Việc UBND TP Hà Nội đưa ra quy định: Không được ghi âm, ghi hình khi chưa được cán bộ tiếp dân cho phép, đã nhận được nhiều ý kiến. Lý giải về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, quy định trên là để tránh việc một số người dùng băng ghi âm, ghi hình làm việc xấu.
Song, cách lý giải trên xem ra có vẻ không thuyết phục được dư luận, bởi nếu việc tiếp dân đúng pháp luật thì dù có ai muốn bôi xấu cũng không được.
Tại Quyết định số 12/QĐ-UBND ban hành “Nội quy tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân” nêu rõ: Không được quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân. Trước phản ứng trái chiều của dư luận, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói lại rằng, không phải là “cấm tiệt” mà người dân vẫn có quyền yêu cầu cán bộ tiếp dân cho ghi âm, ghi hình. Nhưng dư luận vẫn không thông, bởi nếu người dân yêu cầu ghi âm, ghi hình nhưng cán bộ tiếp dân không đồng ý thì phải làm sao?
Ngay cả việc lý giải “cấm” ghi âm, ghi hình để tránh một số “người xấu” làm bậy, như cắt xén nội dung rồi tung lên mạng xã hội nhằm bôi nhọ cán bộ, chính quyền... cũng chưa thuyết phục. Hiện hành lang pháp lý đã khá đầy đủ, chặt chẽ nên cũng không có gì phải “sợ” một số “người xấu”, bởi nếu họ thực hiện những hành vi bôi nhọ cán bộ, chính quyền thì sẽ bị hàng loạt đạo luật: Hình sự, An ninh mạng... chế tài, từ việc phạt hành chính bằng tiền cho đến xử lý hình sự. Trừ một số ít (rất ít) người bị các thế lực thù địch kích động gây rối, có những hành vi quá khích, còn lại đại bộ phận những người đi khiếu nại, tố cáo đều là những công dân lương thiện thì có lý gì họ lại làm những việc mà biết trước hậu quả là sẽ mất tiền hay thậm chí còn phải ngồi tù?
Còn việc cho rằng, trong trường hợp cần thiết người dân có quyền yêu cầu trích xuất băng ghi âm, ghi hình của trụ sở tiếp công dân, cũng rất khó khả thi. Nếu cán bộ tiếp dân đã không đồng ý cho người dân ghi âm, ghi hình thì lẽ nào lại đồng ý trích xuất dữ liệu ghi âm, ghi hình của họ? Còn nếu khi có áp lực xã hội, có chỉ đạo từ cấp trên ép xuống buộc phải cung cấp dữ liệu ghi âm, ghi hình, thì lấy gì đảm bảo dữ liệu đó không bị cắt xén những đoạn nhạy cảm rồi lắp ghép, thậm chí là không thể trích xuất dữ liệu vì vào buổi tiếp dân đó bất ngờ camera... bị hỏng.
Đó là xét trên bình diện thực tế, còn giờ bàn đến tính pháp lý của Quyết định 12/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội. Nguyên tắc tối thượng của pháp luật là đảm bảo công bằng, bình đẳng đối với tất cả mọi đối tượng, dù đó là ai, cơ quan nào. Do đó, việc cơ quan tiếp công dân được phép ghi âm, ghi hình thì người khiếu nại, tố cáo cũng được hưởng quyền tương tự. Cũng theo quy định của pháp luật thì mọi người đều có quyền ghi âm, ghi hình ở bất kỳ nơi nào không bị pháp luật cấm (an ninh quốc gia, bí mật nhà nước...). Thực tế thì trụ sở tiếp công dân không phải là khu vực đảm bảo an ninh quốc gia, nội dung tiếp dân cũng không phải là bí mật nhà nước thì sao lại có thể cấm ghi âm, ghi hình?
Tóm lại, việc UBND TP Hà Nội ra quy định “cấm” ghi âm, ghi hình cần được xem xét kỹ lưỡng, xem lại trên cơ sở quyền công dân của người khiếu nại, tố cáo. Chưa kể, nếu buổi tiếp dân của những người thực thi công vụ hoàn toàn đúng pháp luật, hòa nhã, không có thái độ hách dịch, cửa quyền, quát nạt người dân... thì tại sao phải “cấm” ghi âm, ghi hình? Khi đã không có gì phải giấu thì cũng có gì phải sợ sự công khai minh bạch.