Uốn ván là một loại bệnh cấp tính nguy hiểm với nguy cơ tử vong rất cao. Tuy nhiên, vì lý do chủ quan, không ít người đã phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch bởi căn bệnh này.
Thông tin từ Bệnh viện Hùng Vương (Phú Thọ), nam bệnh nhân 39 tuổi vào viện cấp cứu trong tình trạng cứng hàm, há miệng được 0,5 cm, nói khó, nuốt khó, co cứng cơ vùng thắt lưng, co cứng cơ bụng, thành bụng co cứng, chảy mủ trắng…
10 ngày trước nam bệnh nhân giẫm vào cọc gỗ dưới ao, vì vết thương ở chân nhỏ, chảy máu ít và không đau nên bệnh nhân chủ quan không đi khám và tiêm huyết thanh uốn ván. Bệnh nhân đã tự mua thuốc ở nhà điều trị.
Trước khi vào viện, bệnh nhân bắt đầu thấy khó há miệng, phải dùng ống hút để ăn cháo, đến khi đau, co cứng vùng lưng, khó cúi đầu, nói khó, người nhà mới đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Tại Bệnh viện, sau khi hội chẩn cùng bác sĩ Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và lãnh đạo viện, các bác sĩ đã tiến hành đặt ống nội khí quản cấp cứu bệnh nhân và chuẩn bị phương án mở khí quản trong trường hợp khó đặt ống. Ê kíp bác sĩ tiếp tục thực hiện chích rạch, lấy dị vật và sát khuẩn vết thương bàn chân. Sau đó, bệnh nhân được chuyển bệnh viện tuyến trung ương điều trị.
BS Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết: Khi có vết thương trên cơ thể, cần phải rửa sạch, sát trùng, để hở vết thương, không để vết thương bị bịt kín tạo đường hầm, không đắp bất cứ thứ gì lên vết thương để tránh viêm nhiễm. Nếu bị trầy xước, đâm vào đinh, sắt, cát, bụi bẩn… cần xử lý sạch vết thương ngay, sau đó đến bệnh viện để khám và điều trị đề phòng uốn ván. Giữ vệ sinh sạch sẽ vết thương tránh nhiễm trùng đề phòng hoại tử…
Tất cả mọi người đều có thể tránh được rủi ro về sức khỏe do uốn ván bằng một việc rất dễ dàng và đơn giản, đó là tiêm phòng vaccine phòng uốn ván. Việc tiêm vaccine khuyến cáo cho tất cả trẻ sơ sinh, trẻ em, trẻ vị thành niên và người lớn/người lớn tuổi. Liệu trình cơ bản gồm 3 - 4 mũi phụ thuộc vào khuyến cáo của từng quốc gia và sau đó tiêm nhắc lại mỗi 10 năm…