“Cần nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, làm sao khen thưởng thực chất đúng người, đúng việc, đúng thành tích, tạo niềm tin trong nội bộ và nhân dân. Bởi vừa qua có trường hợp khen trước, phê sau, hôm nay trao huân chương, ngày mai, tập thể cá nhân ấy có vấn đề”.
Đây là phát biểu của Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua Khen thưởng (TĐKT) Trung ương tại phiên họp tổng kết công tác năm 2019 và bàn phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2020 của Hội đồng TĐKT Trung ương sáng nay, 20/2. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp.
Phiên họp tổng kết công tác năm 2019 và bàn phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2020 của Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương.
Thực hiện tốt 4 phong trào thi đua
Báo cáo công tác thi đua, khen thưởng thời gian qua, bà Trần Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Thi đua Khen thưởng Trung ương cho biết: Nhìn chung thời gian qua, các phong trào thi đua yêu nước được tổ chức, triển khai có hiệu quả, nội dung phong phú, hình thức đa dạng, bám sát nhiệm vụ chính trị được giao và tập trung vào những việc khó, trọng tâm, cấp bách của từng bộ, ngành, địa phương, tạo sự bứt phá và động lực góp phần hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Cụ thể, đối với 4 phong trào thi đua do Thủ tướng phát động: Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” được triển khai đồng bộ, với nhiều cách làm sáng tạo góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa cơ sở” được nhiều bộ, ngành địa phương tích cực hưởng ứng, tạo không khí thi đua sôi nổi trong hệ thống các cơ quan nhà nước. Phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” tiếp tục được triển khai có hiệu ứng tích cực, góp phần xây dựng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ngày càng lớn mạnh. Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”: Tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau của mỗi cộng đồng dân cư, giúp tỷ lệ hộ nghèo đa chiều đã giảm xuống còn khoảng 4%.
Công tác tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng điển hình tiên tiến tiếp tục là một trong những trọng tâm đổi mới của công tác thi đua, khen thưởng, tạo ra những chuyển biến rõ nét, tích cực. Chẳng hạn UBTƯ MTTQ Việt Nam công bố Sách vàng sáng tạo Việt Nam tôn vinh 74 công trình, giải pháp sáng tạo khoa học, công nghệ tiêu biểu; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tôn vinh Chủ tịch Công đoàn tiêu biểu, xét tặng Giải thưởng Nguyễn Văn Linh cho cán bộ Công đoàn tiêu biểu, tổ chức chương trình “Vinh quang Việt Nam”…
Đặc biệt, công tác khen thưởng có nhiều đổi mới, hướng về cơ sở, người lao động trực tiếp, chất lượng thẩm định khen thưởng được nâng lên đảm bảo chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch và mang tính giáo dục, nêu gương.
Tuy nhiên, bà Trần Thị Hà cũng thừa nhận, phong trào thi đua vẫn chưa đồng đều, liên tục, có nơi còn hình thức. Một số phong trào thi đua chưa xác định rõ mục tiêu, tiêu chí cụ thể, nhiều nơi còn lúng túng trong đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức. Việc phát hiện các tập thể, cá nhân xuất sắc để khen thưởng còn hạn chế, chưa kịp thời. Việc khen thưởng cho công nhân, nông dân, người lao động có đổi mới nhưng chưa tạo được sự chuyển biến sâu rộng từ cơ sở và đồng đều ở các bộ, ngành, địa phương.
Khen thưởng cần thực chất, đúng người đúng việc
Nhìn nhận công tác thi đua, khen thưởng có nhiều đổi mới, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn chia sẻ: Các phong trào thi đua ngày càng thiết thực, hiệu quả đi vào chiều sâu. Các cấp, các ngành có nhiều đổi mới, chủ động sáng tạo hơn. Nội dung thi đua bám sát nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, từng ngành.
Công tác khen thưởng có sự đổi mới, đảm bảo đúng đối tượng kịp thời phục vụ phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị của đất nước.
Công tác thi đua đã chú ý khen thưởng đột xuất các cá nhân, tập thể điển hình từ Trung ương đến địa phương.
Công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của Hội đồng TĐKT từ Trung ương đến địa phương có tác động đến các phong trào thi đua của các cấp, các ngành để thực hiện tốt các nhiệm vụ năm 2019. Vì vậy, dù năm 2019 đất nước ta gặp nhiều khó khăn nhưng đảm bảo tăng trưởng 7,02%, 12/12 mục tiêu đạt và vượt kế hoạch.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn: Làm sao khen thưởng thực chất đúng người, đúng việc, đúng thành tích, tạo niềm tin trong nội bộ và nhân dân.
Dù ghi nhận những kết quả ban đầu nhưng Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng thừa nhận, một số nơi, cấp ủy Đảng, chính quyền chưa thực sự quan tâm, thường xuyên chỉ đạo. Có những nơi vẫn “khoán” cho cơ quan chuyên trách là Ban Thi đua khen thưởng nằm ở các Sở Nội vụ. “Các cuộc hội nghị ở địa phương, sơ tổng kết thường giao bộ phận chuyên trách làm, điều này cần chấn chỉnh”.
