Sức khỏe

Không chủ quan với bệnh sốt xuất huyết

NGUYÊN DU 04/07/2024 08:18

6 tháng đầu năm 2024 cả nước ghi nhận hơn 30.000 ca sốt xuất huyết (SXH). Riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, dù đã sớm có những dự báo, nhưng đến nay số ca SXH đang gia tăng.

bai-chinh(1).jpg
Nhân viên Trạm Y tế phường 1 (thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng) kiểm tra dụng cụ trữ nước phòng loăng quăng sinh sản. Ảnh: N.DU.

Sốt xuất huyết diễn biến phức tạp

Ghi nhận tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Sóc Trăng, từ đầu năm đến nay đã điều trị hơn 100 trường hợp bệnh SXH, trong đó có 25 trường hợp nặng, tăng 7% so với cùng kỳ 2023. Ông Hà Quang Bình - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BVĐK tỉnh Sóc Trăng cho biết, năm nay mùa mưa đến muộn nên số lượng ca bệnh giảm hơn những năm vừa qua. Tuy nhiên theo kinh nghiệm nhiều năm, đơn vị cũng không chủ quan mà đã chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, cơ số thuốc phục vụ điều trị khi có tình huống bệnh SXH bùng phát trên địa bàn.

Ông Phan Minh Luân - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sóc Trăng cho biết, từ đầu năm đến nay, tỉnh có trên 546 ca mắc bệnh SXH. Những tác nhân làm tăng nguy cơ bùng phát bệnh có thể kể đến như, biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống; ý thức bảo vệ sức khỏe của một bộ phận người dân còn hạn chế; lực lượng cán bộ y tế dự phòng còn thiếu…

Hiện nay đã bước vào mùa mưa là điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi phát sinh. Cùng với đó nhu cầu tích trữ nước của người dân tăng cao (sau thời gian hạn hán kéo dài) nguy cơ mật độ côn trùng (muỗi vằn và lăng quăng) tăng đây là véc-tơ truyền bệnh SXH, nguy cơ gia tăng bệnh SXH trong thời gian sắp tới là khó tránh khỏi.

Tại tỉnh Cà Mau, theo Sở Y tế, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 250 ca mắc bệnh SXH, số ca mắc giảm so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, ngành Y tế Cà Mau dự báo bệnh SXH có thể bùng phát mạnh vào thời điểm mùa mưa năm nay. Mùa mưa là thời điểm SXH bùng phát mạnh mẽ, gây khó khăn cho công tác kiểm soát dịch. Thời điểm này lượng mưa nhiều làm cho muỗi phát triển mạnh, nguy cơ dịch bệnh SXH bùng phát trong cộng đồng.

Đẩy mạnh công tác phòng dịch

Các địa phương trong tỉnh Sóc Trăng đang tập trung nhiều giải pháp phòng, chống bệnh SXH trong những tháng mùa mưa; tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, thường xuyên triển khai diệt muỗi vằn và bọ gậy nhằm tránh sự lây lan bệnh SXH.

Tại thị xã Vĩnh Châu, ngay từ đầu mùa mưa, công tác tuyên truyền phòng, chống bệnh SXH và diệt muỗi vằn, bọ gậy được đẩy mạnh. Ông Trần Trí Vân - Phó Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu cho biết, tính đến đầu tháng 7/2024, thị xã ghi nhận 50 ca mắc SXH, số ổ dịch và số ca mắc giảm so với cùng kỳ. UBND thị xã đã chỉ đạo ngành Y tế triển khai chiến dịch diệt muỗi vằn và bọ gậy hai đợt (đợt 1 - cuối tháng 6, đợt 2 - đầu tháng 7) tại 10 xã, phường. Các khóm, ấp thành lập các tổ phòng bệnh SXH tiến hành thực hiện chiến dịch diệt bọ gậy, kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thường xuyên diệt bọ gậy, giữ gìn nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng.

