Không đánh trống bỏ dùi

Kiên Long 13/08/2016 14:10

Những ngày qua, trên khắp các nẻo đường, từ thành thị đến nông thôn, lực lượng chức năng, nhất là cảnh sát giao thông (CSGT) đã ra quân đồng loạt thực hiện việc xử lý vi phạm pháp luật giao thông theo quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP. Việc nâng cao chế tài xử lý, cơ quan chức năng mạnh tay, bước đầu đã làm chuyển biến ý thức người tham gia giao thông, vi phạm giảm. Tuy nhiên không ít ý kiến băn khoăn khi quyền trao cho các cơ quan chức năng có được thực hiện tốt, có quyết liệt thường xuyên,

Lực lượng chức năng làm nghiêm, trật tự kỷ cương trong giao thông sẽ được đưa vào nề nếp.

Việc Nghị định 46/CP bổ sung xử phạt thêm 33 hành vi vi phạm, tăng nặng mức xử phạt 153 hành vi đã khiến cho không ít người tham gia giao thông như chợt tỉnh. Đặc biệt là việc nâng cao các mức phạt những vi phạm thông thường rất nhiều lâu nay như vượt đèn vàng, đèn đỏ, uống rượu bia khi lái xe….phổ biến ở người tham gia giao thông.Theo ý kiến của đa số người tham gia giao thông, nếu như những vi phạm nói trên đều bị xử lý, lực lượng chức năng làm nghiêm, trật tự kỷ cương trong giao thông sẽ được đưa vào nề nếp, tai nạn giao thông sẽ giảm.

Có thể nói, tình trạng vi phạm pháp luật giao thông lâu nay rất nan giải. Cứ ở đâu không thấy bóng CSGT, là y như rằng có vi phạm, phổ biến như vượt đèn vàng, đèn đỏ. Không ít các xe khách đường dài vẫn nhồi nhét khách, phóng nhanh, vượt ẩu…Ngay những ngày này, khi Nghị định 46/CP có hiệu lực, nơi những ngã ba, ngã tư, ngay ở Thủ đô, khi không có CSGT đứng trực, không ít người vẫn liều, vẫn vô tư vi phạm. Vẫn lại quan niệm, suy nghĩ: việc vi phạm bị phạt còn ở đâu đâu, chưa đến lượt mình?

Theo Cục CSGT đường bộ- đường sắt, trong 10 ngày đầu tháng 8 này, đã có hơn 37.360 trường hợp người tham gia giao thông vi phạm bị xử lý, tăng 20 % so với trước đó. Qua khảo sát và tìm hiểu, không phải vi phạm tăng lên mà thực tế, do lực lượng chức năng tăng cường xử phạt.

Dù việc vi phạm pháp luật giao thông vẫn nan giải nhưng nhìn chung, người tham gia giao thông, kể cả đi xe máy, đi bộ đã có ý thức hơn. Con số ô tô bị tạm giữ giảm nhiều trong những ngày đầu thực hiện Nghị định 46/CP (giảm đến 56,3 %) này mới chính là con số phản ánh một sự thực: khi phạt nặng, vi phạm sẽ giảm. Chính những người khi vi phạm, bị phạt nặng sẽ rất thấm thía bởi những chế tài rất nặng này.

Đặc biệt, những vi phạm của người lái xe ô tô khó thoát khi với mạng lưới giám sát từ CSGT cho đến hệ thống camera phạt nguội. Tại nhiều nút giao thông, không ít trường hợp CSGT bất lực khi một số lái xe tắc xi, xe con cá nhân, bất chấp hiệu lệnh yêu cầu dừng xe của CSGT vẫn bỏ chạy. Qua trao đổi, các CSGT cho biết, những trường hợp này đều sẽ được xử lý phạt nguội qua camera. Những ngày đầu tiên thực hiện xử phạt theo quy định mới này, số người bị tước GPLX tăng đến 9%.

Nghị định 46/CP đã đặc biệt yêu cầu người tham gia giao thông phải chấp hành những yêu cầu của người thi hành công vụ. Như người lái xe ô tô, chỉ cần không chấp hành tín hiệu đèn giao thông, không chấp hành hiệu lệnh hướng dẫn của người điều khiển giao thông đã phải chịu mức phạt từ 1,2-2 triệu đồng.

Còn như không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn, về chất ma túy của người thi hành công vụ cũng bị phạt như trường hợp điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100mililit máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở, đều bị phạt từ 16-18 triệu đồng.

Không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ hoặc gây tai nạn giao thông khi điều khiển xe lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ, dùng chân điều khiển vô lăng xe khi xe đang chạy trên đường còn bị phạt lên đến 18-20 triệu đồng. Nếu như cơ quan chức năng xử lý nghiêm, mọi vi phạm đều bị xử lý thì với việc phạt nặng, nhận hậu quả từ việc vi phạm của mình, người lái xe chắc chắn sẽ không dám vi phạm.

Trước pháp luật, cá nhân vi phạm dù ban đầu có cố chấp, ngoan cố rồi cũng phải chấp nhận xử lý. Như Phó Cục trưởng Cục CSGT Đỗ Thanh Bình cho biết, hầu hết các trường hợp vi phạm dù phải bị phạt nặng cũng phải thừa nhận và chấp nhận nộp phạt.

Còn theo Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền Cục CSGT nhận xét, đa phần người tham gia giao thông đã chấp hành tốt, một số lỗi tăng mức phạt tiền như dừng đỗ xe, đón trả khách trên đường cao tốc đã giảm. Tới đây lực lượng CSGT sẽ tiếp tục tập trung nhiều biện pháp như tâp huấn cán bộ, chiến sĩ, kết hợp tuần tra, xử lý vi phạm với tuyên truyền cho người dân về NĐ 46/CP.

Xung quanh vấn đề trật tự an toàn giao thông, như nhiều người nói, lần này, cây gậy, cái dùi mạnh thực sự đã được trao cho cơ quan chức năng, cho CSGT – những người “đánh trống”. Vấn đề còn lại lực lượng chức năng có dám làm mạnh, kiên quyết, làm thường xuyên, không “đánh trống, bỏ dùi”, để trật tự giao thông đi vào nề nếp, pháp luật giao thông được thực hiện nghiêm.

Muốn như vậy thì những người cầm dùi phải thực sự trong sáng, khách quan, công minh. Mọi vi phạm của người cầm gậy, cầm dùi càng phải được phát hiện, xử lý thật nghiêm. Cùng với việc thực hiện theo Nghị định 46/CP, ngành công an và các lực lượng liên quan cần có các quy định, chế tài để thực hiện, giám sát, xử lý, đồng thời khen thưởng, động viên kịp thời cán bộ, chiến sĩ thực hiện.

Đây là một cơ hội để sửa chữa, lập lại trật tự an toàn giao thông, khi lâu nay pháp luật về giao thông đã từng bị khinh nhờn, bị vi phạm không chỉ từ người tham gia giao thông mà kể cả từ chính tay người cầm cân, nảy mực.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không đánh trống bỏ dùi