Không cho cán bộ sai phạm 'hạ cánh' an toàn

Nguyên Khánh (thực hiện) 21/11/2015 07:15

Trả lời câu hỏi của Đại Đoàn Kết xoay quanh câu chuyện “vét chuyến tàu cuối” trong buổi “hoàng hôn nhiệm kỳ” gây bức xúc trong dư luận, ĐBQH Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cho rằng, cần thiết phải sửa Luật Cán bộ công chức, viên chức, để tránh cho được thực trạng lửng lơ trách nhiệm khi cán bộ đã “hạ cánh” an toàn.

Không cho cán bộ sai phạm 'hạ cánh' an toàn

ĐBQH Nguyễn Anh Sơn.

PV: Thưa ông, ngay trong phiên chất vấn, ĐBQH đã tiếp tục cảnh báo việc bổ nhiệm ồ ạt cán bộ trước khi về hưu. Vậy làm thế nào để ngăn chặn, tránh người có chức, có quyền “vét chuyến tàu cuối” thưa ông?

Ông Nguyễn Anh Sơn: Tôi nghĩ vấn đề này thuộc về ý thức trách nhiệm của người có thẩm quyền. Thường thì để nhận người họ vẫn dẫn ra những lý do rất chính đáng để làm việc đó. Nhưng ẩn đằng sau nó có điều bất bình thường. Tại sao lúc trước không bổ nhiệm, giờ chuẩn bị về hưu mới bổ nhiệm ồ ạt?

Nếu người ta tiến thân bằng nhiều mối quan hệ đáng buồn từ tình cảm lẫn vật chất thì sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ cán bộ. Nếu chạy chọt để có chỗ đứng thì sẽ loại người có năng lực ra khỏi bộ máy. Dù anh làm việc tốt, có năng lực, cống hiến nhưng thiếu mối quan hệ thì vẫn khó. Mà điều đó khiến cử tri và nhân dân lo ngại.

Vậy có cần sửa luật, hồi tố truy trách nhiệm dù cán bộ đó đã nghỉ hưu không, thưa ông?

-Hiện Luật Cán bộ, công chức, viên chức chưa có quy định vấn đề này, chỉ trong Luật Hình sự có xử trường hợp như thế. Tôi cho rằng, Luật Cán bộ, công chức, viên chức phải bàn đến chuyện sửa đổi, bổ sung quy định này. Phải quy trách nhiệm cá nhân rõ ràng, kể cả về hưu rồi, nếu vi phạm luật vẫn phải chịu trách nhiệm.

Liên quan đến vấn đề này, nhân dân rất bức xúc với vấn nạn “cò công chức”. Ý kiến của ông?

-Đây là việc có thực, nhiều người dân vì muốn có một chỗ làm cho con nên phải chấp nhận. Nhưng điều đáng tiếc chỉ ra ở đâu, ai, chỗ nào là rất khó khăn.

Tôi cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, như quy định pháp luật của chúng ta tuyển công chức, viên chức, vị trí vào cơ quan Nhà nước trong những năm vừa qua dù có đổi mới nhưng chưa nhiều. Người ta bảo tổ chức thi công chức biết ngay ai sẽ trúng. Thậm chí, người ta tung rất nhiều tin đồn muốn trúng phải thế nào, phải gặp gỡ ai, phải thế nào đó… Nhà nước phải có biện pháp cụ thể để ngăn chặn.

Đáng chú ý là việc cơ quan sử dụng lại không được tuyển dụng. Nhiều khi nội dung thi không sát công việc cơ quan đó cần. Người ta cần con người có trình độ, năng lực thực tế thế này đi thi theo bài bản khác. Thế nên có chuyện tuyền không làm được việc, nhưng vì điểm cao nên vẫn trúng tuyển.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không cho cán bộ sai phạm 'hạ cánh' an toàn