Cơ chế chính sách, nâng cao trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải, trách nhiệm của địa phương và các nhà thầu… là những yếu tố quan trọng để đẩy nhanh tiến độ cao tốc Bắc - Nam.
Theo Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn - chuyên gia quy hoạch đô thị, thì đường cao tốc Bắc - Nam mang giá trị quan trọng trong việc phát triển kinh tế quốc gia và các tỉnh, thành. Ông Sơn dẫn chứng, kinh tế nước Mỹ đã phát triển mạnh mẽ sau Thế chiến thứ 2 khi hàng loạt tuyến cao tốc liên kết các bang với nhau được hoàn thành.
“Tôi rất vui mừng khi Chính phủ và các bộ, ngành đặt mục tiêu xây dựng cao tốc Bắc - Nam lên hàng đầu. Song khi thực hiện dự án này cần có cơ sở khoa học, nguyên tắc, minh bạch rõ ràng và không nên ép tiến độ đối với các đơn vị. Tránh tình trạng ép tiến độ, khởi công đồng loạt nhưng không thể hoàn thành cùng một lúc. Chúng ta phải đặt mục tiêu là dự án hoàn thành sớm, chứ không phải khởi công sớm, bởi khởi công sớm không có nghĩa là hoàn thành sớm” - ông Sơn nói và cho rằng nguyên tắc đầu tiên là phải hoàn thành bồi thường giải tỏa trước khi làm dự án. Chưa bồi thường giải tỏa thì chưa làm, chỗ nào chưa bồi thường hoặc giải tỏa khó khăn thì có thể thay đổi hướng tuyến để không bị vướng. Chúng ta cần tránh tình trạng vướng bồi thường, phải bồi thường lại cho nhà thầu vì dự án kéo dài.
Nguyên tắc thứ hai, theo ông Sơn, là chỉ định nhà thầu. Hợp đồng đối với nhà thầu phải chặt chẽ, tránh tình trạng qua loa để sau này phát sinh thêm nhiều phiền toái cho dự án. Nguyên tắc thứ ba, việc thực hiện đường cao tốc cần có sự hợp tác đa ngành, từ bộ, ngành và các địa phương. Trong đó, Bộ GTVT và lãnh đạo các tỉnh, thành và các bộ, ngành cần có sự lắng nghe lẫn nhau để bảo đảm dự án mang lại hiệu quả kinh tế.
Còn theo PGS.TS Tống Trần Tùng (Bộ GTVT) thì, nguyên tắc là không chọn nhà thầu chất lượng thấp, dù bất cứ lý do gì. Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế chỉ định thầu đối với các gói thầu. Cơ chế này của Chính phủ là rất cần thiết, đúng đắn, kịp thời để tháo gỡ khó khăn thực tiễn nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Cần xây dựng khung tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu; đánh giá tất cả nhà thầu đang thi công xây dựng dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, không lựa chọn những nhà thầu thực hiện không đáp ứng tiến độ dự án đang triển khai. Sau đó là đăng tải công khai thông tin, kết quả lựa chọn nhà thầu.
Song song đó, các bên liên quan tham gia dự án cần làm tốt trách nhiệm của mình, phối hợp chặt chẽ, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Trong đó, hai chủ thể chính tham gia thực hiện dự án là Bộ GTVT và các địa phương.
Cần có sự chuẩn bị tốt, kỹ lưỡng, đặc biệt là hồ sơ thiết kế, hạn chế tối đa những bất cập, phát sinh trong quá trình triển khai. Tiếp theo, cần lựa chọn nhà thầu thi công có năng lực, tổ chức bộ máy chuyên nghiệp, máy móc, thiết bị hiện đại để rút ngắn thời gian thực hiện. Đồng thời phải có cơ chế kiểm tra, giám sát bảo đảm chất lượng, tiến độ dự án.
Ông Tùng cũng cho rằng, đối với các địa phương, công tác giải phóng mặt bằng luôn là “đường găng” về mặt tiến độ. Nếu địa phương không chủ động, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành sớm công tác giải phóng mặt bằng thì tiến độ triển khai dự án sẽ ách tắc.
“Trong quá trình thi công, địa phương phải tạo điều kiện thuận lợi đối với vật liệu xây dựng thông thường (cát, đá, sỏi) tránh việc đội giá, khan hiếm giả vật liệu xây dựng ảnh hưởng đến chi phí xây dựng, tiến độ thực hiện dự án” - ông Tùng nói.