Không có ngoại lệ

Lê Anh Đức 14/10/2016 13:05

Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội vừa có văn bản gửi Bộ GTVT kiến nghị tạm thời chưa xử phạt và xem xét lại quy định cấm lái xe liên tục quá 4 giờ đối với tài xế taxi. Một số ý kiến cho rằng đối với lái xe taxi ở trong nội đô Hà Nội, chặng đường đi ngắn nên sẽ không phát sinh sự mệt mỏi do phải tập trung lái xe nhiều giờ do đó không nhất thiết áp dụng quy định trên. Song, dư luận xã hội cho rằng đã là quy định của pháp luật thì bất cứ ai, thành phần nào cũng phải tuân theo, không thể có ngoại lệ.

Khi xây dựng luật, các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông vận tải đã tính đến việc lái xe phải tập trung căng thẳng trong việc điều khiển phương tiện giao thông, vì thế sẽ phát sinh trạng thái mệt mỏi, buồn ngủ dẫn đến mất ATGT, từ đó gây ra những vụ TNGT thảm khốc. Bởi vậy, tại Điều 65, Luật Giao thông đường bộ quy định: Thời gian làm việc của người lái xe ô tô không được quá 10 giờ trong một ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ. Người vận tải và người lái xe ô tô chịu trách nhiệm thực hiện quy định này.

Tại Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Giao thông đường bộ cũng đã quy định rõ: Hành vi lái xe ô tô liên tục quá 4h là vi phạm Luật Giao thông đường bộ và sẽ bị chế tài với các hình thức phạt tiền và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe. Cụ thể, tài xế vi phạm quy định trên sẽ bị phạt 3-5 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1-3 tháng. Quy định của pháp luật là như vậy, song không phải đơn vị vận tải hay lái xe nào cũng nghiêm chỉnh chấp hành.

Đó là lý do mà trên thực tế, nhiều vụ TNGT thảm khốc đã xảy ra khiến nhiều người thiệt mạng mà nguyên nhân xuất phát từ việc lái xe mệt mỏi không tỉnh táo, thậm chí ngủ gật nên không kịp thời xử lý những tình huống phát sinh trên đường. Theo thống kê của Cục CSGT đường bộ - đường sắt, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2016, cả nước đã xảy ra 10.254 vụ TNGT làm 4.320 người chết, 9.116 người bị thương. Con số này so với cùng kỳ năm 2015 tuy đã giảm song vẫn là nỗi nhức nhối của xã hội.

Trong nỗ lực giảm thiểu TNGT, trong 2 tháng qua, Hà Nội đã quyết liệt thực hiện việc thu hồi phù hiệu taxi đối với các lái xe chạy liên tục quá 4h. Theo đó, hơn 500 tài xế taxi đã bị Sở GTVT TP Hà Nội thu phù hiệu “taxi Hà Nội” do vi phạm quy định trên. Và đó cũng chính là lý do để Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội đưa ra kiến nghị với Bộ GTVT chưa áp dụng mức xử phạt theo quy định tại Nghị định 46 và xem xét lại cách tính giờ đối với loại hình giao thông này.

Lý giải cho kiến nghị trên, Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội cho rằng, toàn thành phố mới chỉ có khoảng 40 điểm đỗ xe taxi trong thời gian 3 phút trong khi lượng xe là trên 2 vạn chiếc. Do vậy, nhiều lái xe không có khách phải chạy lòng vòng vì không tìm được điểm đỗ. Hiện, Bộ GTVT đang xem xét kiến nghị của Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội, song cơ quan này cũng khẳng định: Khi chưa có quyết định mới thì vẫn áp dụng chế tài xử phạt bình thường.

Sở GTVT Hà Nội khẳng định, việc trong vòng 2 tháng qua đã thu phù hiệu “taxi Hà Nội” của khoảng 500 lái xe không chỉ là chấp hành nghiêm quy định của Luật Giao thông đường bộ, đảm bảo giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông hiện đang là vấn nạn nhức nhối của xã hội, mà còn nhằm đảm bảo sức khỏe cho tài xế, đảm bảo an toàn cho chính lái xe và những phương tiện khác lưu thông trên đường.

Nói cho cùng thì việc Sở GTVT Hà Nội mới chỉ thu phù hiệu “taxi Hà Nội” đối với các lái xe vi phạm quy định chạy quá 4h là vẫn còn may mắn cho họ. Đặt giả thiết cơ quan chức năng của TP Hà Nội không thu phù hiệu của những lái xe này mà vẫn để họ tham gia giao thông trên đường gây TNGT, không những nguy hiểm cho tính mạng cho chính bản thân lái xe taxi, mà còn đe dọa tính mạng, tài sản của hành khách cũng như các phương tiện khác đang lưu thông trên đường. May mắn còn ở chỗ, thay vì bị TTGT thu phù hiệu “taxi Hà Nội”, các lái xe lại bị lực lượng CSGT phạt 3-5 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe tối đa 3 tháng thì còn thiệt hại hơn nhiều.

Vậy nên dư luận xã hội đang hết sức đồng tình và ủng hộ chủ trương thực hiện nghiêm Luật Giao thông đường bộ của các cơ quan chức năng TP Hà Nội. Có người còn hài hước cho rằng, nếu thực sự áp dụng “cơ chế đặc thù” đối với loại hình taxi thì không chỉ khiến tài xế các phương tiện khác so bì, mà việc làm trên chẳng khác nào việc một người tham gia giao thông bất chấp các quy định của pháp luật vì đã có người quen “che” cho khi bị lực lượng CSGT bắt giữ - nghĩa là sẽ tạo ra tiền lệ xấu cho sự nhờn luật.

Trong một cuộc giao lưu trực tuyến về ATGT, một khán giả ở Hải Dương đã gửi thư đến với lời lẽ khiến chúng ta phải suy nghĩ: Tôi còn nhớ cách đây khá lâu, trong một phóng sự thực tế, những du khách nước ngoài đến Hà Nội nói với nhau một câu thế này: “Nếu du lịch mạo hiểm là chưa đủ với bạn, hãy tham gia giao thông ở Việt Nam”. Có thể hiểu đó là một câu nói đùa vui, hài hước, song cũng có thể hiểu là các du khách người nước ngoài đang có cái nhìn không mấy thiện cảm với tình hình trật tự ATGT ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.

Có người từng nói, mỗi ngày cả nước có hơn 30 người đột ngột và vĩnh viễn từ bỏ cuộc sống trong khi đi lại trên đường. Và tử thần sẽ gọi tên ai trong số chúng ta? Câu nói trên thật sự rất chua xót và rất đáng để cả xã hội phải lưu tâm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không có ngoại lệ