Theo ông Phan Hữu Thắng - Chủ tịch Viện Nghiên cứu đầu tư quốc tế (ISC), nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), để thu hút được dòng vốn ngoại chất lượng, cần có quy hoạch về thu hút FDI một cách bài bản dựa trên thực tiễn của Việt Nam. Nghĩa là xác định ưu đãi đến đâu, thu hút vốn vào lĩnh vực gì, ngành nào, địa bàn ở đâu... chứ không phải ưu đãi chung chung.
Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng hiện đang có nhiều yếu tố tác động đến xu hướng chuyển dịch FDI trên toàn cầu, có thể gây cản trở dòng vốn FDI vào Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, Việt Nam nổi lên là một trong những nền kinh tế ổn định, triển vọng, vẫn thu hút số lượng lớn vốn FDI. Việt Nam có môi trường chính trị - xã hội ổn định, thị trường rộng lớn, nguồn nhân lực dồi dào. Nhiều dự án FDI lớn vẫn đổ vào Việt Nam bất chấp dịch Covid-19.
Với vị trí chiến lược quan trọng, tiếp giáp với Trung Quốc là nơi cung ứng nguồn hàng hóa, nguyên liệu quy mô lớn và là một thị trường lớn, Việt Nam có điều kiện để nhà đầu tư tiết giảm chi phí vận chuyển và kết nối ổn định chuỗi cung ứng tại Trung Quốc. Chính phủ và các doanh nghiệp Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU đều đánh giá Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để nhận chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc.
“Đại dịch Covid -19 tác động đến nền kinh tế, nhưng tạo cơ hội đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số ở mọi lĩnh vực, mọi địa phương. Đây là động lực tạo nên bước nhảy vọt trong tương lai về năng suất lao động, tạo cơ hội cho Việt Nam thu hút đầu tư có hàm lượng công nghệ cao” - ông Thắng nói.
Tuy nhiên, để thu hút các dự án FDI chất lượng hay các dự án kinh doanh có trách nhiệm, cần những hướng dẫn chi tiết hay những công cụ hỗ trợ việc sàng lọc, đánh giá, thẩm định dự án đầu tư ở các địa phương. Hiện nay, để thực hiện đúng quy định pháp luật và đưa vào thành những tiêu chí mới trong việc lựa chọn dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài cần có sự khuyến khích các dự án kinh doanh có trách nhiệm, có đóng góp tích cực đến kinh tế, xã hội và môi trường của địa phương.
Theo ông Thắng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan cần tập trung xây dựng, hoàn thiện và triển khai bộ công cụ sàng lọc dự án đầu tư trong việc thẩm định dự án FDI tại các địa phương. Cùng với đó, cần tích cực tham mưu xây dựng khung khổ pháp lý cho việc thu hút các dự án đầu tư, nhất là các dự án kinh doanh có trách nhiệm.
“Cần phải lựa chọn dự án, đối tác phù hợp với điều kiện của Việt Nam, không được để sai sót trong việc lựa chọn dự án. Thúc đẩy nền kinh tế tư nhân phát triển để xây dựng nền công nghiệp phụ trợ, xây dựng lĩnh vực công nghiệp mới, nhằm nâng cao chất lượng và lựa chọn dự án mà hiện nay Việt Nam cần đón đầu về công nghệ mới. Bên cạnh đó cần có quy hoạch về thu hút FDI một cách bài bản dựa trên thực tiễn của Việt Nam. Nghĩa là chúng ta xác định ưu đãi đến đâu, thu hút vốn vào lĩnh vực gì, ngành nào, địa bàn ở đâu... chứ không phải ưu đãi chung chung”- ông Thắng nói.
Theo Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2022 ước đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua và được đánh giá là tín hiệu tốt cho doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp trong nước năm 2023.