Tinh thần đổi mới theo hướng Nhà nước đặt hàng các công trình nghiên cứu không phân biệt viện nghiên cứu là công hay tư đã được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề cập trong buổi làm việc với Bộ Khoa học và công nghệ mới đây. Đối với các tổ chức khoa học - công nghệ công lập cũng phải gỡ những vướng mắc về cơ chế tự chủ.
Băn khoăn của ông Nguyễn Trí Sáng- Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí là mặc dù đây là Viện có doanh thu từ 500 - 1.000 tỷ đồng mỗi năm, nhưng đến năm 2010 khi Viện có chủ trương cổ phần hóa một số đơn vị thuộc Viện thì được hướng dẫn là nếu cổ phần hóa, Viện sẽ không được Nhà nước đặt hàng các công trình nghiên cứu nữa.
Trả lời băn khoăn này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã cho biết Nhà nước sẽ không phân biệt cơ quan nghiên cứu công hay tư. Nói rộng ra trong nhiều lĩnh vực khác cũng không có sự phân biệt đối xử giữa các đơn vị sự nghiệp công lập hay tư nhân. Phó Thủ tướng khẳng định: “Nhà nước vẫn đặt hàng dịch vụ đối với các công ty cổ phần, tư nhân”.
Đúng là không có chủ trương phân biệt giữa công và tư, nhưng có lẽ hiện nay, các ngành dịch vụ thì ít bị phân biệt, đối xử nhưng riêng đối với lĩnh vực nghiên cứu khoa học, rõ ràng chưa thể nói viện nghiên cứu nhà nước và viện nghiên cứu cổ phần hoặc tư nhân hiện nay được đối xử như nhau. Mặc dù đã có cơ chế đặt hàng các công trình nghiên cứu, nhưng vẫn khó để nhóm các nhà nghiên cứu đơn lẻ không ở trong các viện nghiên cứu nhà nước có thể nhận được các đề tài nghiên cứu có kinh phí từ ngân sách.
Đã từ lâu, cơ chế chi tiền ngân sách cho nghiên cứu khoa học không thông qua đấu thầu rộng rãi như hiện nay khiến chất lượng nghiên cứu khoa học không cao. Theo thống kê, hiện cả nước có 1.432 tổ chức khoa học công nghệ công lập với tổng số nhân lực là 139.531 người, trong đó chỉ có 3 tổ chức tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (khoảng 0,5%). Nhìn vào đây đủ thấy gánh nặng ngân sách dành cho nghiên cứu khoa học không hề thấp mà hiệu quả của việc nghiên cứu khoa học lại không như mong muốn.
Theo ông Trần Đắc Hiến - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Khoa học và Công nghệ), ở các địa phương, tỉnh thành nào cũng có 3 trung tâm khoa học thuộc sở, gồm: Trung tâm thông tin khoa học - công nghệ, Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, Trung tâm tiêu chuẩn kỹ thuật đo lường chất lượng. Và vẫn phải có đủ trụ sở, kinh phí, bộ máy cho các trung tâm này hoạt động.
Theo đề xuất của ông Hiến, cần phải giải thể những đơn vị, tổ chức không hiệu quả để lấy nguồn tăng lương, chỉ đầu tư vào lĩnh vực quan trọng, là thế mạnh của Việt Nam. Ông Hiến ví von một cách hình ảnh: “Nếu cứ kéo dài tình trạng nêu trên trong bối cảnh ngân sách không tăng thì khó có nền khoa học công nghệ mạnh được. Và có thể các cán bộ làm khoa học không đến nỗi chết đói nhưng đói đến lúc chết”.
Có một vấn đề đặt ra ở đây là trong số mấy trăm nghìn cán bộ của các cơ quan khoa học - công nghệ trong cả nước có bao nhiêu người làm nghiên cứu khoa học thực sự hay vẫn theo lời ông Hiến: “cán bộ quản lý thì thừa còn người làm nghiên cứu lại thiếu”.
Có nhiều người nói đến bước cổ phần hóa các viện nghiên cứu để giảm gánh nặng ngân sách và nâng cao hiệu quả hoạt động. Nhưng bước chuyển này cũng lại đang đối mặt với một thực tế có thể nhìn thấy trước tương lai. Đó là chỉ cần đánh tiếng cổ phần, các “đại gia” bất động sản sẽ sẵn sàng có mặt.
Và trụ sở các viện nghiên cứu sẽ biến thành các building lộng lẫy gồm nhà chung cư và văn phòng cho thuê. Mà Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cảnh báo: Việc chỉ nhằm vào kinh doanh quỹ đất trong cổ phần hóa, đem trụ sở làm vốn mời gọi đầu tư thì “có khi một thời gian sau xóa sổ cả viện nghiên cứu”.
Theo ý kiến của nhiều nhà khoa học, có lẽ giải pháp tốt nhất hiện nay là cho phép thành lập doanh nghiệp nằm trong các đơn vị sự nghiệp. Khi các nhà khoa học có các công trình nghiên cứu thì các doanh nghiệp khoa học công nghệ này sẽ triển khai thành dự án và mang đi bán. Như vậy chất xám mới đạt tới hiệu quả cao chứ không phải là các công trình nghiên cứu để đút vào ngăn kéo.
Hướng thương mại hóa các hoạt động nghiên cứu khoa học không phải là mới mẻ, theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, ở nhiều quốc gia, doanh nghiệp nằm ngay trong trường đại học. Các nhà khoa học giỏi, một nhóm các nhà khoa học cũng có thể thành lập các trung tâm nghiên cứu riêng. Nhưng mấu chốt của vấn đề lại phải trở lại câu chuyện không phân biệt công hay tư. Nếu còn tồn tại tình trạng các cơ quan khoa học nhà nước mới được nhận các công trình nghiên cứu do Nhà nước đặt hàng thì vẫn chưa thể huy động hết nguồn lực chất xám phục vụ cho phát triển.