Không chủ quan với sốt xuất huyết

Vi Cầm 13/09/2023 07:44

Hà Nội ghi nhận hơn 1.600 ca sốt xuất huyết, 1 ca tử vong chỉ trong tuần đầu tháng 9. Những con số này một lần nữa cho thấy, sốt xuất huyết là vấn đề nóng, không nên chủ quan.

Những diễn biến phức tạp của dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) khiến cho nhiều phụ huynh vô cùng lo lắng. Việc tập trung đông người, cùng với điều kiện ăn - ngủ bán trú không phải trường học nào cũng được đảm bảo, sẽ làm gia tăng nguy cơ lây lan bệnh ở những nơi có ổ dịch.

Theo CDC Hà Nội, tuần qua thành phố đã có thêm nhiều ca mắc SXH tại 30 quận, huyện, thị xã, tăng 540 trường hợp so với tuần trước đó. Như vậy, từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 8.362 ca mắc SXH, 3 ca tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái, số bệnh nhân tăng gấp 4 lần, số tử vong đã ở mức tương đương. Cùng đó, thống kê từ đầu năm đến nay cả nước có trên 75.000 ca mắc SXH; đồng thời đã có 18 trường hợp tử vong.

Những con số nói trên đã ở mức đáng báo động, nhưng điều đáng nói là hiện vẫn còn không ít người chủ quan, thờ ơ với dịch bệnh nguy hiểm này. Đại diện Sở Y tế Hà Nội cho hay, trong khi dịch SXH có diễn biến phức tạp, nguy hiểm thì một bộ phận người dân vẫn coi như bệnh dịch có vẻ như không liên quan tới bản thân họ. Thậm chí có người còn mang tâm lý dịch bệnh sẽ “chừa” mình ra bởi đã từng một lần mắc SXH. Nhiều người sống ngay trong khu vực ổ dịch SXH diễn biến phức tạp, tuy có triệu chứng sốt, nhưng không chịu đi khám mà tự mua thuốc điều trị tại nhà.

Vì sao dịch SXH gia tăng? Các chuyên gia lý giải ngoài nguyên nhân khí hậu và thời tiết thời điểm này rất thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH phát triển thì chính thói quen, sinh hoạt của người dân cũng là một phần nguyên nhân khiến dịch diễn biến phức tạp. Qua công tác kiểm tra đột xuất công tác phòng, chống SXH tại quận Hoàng Mai - địa bàn có số ca mắc đứng thứ 2 của TP Hà Nội (với 623 ca), cơ quan chức năng phát hiện nhiều bể chứa nước, các chậu hoa, cây cảnh không được thay rửa thường xuyên dẫn đến có nhiều bọ gậy. Cán bộ y tế có chung lo lắng khi ý thức người dân trong việc diệt bọ gậy, lăng quăng; khó khăn trong đấu thầu mua hóa chất…chưa cao.

Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, trước đây, chu kỳ dịch SXH là 4-5 năm/lần nhưng hiện nay, dịch SXH đã thay đổi, không còn quy luật này nữa. Ngành y tế cũng dự báo, đỉnh dịch SXH tại Hà Nội sẽ rơi vào tháng 10, 11 tới đây.

SXH diễn biến khó lường, thậm chí dễ dẫn đến biến chứng giảm tiểu cầu gây xuất huyết nặng, viêm phổi cấp hay suy đa tạng… nhất là với những người có bệnh nền. Với những ai đã từng mắc SXH mới cảm nhận rõ những tác động dai dẳng đến sức khỏe, bởi nó gây tác hại lớn tới khả năng đề kháng của mỗi người.

Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu SXH, chủ yếu chữa triệu chứng và theo dõi dấu hiệu cảnh báo. Vì vậy, để phòng và chữa bệnh hiệu quả, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) khuyến cáo người dân, khi có biểu hiện sốt nên đến bệnh viện để làm xét nghiệm phát hiện SXH sớm từ những ngày đầu tiên. Nếu mắc SXH sẽ được các bác sĩ theo dõi, tư vấn và điều trị kịp thời. Một số trường hợp có thể điều trị tại nhà theo hướng dẫn của nhân viên y tế, với biện pháp chủ yếu là bù nước và điều trị triệu chứng. Cần hết sức lưu ý với các dung dịch truyền như dung dịch cao phân tử, dung dịch tiểu cầu hoặc truyền albumin đều phải được chỉ định bởi bác sĩ, không được tự ý truyền tùy tiện tại nhà. Thực tế đã xảy ra không ít trường hợp bệnh chuyển nặng, tử vong do truyền dịch sai.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không chủ quan với sốt xuất huyết

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO