Số ca bệnh Covid-19 ở Việt Nam tăng trở lại sau 3 tháng không có ca mắc mới trong cộng đồng. Đã có kinh nghiệm ứng phó, đã có đủ tâm lý để thích nghi với tình hình mới, quan điểm chống dịch lần này bình tĩnh hơn, với mục tiêu không chủ quan nhưng cũng không để nền kinh tế đứt gãy.
Và thái độ bình tĩnh trong ứng phó, không thực hiện giãn cách xã hội trên diện rộng, một chủ trương phù hợp trong bối cảnh đại dịch vẫn còn đang kéo dài trên thế giới, lại đôi khi được hiểu theo nghĩa hơi chủ quan ở tâm lý xã hội.
Cho đến thời điểm này, thì diễn biến dịch bệnh trên thực tế đã diễn ra phức tạp hơn hình dung rất nhiều. Số ca mắc mới vẫn không ngừng tăng, ngày càng xuất hiện ở thêm nhiều tỉnh thành. Ổ dịch Đà Nẵng vẫn diễn biến cực kỳ nghiêm trọng, khi vẫn tiếp tục có các ca tử vong. Hải Dương đã phải thực hiện cách ly cả một thành phố khi nơi đây đã xuất hiện ổ dịch. Thế nhưng, bên ngoài xã hội, tâm lý có vẻ vẫn đang bình thản, cứ như dịch vẫn còn đang ở đâu đó xa xôi. Các quán nhậu vẫn đông người, nhiều hoạt động vẫn tụ tập đông người, ngoài đường phố, nơi công cộng vẫn nhan nhản người không đeo khẩu trang…
Khi chúng ta thực hiện mục tiêu kép, bình tĩnh chống dịch và đảm bảo sản xuất, phát triển kinh tế, không có nghĩa là đặt lợi ích kinh tế lên trên việc đảm bảo sức khỏe và tính mạng người dân. Chúng ta đã vượt qua giai đoạn một của cuộc chiến chống Covid-19 là nhờ chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó, triển khai đồng bộ các biện pháp hiệu quả, ưu việt, nhân văn và trách nhiệm trước sức khoẻ nhân dân. Cho đến bây giờ vẫn có thể khẳng định, Việt Nam đang có một kịch bản phù hợp, một khả năng thích ứng và có đủ khả năng chống lại đại dịch, kiểm soát tốt tình hình và hạn chế dịch bệnh lây lan ở mức thấp nhất.
Chúng ta bình tĩnh, sáng suốt đối mặt với một thời điểm cực kỳ khó khăn, không hoang mang nhưng chắc chắn cũng không thể chủ quan hơn được nữa. Đây là thời điểm đòi hỏi cao trách nhiệm cộng đồng, ý thức công dân của mọi người Việt Nam chung sức, đồng lòng, toàn dân chống dịch. Dịch bệnh không chừa một ai, chỉ cần sự thiếu ý thức của một người hậu quả nhân lên rất lớn. Người ta không thể giấu bệnh mà sống được một mình, người ta không thể trốn khỏi nơi cách ly mà đảm bảo là an toàn. Dịch bệnh không phân biệt địa vị xã hội, sự giàu sang hay nghèo hèn. Chống dịch không phải chỉ là việc của Nhà nước, Chính phủ. Chống dịch chỉ thành công nếu có sự đồng lòng, ý thức và trách nhiệm với cộng đồng của tất cả mọi người dân.
Nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị của mọi người dân là vừa chống dịch vừa bình tĩnh ứng phó có những phản ứng thích hợp về kinh tế, tài chính, sản xuất để bù đắp giảm sút kinh tế do dịch bệnh.
Nhưng không từ bỏ mục tiêu kinh tế không có nghĩa là chủ quan trong chống dịch. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, lựa chọn đảm bảo an toàn sức khỏe và tính mạng nhân dân mới là lựa chọn cao nhất. Quả thực là với thực tế khi nhìn sang các nước, dịch đã lan rộng tới hàng trăm quốc gia, có những đất nước phát triển mà số ca nhiễm mới mỗi ngày lên tới hàng nghìn người thì việc Việt Nam trong những ngày qua và có thể cả trong những ngày tới vẫn có thêm hàng chục hàng trăm ca mắc mới cũng không nằm trong sự bất ngờ. Chúng ta đã lường trước mọi tình huống, có kịch bản sẵn sàng ứng phó. Nhưng mạng sống là việc lớn. Không thể cứ tiếp tục nhìn những bệnh nhân Covid-19 tiếp tục qua đời, không thể để số ca mắc mới ngày qua ngày vẫn tiếp tục tăng lên. Đến thời điểm này có thể nói là đã ở đỉnh điểm để xác định thái độ, chúng ta không thể chủ quan hơn được nữa, nếu muốn kiểm soát được tình hình và đẩy lùi dịch bệnh.
Sức mạnh của đất nước chỉ có được khi có sự đoàn kết đồng lòng. Mỗi người đều có trách nhiệm của chính mình trong cuộc chiến này. Điều quan trọng nhất là chúng ta phải tiếp tục kiên trì thực hiện nghiêm nguyên tắc chống dịch, để chống dịch hiệu quả cần việc tuân thủ, chấp hành và ý thức trách nhiệm rất cao. Không một nỗ lực chống dịch nào từ các cơ quan có trách nhiệm lại đạt được hiệu quả nếu ngoài vỉa hè người ta vẫn ngồi tràn lan ở quán trà đá, không cần đeo khẩu trang. Không thể nóng vội vì lợi nhuận kinh tế mà vẫn chèo kéo hàng quán, du lịch ở những nơi không đảm bảo an toàn trong chống dịch. Sự chủ quan của chúng ta có thể sẽ phải trả giá khi các ca nhiễm ngày càng lây lan trong cộng đồng. Chỉ cần một ổ dịch xuất hiện như ở Hải Dương, cả một thành phố lại bị đóng băng và khi ấy thiệt hại về kinh tế còn lớn hơn rất nhiều.
Sức người có hạn, sự nỗ lực của các y bác sĩ ở tuyến đầu có hạn. Các lực lượng tham gia phòng chống dịch cũng không đủ sức căng mình nếu dịch bệnh còn diễn biến kéo dài. Càng không chủ quan, càng nâng cao ý thức phòng chống dịch thì dịch bệnh càng dễ được kiểm soát và đẩy lùi.
Vào thời điểm khó khăn này, bản lĩnh, niềm tin và ý thức trách nhiệm cao của mọi người dân sẽ giúp chúng ta sát cánh cùng Chính phủ vượt qua khó khăn, dịch bệnh.