Không chủ quan với dịch cúm mùa

Đức Trân 04/11/2022 08:07

Từ tháng 6 đến nay, các cơ sở y tế, bệnh viện miền Bắc lại ghi nhận sự gia tăng bất thường số ca mắc cúm, trong đó nhiều trường hợp có chỉ định nhập viện và có những biến chứng viêm phổi, suy hô hấp tiến triển.

Điều trị bệnh nhân mắc cúm phải can thiệp ECMO Ảnh: BV Bệnh Nhiệt đới trung ương.

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến bất thường của số ca mắc cúm thời gian qua, TS. BS Đỗ Thiện Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi trung ương cho rằng, nước ta đang ở thời điểm giao mùa, độ ẩm cao, tạo môi trường thuận lợi cho virus cúm hoạt động mạnh. Bên cạnh đó, cúm là bệnh hô hấp lây qua giọt bắn và dịch tiết mũi họng, dễ lây nhiễm khi tiếp xúc trực tiếp ở nơi đông người. Thời điểm tựu trường cũng là lúc trẻ nhỏ, học sinh đến trường, thường xuyên tiếp xúc cộng đồng, khiến nguy cơ nhiễm bệnh tăng cao.

“Một nguyên nhân nữa được ghi nhận qua các ca bệnh nhập viện là sự chủ quan của người dân về mức độ nguy hiểm của bệnh, từ đó dẫn đến lơ là phòng ngừa cúm trong sinh hoạt hàng ngày, không tiêm ngừa định kỳ để củng cố và duy trì lượng kháng thể. Từ đó dẫn đến nhiều ca biến chứng nặng như viêm phổi, suy hô hấp phải thở máy và đối diện với nguy cơ tử vong” - bác sĩ Hải nhấn mạnh.

Đang được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai vì viêm phổi do cúm, chị Vũ Thủy T. (40 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội) kể lại, cách đây 1 tuần chị bắt đầu có những triệu chứng đầu tiên là ho, sổ mũi. Ban đầu, nghĩ là cảm cúm thông thường do nằm điều hòa nên chị T. đã tự điều trị bằng thuốc cảm cúm. Những ngày tiếp theo, tình trạng bệnh không giảm mà còn ngày càng nặng hơn, có thêm triệu chứng ho có đờm xanh, khó thở, mệt mỏi. Đến ngày thứ 7, chị T. sốt 39 độ C, người mệt mỏi nhiều nên lập tức trong đêm đến viện khám. Sau khi test, chị có kết quả dương tính với cúm A, viêm phổi và được yêu cầu nhập viện ngay để điều trị.

Đặc biệt, mới vừa nhập viện được 1 ngày thì bé N. B. C. (10 tuổi) - con gái chị T. cũng bắt đầu xuất hiện những triệu chứng sốt, ho và cũng được các bác sĩ chẩn đoán mắc cúm A do lây nhiễm từ mẹ.

Theo bác sĩ Hải, cúm là bệnh lý quen thuộc và thường có triệu chứng dễ gây nhầm lẫn với cảm lạnh nên người dân thường có tâm lý chủ quan, không chủ động phòng tránh. Tuy nhiên, cúm mùa rất nguy hiểm vì có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể dẫn đến tử vong, đặc biệt ở các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ nhỏ, người cao tuổi, phụ nữ mang thai và người có bệnh nền mạn tính (tim mạch, đái tháo đường, hen suyễn, COPD….)

“Hầu hết những người bị cúm mùa sẽ hồi phục sau vài ngày đến dưới 2 tuần, nhưng một số người sẽ bị biến chứng do cúm. Những biến chứng này có thể đe dọa đến tính mạng và dẫn đến tử vong. Các biến chứng nghiêm trọng do cúm gây ra có thể bao gồm viêm phổi, viêm tim (viêm cơ tim), não (viêm não) hoặc các mô cơ (viêm cơ, tiêu cơ vân) và suy đa cơ quan (ví dụ như suy hô hấp và suy thận). Nhiễm virus cúm đường hô hấp có thể kích hoạt phản ứng viêm cực đoan trong cơ thể và có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, phản ứng đe dọa tính mạng của cơ thể đối với nhiễm trùng” - bác sĩ Hải cho biết.

PGS. TS. BS Chu Thị Hạnh - Trưởng khoa Nội Hô hấp Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, người có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) thường là bệnh nhân lớn tuổi, có hệ miễn dịch suy yếu, cùng với bản chất đường thở bị thu hẹp và co thắt, nếu nhiễm thêm cúm sẽ làm nặng hơn tình trạng viêm, kích hoạt hệ miễn dịch tại đường hô hấp. Ở giai đoạn nặng, người bệnh có thể xuất hiện những biểu hiện khó thở, tím tái, lơ mơ thậm chí suy hô hấp.

Bác sĩ Hạnh cũng cho biết thêm, cúm làm tăng nguy cơ đau tim trên người có bệnh tim mạch cao gấp 10 lần. Virus cúm có cơ chế gần giống như virus SARS-CoV-2, tấn công vào máu, phổi và các cơ quan khác, kích hoạt các phản ứng viêm rất mạnh và buộc cơ thể phải điều tiết để chống lại cúm. Các tổ chức y tế cũng khẳng định, tiêm phòng cúm quan trọng với người bệnh tim mạch vì đây là nhóm đối tượng có nguy cơ cao gặp các biến chứng do cúm gây ra.

Trước tình trạng cúm mùa gia tăng đột biến trong thời gian gần đây tại miền Bắc, các chuyên gia y tế nhấn mạnh, người dân không nên chủ quan trước căn bệnh này, không nên tự điều trị tại nhà khi có các triệu chứng. Đồng thời, để phòng bệnh thì biện pháp tốt nhất là tiêm vaccine.

Bác sĩ Đỗ Thiện Hải đưa ra bài toán về việc chủ động tiêm vaccine và việc điều trị sau khi bị nhiễm cúm mùa: Nếu trung bình một ca điều trị cúm nằm viện 4 - 5 ngày, tốn khoảng 5 - 6 triệu đồng, chưa kể việc người nhà bệnh nhân phải tốn thêm chi phí và thời gian đi lại, chăm lo, ăn uống thì việc tiêm vaccine ngừa cúm chỉ tốn vài trăm nghìn đồng cho cả năm. Chi phí phòng ngừa cúm quá rẻ, lại an toàn cho mọi người lớn lẫn trẻ nhỏ, vì thế người dân nên cân nhắc và chủ động đi tiêm vaccine ngừa cúm.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện nay đang là thời điểm giao mùa, thuận lợi cho các mầm bệnh đường hô hấp phát triển. Đặc biệt là bệnh cúm mùa (bao gồm cúm A và cúm B). Để chủ động phòng, chống bệnh cúm mùa, bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân khi có triệu chứng: Ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà, mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải, khăn tay, khăn giấy dùng 1 lần, hoặc ống tay áo, để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp. Đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi). Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng. Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không chủ quan với dịch cúm mùa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO