Trước hiện tượng chèn giờ học như giáo dục ngoài giờ, giáo dục liên kết vào giờ chính khóa, thu tiền của phụ huynh, ép học sinh phải học gây bức xúc trong dư luận, Bộ GDĐT đã ban hành Công văn số 5333 về vấn đề rà soát, báo cáo tình hình hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và thường xuyên.
Nhiều địa phương như Hà Nội, Đà Nẵng, Nghệ An, Hải Phòng, TPHCM, Ninh Bình… cũng có động thái chấn chỉnh việc liên kết dạy tiếng Anh tăng cường, kỹ năng sống... trong trường học. Trong đó, các Sở GDĐT đều khẳng định việc trường liên kết với các tổ chức, đơn vị bên ngoài để tổ chức các lớp học ngoại khóa không bị cấm. Tuy nhiên, hoạt động này là tự nguyện, không được ép học sinh tham gia.
Theo ông Đào Tân Lý - Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học (Sở GDĐT Hà Nội), các trường trên địa bàn cần thực hiện đầy đủ tiết học bắt buộc, không cắt xén hay giảm bớt để dành thời gian cho hoạt động ngoại khóa và các tiết học tăng cường. Hiện định mức làm việc của giáo viên tiểu học là 23 tiết/tuần. Việc giảm tiết chính khóa sẽ ảnh hưởng tới công việc của giáo viên, nên các trường cần tránh để thầy cô chưa dạy hết định mức đã phải thực hiện hoạt động ngoài giờ.
"Khi đã thực hiện đầy đủ chương trình chính khóa theo yêu cầu của Bộ GDĐT, giáo viên đủ định mức và còn thời gian trống, lúc đó trường mới tổ chức hoạt động ngoại khóa", ông Lý nói.
Đáng chú ý, với chương trình liên kết, tăng cường, Sở yêu cầu các trường khảo sát, tổng hợp nhu cầu của học sinh, phụ huynh rồi mới xây dựng kế hoạch triển khai. Trong đó, phải đảm bảo tinh thần tự nguyện của phụ huynh, học sinh. Trường không được xếp tiết ngoại khóa xen vào giờ chính khóa, nếu lớp đó không đủ 100% tham gia.
Trên thực tế, hiện Hà Nội có hai địa phương là Thanh Trì và Sóc Sơn đã có thông báo tạm dừng các lớp kỹ năng sống, lớp liên kết để rà soát. Lãnh đạo một trường tiểu học ở huyện Thanh Trì cho biết, ngay trong cuộc họp đầu năm với phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm đã phổ biến về hoạt động dạy liên kết tiếng Anh do trung tâm ngoại ngữ Bình Minh thực hiện. Hoạt động được nhà trường triển khai từ nhiều năm trở lại đây, sau đó phát đơn để phụ huynh đăng ký trên tinh thần tự nguyện. Nếu gia đình nào không tham gia thì không nộp đơn. Học sinh không tham gia sẽ xuống phòng thư viện đọc sách trong thời gian này.
Trước thông tin Sở GDĐT Hà Nội yêu cầu trường không được xếp tiết ngoại khóa xen vào giờ chính khóa, nếu lớp đó không đủ 100% tham gia, lãnh đạo trường này sẽ làm việc với đơn vị liên kết để thống nhất về thời gian triển khai, ưu tiên dạy vào khung giờ cuối mỗi buổi học, không chèn vào giờ học chính khóa.
TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội khẳng định việc dạy tăng cường, dạy liên kết trong các trường tiểu học hiện đang thực hiện theo Thông tư 04/2014 của Bộ GDĐT quy định quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa; Thông tư 21/2018 ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm ngoại ngữ tin học; Nghị định 24/2021... Theo đó, việc thực hiện các chương trình liên kết trong trường học, theo hình thức xã hội hóa, tùy nhu cầu, tự nguyện của phụ huynh học sinh tại các cơ sở giáo dục là phù hợp.
“Không thể giải quyết vấn đề bằng cách không quản được thì cấm hoàn toàn dạy liên kết trong trường học. Vấn đề là tổ chức như thế nào, vào thời gian nào để đảm bảo quyền lợi của mọi học sinh dù tham gia học hay không. Các địa phương cần phải rà soát nghiêm túc theo Công văn số 5333 của Bộ GDĐT để sớm chấn chỉnh các cơ sở giáo dục làm sai, đồng thời xử phạt mạnh tay để làm gương”- TS Nguyễn Tùng Lâm nêu quan điểm.
Trong khi đó, chị Mai Thanh (phụ huynh ở quận Ba Đình, Hà Nội) cho rằng, các cơ quan quản lý cần quy định chặt chẽ hơn về thời gian tổ chức hoạt động giáo dục ngoại khóa trong trường học. Nếu chỉ căn cứ vào “100% phụ huynh học sinh tự nguyện” hay không để chèn giờ học ngoại khóa, liên kết vào giờ học chính khóa thì vẫn khó tránh được việc phụ huynh phải tự nguyện kiểu bị ép buộc.
Trước đó, Sở GDĐT Ninh Bình chỉ đạo tuyệt đối không để xảy ra tình trạng học sinh không có nguyện vọng học liên kết, bổ trợ, tham gia hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa phải nghỉ tiết để chờ học tiết chính khóa tiếp theo.