Ông Trí cho hay, với mục tiêu khống chế ca mắc, không để gây thành bệnh trên diện rộng và không xảy ra ca tử vong do bệnh SXH, địa phương đã huy động mọi lực lượng tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong phòng, chống SXH, diệt bọ gậy, muỗi vằn giảm sự lan truyền bệnh.

Bà Sơn Thị Hai (xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu) chia sẻ, mấy năm trước khi vào mùa mưa, bệnh SXH xuất hiện nhiều ở phum sóc, chủ yếu trẻ em từ 5 - 10 tuổi mắc bệnh. Năm nay, nhân viên y tế đến từng phum sóc, từng nhà dân để hướng dẫn người dân cách phòng bệnh, như: vệ sinh xung quanh nhà, cọ rửa dụng cụ chứa nước thường xuyên, cho trẻ ngủ mùng kể cả ban ngày… Người dân nơi đây ai cũng hiểu và làm theo hướng dẫn của nhân viên y tế với mong muốn con em không mắc bệnh SXH khi mùa mưa đến.

Ông Thạch Dân, ngụ ấp Prey Chop, xã Lai Hòa cho hay, được sự hướng dẫn của nhân viên y tế về thả cá bảy màu để diệt bọ gậy, giảm sự sinh sản của muỗi, nhà ông thường xuyên nuôi cá bảy màu trong các lu chứa nước. Theo ông Thạch Dân, phòng bệnh SXH không chỉ do riêng một gia đình mà cần sự chung tay của cộng đồng dân cư nên ông mang cá bảy màu đến cho các hộ dân xung quanh nuôi, nhằm cùng nhau phòng, chống SXH.

Lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Sóc Trăng cũng đề nghị, các địa phương có số ca mắc SXH tăng cao cần đánh giá liên tục tình hình bệnh và xem xét tiêu chí xử lý dịch diện rộng quy mô ấp/xã theo đúng quy định; tăng cường giám sát và xử lý triệt để ổ dịch, khống chế không để dịch lây lan diện rộng trong cộng đồng. Phối hợp với ngành giáo dục tổ chức tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng chống bệnh SXH, đặc biệt tuyên truyền đến các phụ huynh có trẻ học tại các trường mẫu giáo, nhà trẻ, nhóm trẻ gia đình.

BS Trần Quang Khóa - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau cho biết, Sở chỉ đạo các cơ sở y tế quan tâm, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh SXH, phát hiện sớm ổ dịch và xử lý triệt để không để dịch bệnh lây lan. Đối với các cơ sở khám, chữa bệnh cũng chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, hóa chất, dịch truyền để tiếp nhận điều trị.

Ngành Y tế tỉnh Cà Mau đang phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền các địa phương triển khai đợt ra quân kiểm tra, giám sát dịch. Cùng với đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện biện pháp phòng bệnh SXH. Đặc biệt là khuyến cáo người dân thường xuyên diệt lăng quăng, diệt muỗi, đây là giải pháp quan trọng để kiểm soát, ngăn chặn bệnh SXH lây lan trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Dịch sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng tại Hà Nội

Tuần vừa qua, Hà Nội ghi nhận thêm 84 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), tăng 11 ca so với tuần trước đó. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố đã ghi nhận 940 ca mắc SXH, tăng so với cùng kỳ năm 2023.

Đáng chú ý, kết quả giám sát các ổ dịch của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho thấy nhiều ổ dịch có chỉ số côn trùng cao vượt ngưỡng nguy cơ, dự báo số ca mắc gia tăng trong thời gian tới. Điển hình như giám sát ổ dịch đang hoạt động tại thôn Bãi Tháp và Đồng Vân (huyện Đan Phượng) tại 21 hộ gia đình khu vực thôn Đồng Vân ghi nhận chỉ số BI = 42,8%, ổ bọ gậy tập trung tại các chậu cây cảnh, bể, xô, thùng.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Hà Nội nhận định, hiện nay điều kiện thời tiết nắng nóng, mưa nhiều rất thuận lợi cho sự phát triển của muỗi và bọ gậy truyền bệnh; số ca mắc trong tuần tăng 11 ca so với tuần trước, đây là tuần thứ 5 liên tiếp có số ca mắc tăng.

