Sức khỏe

Không để lây lan bệnh sởi

Tấn Thành (thực hiện) 17/02/2025 10:37

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Quảng Nam đã xuất hiện hàng chục ca mắc sởi; ngành y tế đang chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh, giảm tối đa nguy cơ lây lan dịch bệnh này tại địa phương.

tr13.jpg
Bác sĩ chăm sóc, điều trị cho bệnh nhi mắc sởi ở Quảng Nam. Ảnh: Tấn Thành.

Ngày 16/2, PV Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với TS.BS Trần Văn Kiệm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam (CDC Quảng Nam) về công tác phòng, chống bệnh sởi trên địa bàn tỉnh.

PV: Thưa ông, tình hình bệnh sởi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện nay như thế nào?

TS.BS Trần Văn Kiêm: Từ ngày 1/1/2025 đến nay số ca mắc sởi ghi nhận trên toàn tỉnh Quảng Nam là 63 ca, tại 15/18 huyện, thị xã, thành phố. Trong số 63 trường hợp mắc sởi có gần 90% trẻ mắc sởi là chưa được tiêm vaccine hoặc chưa đến tuổi tiêm vaccine có thành phần sởi.

Tại xã Trà Leng (huyện Nam Trà My), vừa qua có bùng phát dịch bệnh sởi với 43 ca được ghi nhận, nhưng đã kịp thời khống chế, dập tắt. Còn hiện nay trên địa bàn tỉnh có 63 trẻ mắc bệnh sởi, nhưng được y, bác sĩ chăm sóc, điều trị nên đều ổn định, tỉnh táo, ăn uống tốt, không có bệnh nhi nào bị nặng. Trong đó có một số bệnh nhi đã xuất viện về nhà.

Đáng nói nơi xảy ra dịch ở thôn 3 xã Trà Leng là nơi ở xa xôi, việc đi lại cũng như đời sống của người dân còn khó khăn. Thế nhưng tình hình kiểm soát và dập dịch bệnh nhanh chóng, hiệu quả cao. Đạt được kết quả này là nhờ sự chỉ đạo kịp thời của Bộ Y tế, lãnh đạo tỉnh, Sở Y tế, sự vào cuộc nhanh chóng của đội ngũ y tế các cấp, của chính quyền địa phương và cả sự phối hợp, hưởng ứng của người dân.

Theo ông làm gì để tăng cường phòng, chống dịch bệnh sởi?

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh sởi, giảm thiểu tối đa nguy cơ lây lan dịch bệnh sởi tại địa phương, CDC Quảng Nam đã cử đội cơ động phản ứng nhanh hỗ trợ các địa phương - nơi xảy ra điểm dịch sởi, đồng thời phối hợp với chính quyền xã, ngành giáo dục, Trạm Y tế (TYT) xã chủ động nắm bắt tình hình tận các thôn, kịp thời phát hiện trẻ ốm để vận động gia đình đưa trẻ ra TYT xã và Trung tâm Y tế (TTYT) huyện để cách ly, điều trị.

Chúng tôi cũng đã tăng cường khám sàng lọc để phát hiện sớm các ca bệnh, thông báo cho đầu mối CDC Quảng Nam hoặc TTYT các huyện, thị xã, thành phố để điều tra và xử lý ổ dịch theo quy định; Thực hiện nghiêm các quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn, phát hiện sớm và thực hiện cách ly đối với các trường hợp nghi sởi hoặc mắc sởi, không để lây nhiễm chéo và xảy ra các ổ dịch sởi tại các cơ sở khám, chữa bệnh; Đáp ứng đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, thuốc, thực hiện tốt công tác thu dung người bệnh sởi, điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong; Thực hiện lấy mẫu bệnh phẩm đối với ca bệnh nghi ngờ gửi về CDC Quảng Nam để chẩn đoán xác định.

Cùng với đó, CDC Quảng Nam đã tăng cường tuyên truyền, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống bệnh sởi; rà soát, điều tiết, cấp bổ sung vitamin A liều cao cho TTYT huyện và các cơ sở khám, chữa bệnh đang điều trị bệnh nhân sởi, sốt phát ban nghi sởi.

Khẩn trương rà soát đối tượng, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những trẻ chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vaccine phòng bệnh sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng, đặc biệt là những nơi có nguy cơ bùng phát bệnh sởi hoặc nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp, vùng khó khăn; Tiếp tục công tác thông tin truyền thông, giáo dục sức khỏe về dấu hiệu nhận biết, nguy cơ mắc bệnh, các biện pháp phòng chống và hiệu quả của việc tiêm vaccine phòng bệnh sởi.

Ông có khuyến cáo gì đối với người dân về bệnh sởi?

Ngoài những vấn đề triển khai phòng, chống và dập dịch nêu trên, người dân cần lưu ý đặc điểm gây bệnh của sởi, là một bệnh virus có tính lây truyền rất cao rất phổ biến ở trẻ em. Để có biện pháp xử lý kịp thời, phù hợp, không để lây lan, bùng phát trên diện rộng, đảm bảo sức khỏe, tính mạng của trẻ em và người dân trên địa bàn tỉnh, hạn chế tối đa số ca mắc và tử vong, mọi người cần phải thực hiện tiêm chủng vaccine phòng sởi đầy đủ và đúng lịch theo hướng dẫn của cán bộ y tế; thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày.

Không cho trẻ em dùng chung vật dụng cá nhân như khăn mặt, bàn chải, kính, cốc, chén, bát, đũa, kể cả đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm chất tiết mũi họng. Lau sàn nhà, nắm đấm cửa, mặt bàn, ghế, khu vệ sinh chung… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường từ 1 - 2 lần/ngày. Đặc biệt khi phát hiện trẻ ốm cần đưa trẻ ra TYT xã và TTYT huyện cách ly, điều trị.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không để lây lan bệnh sởi