Là một trong số các địa phương có nhiều “siêu” dự án đầu tư công nhưng thi công kéo dài vì chậm giải ngân, TPHCM đang hối thúc các đơn vị, quận, huyện và TP Thủ Đức chỉ đạo giải quyết dứt điểm, tăng tốc độ giải ngân, nhất là tại các dự án kéo dài trên 10 năm.
Nhiều nơi chậm giải ngân
Trong số các địa phương trên địa bàn TPHCM, UBND TP Thủ Đức dẫn đầu với 26 dự án chưa được giải ngân, kế đến là các huyện Củ Chi (11 dự án), Bình Chánh (10 dự án), Hóc Môn (9 dự án)… Điều đáng nói, nhiều siêu dự án đầu tư công tại TP Thủ Đức đã rơi vào bế tắc suốt nhiều năm, có dự án kéo dài 20 - 30 năm vì nhiều nguyên nhân, trong đó có việc chậm giải ngân vốn.
Ông Lê Tấn Hồng - Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch UBND TP Thủ Đức cho biết, TP Thủ Đức đang thực hiện 191 dự án, với tổng kế hoạch vốn đầu tư công giao khoảng hơn 2.600 tỷ đồng. Dù vậy, tính đến ngày 9/10/2023 thì lũy kế giải ngân thực tế chỉ đạt tỷ lệ 13,5% so với kế hoạch vốn được giao.
Theo ông Hồng, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công và giải ngân thấp hơn kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đã khiến các dự án gặp nhiều khó khăn. Dự kiến đến hết tháng 9/2023 tỷ lệ giải ngân cũng chỉ đạt khoảng 20,5%, là con số rất thấp so với kế hoạch ban đầu.
Cũng theo đại diện UBND TP Thủ Đức, thời gian qua, các vướng mắc về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng thường trải dài qua nhiều giai đoạn, trong đó có các khâu về đo đạc và xác minh nguồn gốc khu đất dự án đã chiếm nhiều thời gian. Từ đó, dẫn đến việc giải ngân vốn đầu tư công khó đạt được như kỳ vọng và buộc phải kéo dài thời gian dự kiến hoàn thành vào tháng cuối năm.
Không chỉ riêng TP Thủ Đức, những địa phương ngoại thành như huyện Bình Chánh đã rất tích cực để cải thiện tình trạng giải ngân vốn đầu tư công nhưng cũng khó có thể đảm bảo đúng tiến độ và kế hoạch đề ra.
Trước tình trạng này, từ năm Năm 2022, UBND huyện Bình Chánh đã đề xuất thu hồi, hủy bỏ 52 dự án quá 3 năm không triển khai. Việc này thực hiện theo Luật Quy hoạch, trong đó quy định 3 năm phải rà soát 1 lần, nếu quy hoạch không khả thi sẽ loại bỏ. Điển hình như các dự án khu E thuộc Khu đô thị Nam TPHCM, dự án cây xanh cách ly tại 2 xã Phong Phú và Đa Phước (huyện Bình Chánh) và mới đây là các dự án Khu đô thị Sing - Việt và dự án Khu đô thị đại học Hưng Long đã bị địa phương này xử lý dứt điểm sau chuỗi thời gian thi công kéo dài, kém hiệu quả.
Một số địa phương khác như huyện Hóc Môn, Củ Chi cũng phản ánh nhiều vướng mắc trong giải ngân đầu tư công do các địa phương này tập trung toàn bộ nguồn nhân lực cho Dự án Vành đai 3 nên các dự án đầu tư công còn lại phải gác lại hoặc giải ngân nhỏ giọt.
Dù vậy, một phần nguyên nhân được Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM đánh giá, do UBND một số quận, huyện chưa mạnh dạn, chủ động để giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của địa phương, nhất là các khâu về xác minh nguồn gốc, quá trình sử dụng đất, từ đó triển khai nhanh xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người bị thu hồi đất.
Giám sát chặt đầu tư công
Để thoát khỏi nhóm “đội sổ” về giải ngân vốn đầu tư công, UBND huyện Bình Chánh là một trong số địa phương thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt từ đầu năm đến nay.
Chia sẻ với phóng viên, ông Biện Ngọc Toàn - Trưởng phòng Tài chính và Kế hoạch UBND huyện Bình Chánh cho biết, huyện đã rà soát và kiến nghị với UBND TPHCM tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng ở các dự án trọng điểm trên địa bàn. Trong số này, ưu tiên hàng đầu về giải ngân vốn cho các dự án nâng cấp và mở rộng Quốc lộ 50 và Dự án Vành Đai 3. Huyện Bình Chánh cũng đã kiến nghị đẩy nhanh và hoàn thành sửa chữa chung cư tại Khu tái định cư 30ha xã Vĩnh Lộc B để phục vụ bố trí tái định cư cho người dân ở các dự án trọng điểm kể trên ổn định cuộc sống.
Cũng theo ông Toàn, tính đến ngày 17/10/2023, toàn huyện đã giải ngân được khoảng 360 tỷ đồng, đạt hơn 57 % kế hoạch vốn đã giao của cả năm 2023. Trước mắt, từ nay đến cuối năm, huyện Bình Chánh sẽ tập trung đẩy mạnh công tác bồi thường, hỗ trợ các dự án đã được UBND TPHCM phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất, để đẩy nhanh tiến độ các dự án này.
Đối với TP Thủ Đức, ông Lê Tấn Hồng - Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch UBND TP Thủ Đức cho biết, trước mắt sẽ tập trung vào các dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư để phục vụ đầu tư xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy được bố trí vốn bồi thường trong năm 2023 vào khoảng gần 1.045 tỷ đồng (chiếm 42,2% tổng kế hoạch vốn TPHCM giao cả năm 2023). Ông Hồng cũng thừa nhận, mặc dù tỷ lệ giải ngân tính đến ngày 9/10 của TP Thủ Đức là khá thấp so với các địa phương khác của TPHCM nhưng ngay khi phương án giá đất được duyệt, UBND TP Thủ Đức đang quyết tâm để nâng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của thành phố từ nay đến cuối năm.
Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu thời gian còn lại của năm 2023 nếu không đạt được tỷ lệ giải ngân trên 95% thì các đơn vị, địa phương cũng không được giải ngân thấp hơn 80%. Đặc biệt, từ ngày 1/9/2023, các quận, huyện đã được ủy quyền quyết định giá đất bồi thường, nên có thể chủ động trong nhiệm vụ được giao.