạn khác hơn. Bây giờ thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, đưa chính quyền về gần dân, sát dân hơn để phục vụ nhân dân thuận lợi nhanh và hiệu quả nhất thì rõ ràng vai trò cấp cơ sở càng quan trọng. Cấp này phải hiểu dân nhất và phục vụ nhân dân tốt. Tạo ra sự hài lòng của người dân trong quá trình phục vụ tốt hay không cũng là ở cấp này. Do đó, phải đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cơ sở vững mạnh thì mới hoàn thành tốt được nhiệm vụ từ cấp trên giao.

Vậy tới đây việc xem xét để không bỏ sót những nhân tố ngoài quy hoạch sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Công tác cán bộ là công tác của Đảng và Đảng sẽ có quy định. Quy hoạch được rà soát thường xuyên để có thể “cho ra cho vào” và cấp uỷ phải tổ chức hội nghị để bổ sung quy hoạch. Quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì mới bắt đầu làm công tác đề bạt, bổ nhiệm. Nhưng sau này, bằng quy định của Đảng với những trường hợp không nằm trong quy hoạch nhưng là người có tài năng thực sự thì có thể được xem xét, lựa chọn. Linh hoạt trong công tác cán bộ nhưng có điều những người được lựa chọn đó phải là người có tài năng thực sự.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không bỏ sót nhân tố ngoài quy hoạch nhưng có năng lực lãnh đạo nổi trội