Giá lợn hơi, gia cầm đang tăng lên hàng ngày. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, từ nay đến cuối năm, chăn nuôi rất quan trọng vì đây là lĩnh vực còn dư địa phát triển để góp phần tăng trưởng ngành nông nghiệp.
Giá lợn hơi hồi phục
Ngày 26/10, giá lợn hơi tiếp tục hồi phục. Theo ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), giá lợn hơi đang tăng từng ngày và dao động phổ biến từ 37.000-47.000 đồng/kg, tùy vùng. Thị trường giao dịch sôi động, thương lái tăng mua để dự trữ trong chuồng vì dự báo giá lơn hơi sẽ tiếp tục tăng trong tuần tới.
Theo thông tin từ các chủ trang trại chăn nuôi, sau 2 đợt công bố tăng giá của Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, giá lợn hơi đã tăng tích cực. Hiện, giá lợn hơi của Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam bán ra 46.000 đồng/kg, có địa phương giá lợn đã lên từ 46.000-49.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Trại Chăn nuôi Bình An (Bình Thuận) cho biết: Giá lợn hơi tại miền phổ biến ở mức 43.000-45.000 đồng/kg. “Dự báo giá lợn tuần sau sẽ đạt mức 55.000 đồng/kg. Với mức giá này, sẽ đạt điểm hòa vốn và các điểm giết mổ tư nhân sẽ ngừng mua để tự mổ bán, đà tăng giá sẽ chững lại”.
Khảo sát ngày 26/10 cho thấy, tại miền Bắc, giá lợn hơi đạt mức 46.000 đồng/kg. Đáng chú ý nhất tại tỉnh Hưng Yên, giá lợn hơi lên 51.000 đồng/kg. Tại miền Trung-Tây Nguyên, giá lợn hơi trung bình cũng tăng lên đến 45.000 đồng/kg. Trên toàn miền Trung, các tỉnh đều ghi nhận giá lợn tăng đến 7.000 đồng/kg sau 2 ngày cuối tuần. Còn tại miền Nam, một số tỉnh giá lợn hơi tăng lên đến 46.000 đồng/kg.
Phân tích về thị trường thịt lợn, ông Nguyễn Văn Trọng cho biết, vừa qua, do nhu cầu giảm, lợn thịt quá tuổi xuất chuồng ứ đọng khoảng 30%, với khoảng 1,5 triệu con có khối lượng từ 120-160 kg/con nên có giá từ 30.000-35.000 đồng/kg. Bình thường lợn thịt xuất chuồng từ 100-120 kg/con nhưng khi nhu cầu thị trường tăng có thể xuất chuồng từ 70-100 kg/con, khi thị trường giảm thì phải nuôi thêm thời gian. Nhưng, nếu nuôi giai đoạn trên 120 kg thì tăng trọng chủ yếu là mỡ nên khối lượng lợn càng lớn thì giá lợn hơi xuất chuồng càng thấp.
Phải tổ chức thành chuỗi sản xuất
Trước tình hình giá thịt lợn giảm sâu, nguy cơ nông dân bỏ chuồng trại, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã đi khảo sát ở các địa phương và đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ.
Tại hội nghị trực tuyến “Triển khai các giải pháp ổn định sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi” do Bộ NN&PTNT tổ chức mới đây, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng cho biết, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi đang được nối lại, từng bước phục hồi. Đặc biệt, ngành chăn nuôi phải tổ chức thành chuỗi sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ. Đây là đòi hỏi trước mắt và lâu dài để chăn nuôi phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng. Đặc biệt, không để người nông dân chán nản mà bỏ chuồng trại, dẫn đến nguy cơ thiếu thực phẩm dịp cuối năm.
Theo Cục Chăn nuôi, đến đầu tháng 10/2021 tổng đàn lợn cả nước trên 28 triệu con, tăng 5%. Tổng đàn gia cầm khoảng 523 triệu con, tăng 4,4%. Đàn bò gần 6,3 triệu con, tăng 1,8%; trong đó đàn bò sữa trên 331 ngàn con…
Thời gian qua giá thịt lợn hơi xuất chuồng giảm nhưng giá nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi tăng so với cùng kỳ 2020 (tăng từ 16 - 36%). Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi chiếm khoảng 60% giá thành vật nuôi. Điều này khiến người sản xuất, thiếu hụt vốn để duy trì sản xuất do tồn đọng nhiều sản phẩm, không tiêu thụ được.
Phát triển nguồn nguyên liệu thức ăn trong nước là động lực để giảm chi phí trong sản xuất chăn nuôi. Về vấn đề này, ông Vũ Anh Tuấn, Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam cho rằng, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích DN đầu tư vào sản xuất các thành phần nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, có chính sách để nông dân có cơ hội tiếp cận nguồn vốn, tái chăn nuôi, đồng thời xây dựng kế hoạch, phương án tổ chức sản xuất cụ thể trong mọi tình huống.