Lý giải nguyên nhân khiến SXH liên tục gia tăng, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng, đầu tiên là do quá trình đô thị hóa diễn ra, nhiều phế liệu, phế thải do con người tạo ra không được thu gom xử lý kịp thời tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng và phát triển. Nguyên nhân tiếp theo là do biến đổi khí hậu, khí hậu ấm hơn được cho là giúp muỗi sinh sản nhanh hơn và giúp virus nhân lên gấp nhiều lần trong cơ thể muỗi. Sự dịch chuyển của hàng hóa và con người ngày càng gia tăng cũng là một nguyên nhân khiến dịch bệnh này bùng phát. Ngoài ra, ý thức phòng, chống dịch của người dân chưa tốt.

“Tất cả những yếu tố nói trên khiến dịch SXH tại nước ta nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng diễn biến rất phức tạp, khó lường, phá vỡ quy luật theo chu kỳ 4-5 năm mới có một đợt đỉnh dịch. Thậm chí, nếu như trước kia dịch này thường gia tăng từ tháng 4 đến tháng 11 tại miền Bắc thì hiện nay quy luật này cũng đã thay đổi. Dịch có thể xuất hiện sớm hơn và kết thúc muộn hơn” – ông Phu đánh giá đồng thời dự đoán, dịch SXH sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường trong thời gian tới. Đặc biệt là nếu không có sự vào cuộc mạnh mẽ của cả chính quyền và người dân thì số ca mắc sẽ gia tăng, từ đó dẫn tới số ca mắc bệnh nặng cần nhập viện điều trị cũng sẽ gia tăng, các bệnh viện có nguy cơ rơi vào tình trạng quá tải nếu không có sự chuẩn bị sẵn sàng dẫn tới số ca tử vong sẽ gia tăng.

BS Hà Huy Tình – Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, BVĐK Đống Đa (Hà Nội) cho biết, thực tế điều trị cho thấy, bệnh nhân SXH phải nhập viện trong tình trạng nặng thường do 3 nguyên nhân chính. Khi mới bắt đầu, người bệnh thường sốt ruột, lo lắng tìm mọi cách để nhanh chóng hạ cơn sốt bằng cách tăng liều thuốc hạ sốt, hoặc vừa dùng đường uống vừa dùng đường hậu môn, hoặc kết hợp nhiều loại thuốc hạ sốt khác nhau. Điều này cực kỳ nguy hiểm vì việc dùng quá liều có thể gây ngộ độc thuốc, suy gan, suy thận… Hoặc nhiều trường hợp nhân viên nhà thuốc để giúp người bệnh đỡ đau nhức, hạ sốt nhanh đã kê thêm các loại thuốc có thành phần corticoid, loại thuốc này dễ dẫn đến rối loạn đông máu, càng nguy hiểm cho người bệnh. Một nguyên nhân khác, phần lớn các trường hợp điều trị tại nhà mắc sai lầm chỉ chú trọng điều trị giai đoạn đầu như sốt cao thì tìm mọi cách hạ sốt, khi cơn sốt đã ngắt thì không đi thăm khám lại, chỉ đến khi xuất hiện các dấu hiệu xuất huyết da, chảy máu cam, chảy máu lợi… mới đến viện thăm khám, khi đó việc điều trị sẽ khó khăn hơn.

BS Tình khuyến cáo, người dân khi có dấu hiệu sốt cao mà đang trong vùng dịch SXH hoặc nghi ngờ mắc SXH cần đến viện thăm khám ngay để được chẩn đoán và có phương pháp điều trị phù hợp.

Đức Trân

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không chủ quan với bệnh sốt xuất huyết