Ngày 15/3, tại TP HCM diễn ra Hội nghị quốc tế Xúc tiến xuất khẩu ngành da giày Việt Nam. Ông Diệp Thành Kiệt- Chủ tịch Hội Da giày Việt Nam (Lefaso) khẳng định: “Không có Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngành da giày Việt Nam vẫn tăng trưởng bình thường vì kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ chiếm tỷ lệ cao”.
Cạnh tranh gay gắt trên thị trường xuất khẩu yêu cầu ngành da giày
đổi mới mô hình sản xuất. (Ảnh: S.Xanh).
Không có TPP, các nhà đầu tư vẫn tin tưởng vào Việt Nam
Các vấn đề liên quan đến tăng trưởng của ngành này được đại biểu trong và ngoài nước mổ xẻ. Ông Diệp Thành Kiệt cho biết, trong năm 2016 ngành da giày tăng trưởng 8,6%, 2 tháng năm 2017 đạt gần 10%. Hiện da giày Việt Nam xuất khẩu sang 50 nước song thị trường xuất khẩu chính vẫn là Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Hàn Quốc…
Trước đây, khi chưa có thông tin Hoa Kỳ rút khỏi TPP ngành da giày kỳ vọng sản lượng xuất khẩu mặt hàng này vào thị trường Hoa Kỳ sẽ chiếm trên 50% sản lượng, tăng trưởng trung bình 15% /năm. “Không có TPP ngành da giày trong nước vẫn ổn định và không có sự đột biến từ thị trường Hoa Kỳ”, ông Kiệt nhấn mạnh. Theo ông Kiệt, đối với thị trường Hoa Kỳ, hàng da giày Việt đứng thứ 2 về sản lượng và giá trị, chỉ sau Trung Quốc. Trường hợp nước này không nằm trong TPP thì kim ngạch xuất khẩu da giày của Việt Nam vẫn ổn định. Kinh tế Hoa Kỳ phát triển thì ngành da giày cũng có điều kiện để phát triển theo.
Đồng quan điểm tin tưởng vào tăng trưởng hàng năm của ngành da giày Việt Nam, đại diện một doanh nghiệp nước ngoài cho hay: “Dù không có TPP, các nhà đầu tư vẫn tin tưởng vào Việt Nam. Năm 2017 Việt Nam sẽ là lựa chọn thứ 2 và sau Trung Quốc”, vị đại diện khẳng định thêm. Việt Nam sẽ là điểm đến đáng tin cậy do tháng 4 tới sẽ mở 2 tuyến tàu thẳng từ Cái Mép sang Mỹ, giảm thời gian vẫn chuyển hàng hóa xuống dưới 30 ngày. Đây chính là tín hiệu đáng mừng cho kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày Việt.
Nói về việc không TPP tác động như thế nào đến ngành da giày, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, kinh tế của Việt Nam nói chung và ngành da giày nói riêng không dựa hoàn toàn vào TPP. Không có hoặc chậm TPP vẫn còn 16 hiệp định thương mại khác đang chờ. Ngoài thị trường khá lớn như Hoa Kỳ, doanh nghiệp da giày có thể mở rộng thị trường sang các nước châu Âu, ASEAN, Hàn Quốc…
Thay đổi tránh tụt hậu
Nhiều chuyên gia nhận định, năm 2017 thị trường thế giới như Hoa Kỳ và châu Âu có dấu hiệu phục hồi, trong khi chi phí sản xuất tăng lên tại Trung Quốc, khiến đơn hàng nhập khẩu da giày có xu hướng chuyển sang sản xuất tại Việt Nam. Làn sóng đầu tư mới trong nước và nước ngoài đã tăng lên đáng kể sau khi Việt Nam ký các hiệp định thương mại tự do FTA, thu hút nhiều nguồn vốn mở rộng sản xuất và xây dựng nhà máy tại Việt Nam. Đây chính là cơ hội cho ngành da giày song yêu cầu thực tế đặt ra, ngành này cần có sự nỗ lực hơn. Bởi vì kim ngạch xuất khẩu lớn nhưng sản lượng xuất khẩu hiện chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp FDI (khoảng 81%), phần còn lại là của DN trong nước.
Chưa hết, nguyên phụ liệu sản xuất đa phần nhập khẩu. Đơn cử, nhập khẩu da thuộc giai đoạn 2011 - 2016 đang tăng lên, trung bình khoảng 20%/ năm. Do các nhà máy thuộc da trong nước không đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành, nên các đơn vị phải nhập da thuộc chất lượng cao từ các nước khác. Tỷ lệ nội địa hóa dao động ở mức 40 - 50%, cho nên giá trị gia tăng của sản phẩm khá khiêm tốn và lộ trình tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu chưa rõ ràng.
Theo ông Võ Trí Thành, ngành da giày VN thâm dụng lao động, phụ thuộc nguyên phụ liệu, giá trị gia tăng thấp, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước không cao… 5 năm tới ngành da giày không thay đổi về cách thức kinh doanh mới chắc chắn tăng trưởng xuất khẩu sẽ chậm lại. Lo ngại từ những điểm yếu của ngành chưa giải quyết được, ông Phan Chí Dũng- Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công thương) đề nghị ngành da giày cần tái cơ cấu sản xuất theo hướng tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm, trong đó ưu tiên cho sản xuất nguyên phụ liệu để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa; giảm dần hình thức gia công đơn giản, tăng khả năng thiết kế và tự cung cấp nguyên phụ liệu; tập trung sản xuất sản phẩm “trung - cao cấp, hợp thời trang” cho thị trường. Bên cạnh đó, ngành da giày trong nước phải chủ động liên kết tham gia vào chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu.