Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội thông tin, từ đầu năm tới nay, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận 2 trường hợp mắc viên não Nhật Bản.
Trường hợp đầu tiên là bé trai 8 tuổi ở huyện Chương Mỹ, xuất hiện triệu chứng sốt cao, co giật, nôn, lơ mơ. Sau 1 ngày xuất hiện triệu chứng, trẻ được chuyển đến Bệnh viện Nhi trung ương. Kết quả xét nghiệm cho thấy, bé trai dương tính với virus viêm não Nhật Bản.
Trước đó, Hà Nội đã ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc viêm não Nhật Bản là một bé trai 5 tuổi ở huyện Phúc Thọ. Như vậy, từ đầu năm 2023 đến nay, thành phố đã có 2 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản (giảm 50% so với cùng kỳ năm 2022).
Viêm não Nhật Bản là bệnh viêm cấp tính tổ chức não do virus viêm não Nhật Bản gây nên. Đây là virus gây viêm não hàng đầu châu Á, trong đó có Việt Nam. Virus này xuất hiện ở các loài gia súc (như lợn, ngựa và chim). Muỗi đốt các loài động vật mang virus, sau đó đốt sang người sẽ truyền virus viêm não Nhật Bản.
TS.BS Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm với tỷ lệ tử vong lên đến 30% cùng với di chứng vĩnh viễn như: Rối loạn tâm thần, liệt, rối loạn ngôn ngữ, co giật, động kinh, nằm liệt giường… ở một nửa số người sống sót.
“Triệu chứng đầu tiên của bệnh thường bao gồm: Sốt, đau đầu, buồn nôn, nôn. Ngoài ra, có thể có các biểu hiện của nhiễm virus nói chung như mệt mỏi, ớn lạnh. Những trường hợp bệnh nặng có thể có các biểu hiện như co giật, giảm khả năng nhận thức (trẻ thay đổi tính nết, la hét, kích động hoặc sững sờ, không nhận ra bố mẹ, nói nhảm, hôn mê); rối loạn vận động như liệt tay, chân hoặc nửa người, co cứng, xoắn vặn” - BS Lâm cho hay.
Nguy hiểm hơn, viêm não Nhật Bản thường khó phát hiện sớm do các triệu chứng ban đầu rất giống với những viêm nhiễm khác. Tuy nhiên, đến ngày thứ 2, 3 của bệnh thì triệu chứng biểu hiện rõ dần. “Viêm não Nhật Bản diễn tiến rất nhanh, có thể sau 3 ngày, thậm chí 1 ngày, bệnh nhân đã có biểu hiện co giật, rơi vào hôn mê, phải thở máy, có thể chỉ 1-2 ngày là trẻ tử vong” – BS Lâm cho hay.
Đáng nói, dù đã được khuyến cáo từ nhiều năm qua về cách phòng tránh bệnh viêm não Nhật Bản hiệu quả nhất là tiêm vaccine phòng bệnh và loại vaccine này hiện nay đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng ở tất cả các tỉnh, thành trên cả nước. Thế nhưng, hầu hết các trường hợp trẻ mắc viêm não Nhật Bản được ghi nhận đều có nguyên nhân là do phụ huynh chưa cho con tiêm vaccine.
BS Lâm nêu thực trạng: “Hiện nay, tuy đa số các trẻ đã được tiêm phòng đầy đủ nhưng vẫn còn nhiều trường hợp trẻ mắc bệnh do sức đề kháng kém, chưa tiêm vaccine phòng bệnh hoặc tiêm không đủ số mũi. Thực tế, vaccine phòng viêm não Nhật Bản cần tiêm mũi 1 khi trẻ đủ 12 tháng; mũi 2 tiêm 1-2 tuần sau mũi 1; mũi 3 tiêm 1 năm sau mũi 2. Sau đó nhắc lại 3-5 năm một lần đến khi trẻ đủ 15 tuổi. Các bà mẹ có con lớn tuổi mắc viêm não Nhật Bản hầu hết đều cho rằng con đã được tiêm phòng 3 mũi đầy đủ đến 2 tuổi. Nhưng đây là quan niệm sai lầm khiến gia tăng trẻ lớn mắc bệnh. Các bậc cha mẹ nên tiêm phòng cho con mình đầy đủ và tiêm nhắc lại 3-5 năm/lần đến năm 15 tuổi”.
BS Nguyễn Tuấn Hải - Hệ thống tiêm chủng Safpo/Potec cho hay: Hiện nay, Việt Nam đang sử dụng nhiều loại vaccine viêm não Nhật Bản như vaccine viêm não Nhật Bản thế hệ mới do các quốc gia khác nhau sản xuất. Nếu đang băn khoăn không biết nên tiêm loại vaccine viêm não Nhật Bản nào phù hợp thì hãy luôn nhớ rằng vaccine được tiêm sớm nhất là vaccine tốt nhất.
Bên cạnh việc tiêm vaccine để phòng bệnh, các bậc phụ huynh cũng cần chú ý vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại để muỗi không có nơi trú đậu. Nên ngủ màn, không cho trẻ chơi gần chuồng gia súc, đặc biệt lúc chập tối đề phòng muỗi đốt. Khi trẻ sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Theo BS Nguyễn Tuấn Hải - Hệ thống tiêm chủng Safpo/Potec, tiêm vaccine viêm não Nhật Bản là biện pháp phòng bệnh đơn giản, hữu hiệu và tiết kiệm nhất vì viêm não Nhật Bản chưa có thuốc kháng virus đặc hiệu, việc điều trị rất khó khăn, tỷ lệ tử vong và di chứng rất cao.