Đặc biệt Phó Chủ tịch Hội đồng TĐKT Trung ương Trần Thanh Mẫn cũng chỉ ra rằng, có nơi vẫn còn sự lúng túng trong đổi mới, giải pháp triển khai thực hiện các phong trào thi đua. Việc khen thưởng cho cơ sở bước đầu được chú ý, nhưng chưa nhiều. Khen thưởng trực tiếp công nhân, nông dân còn ít.
Mặt khác, đội ngũ làm công tác thi đua số lượng còn ít, trình độ hạn chế và công tác bồi dưỡng cán bộ thi đua ở các cấp, các ngành chưa được quan tâm, việc đào tạo còn chưa bài bản và thường có sự thay đổi nhân sự của công tác thi đua ở các địa phương.
Về nhiệm vụ thời gian tới, theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, năm nay có nhiều sự kiện quan trọng như Lễ Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày Truyền thống MTTQ Việt Nam; Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng; Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ 10…
Người đứng đầu MTTQ Việt Nam cho biết, MTTQ đã và đang tổ chức phong trào thi đua trong hệ thống MTTQ để chào mừng sự kiện này; đồng thời cho rằng việc phát động cụ thể các phong trào thi đua, chính là bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng văn minh, xây dựng hệ thống chính trị của Đảng, Nhà nước trong năm 2020.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền biểu dương khen thưởng tập thể, điển hình tiên tiến vì năm 2020 là năm tiến hành Đại hội thi đua yêu nước của các cấp các ngành. Vì vậy, các cơ quan cần tuyên truyền sâu rộng gương điển hình, người tốt, việc tốt tạo sự lan tỏa trong xã hội.
Bên cạnh đó, cần nâng cao hơn nữa sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, công tác quản lý nhà nước đối với các phong trào thi đua, vì “nơi nào cấp ủy Đảng, chính quyền thực sự quan tâm thì nơi đó phong trào thi đua đảm bảo có kết quả tốt, hiệu quả thiết thực”.
“Cần nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, làm sao khen thưởng thực chất đúng người, đúng việc, đúng thành tích, tạo niềm tin trong nội bộ và nhân dân. Bởi vừa qua có trường hợp khen trước, phê sau, hôm nay trao huân chương, ngày mai, tập thể cá nhân ấy có vấn đề. Khen thưởng phải khơi dậy lòng tự hào, tự tin của nhân dân với sự phát triển của đất nước. Khen thưởng phải giúp lan tỏa tinh thần quyết liệt trong thi đua thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Chống dịch không quên đẩy mạnh phát triển kinh tế
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập đến tình hình dịch bệnh Covid-19 và công tác phòng, chống dịch. Ngay trong Tết, Thủ tướng đã có cuộc họp với các cấp, các ngành, đưa ra những chủ trương mạnh mẽ, quyết liệt, toàn diện, trong đó nêu rõ tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc. Chúng ta đã thành lập gần 90 bệnh viện dã chiến. Với tinh thần và quyết tâm cao như vậy, chúng ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh ngay tại cơ sở, được nhân dân đồng thuận, ủng hộ. Cả nước có 16 ca nhiễm thì đến nay, đã chữa khỏi, xuất viện 14 người, trong đó có em bé 3 tháng tuổi.
Công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả, gồm cả công tác phát hiện, điều trị, công tác nghiên cứu khoa học, cơ sở vật chất, được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá cao.
Không chỉ thực hiện mục tiêu chống dịch, Thủ tướng cho biết, chúng ta còn thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội để giữ nhịp độ tăng trưởng, ổn định đời sống nhân dân. Thực hiện mục tiêu kép là vấn đề rất khó nhưng chúng ta quyết tâm chỉ đạo thực hiện. Nhờ đó, không khí sản xuất, kinh doanh làm ăn, đi lại đã trở lại nhịp độ khá tốt thời gian gần đây.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp.
“Tất nhiên là dịch có ảnh hưởng nhưng không có tình trạng những công việc bình thường bị ngưng trệ, đầu tư vẫn được tiếp tục”, Thủ tướng nói. Việc phát động phong trào thi đua yêu nước đang đặt ra một cách cấp bách để bảo đảm hoàn thành mục tiêu đề ra năm 2020.
Việc khen thưởng cũng được thực hiện kịp thời đối với những cá nhân, tập thể lập thành tích. Thủ tướng cho biết, ngay sau khi 2 ca bệnh đầu tiên (người Trung Quốc) mắc virus Corona tại Việt Nam được chữa khỏi, Thủ tướng đã ngay lập tức quyết định khen thưởng các y, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy.
Hay Thủ tướng đã yêu cầu Trưởng ban Thi đua khen thưởng Trung ương trình Thủ tướng về việc khen thưởng đội bay thực hiện nhiệm vụ quốc tế đưa hàng cứu trợ của Chính phủ Việt Nam đến Trung Quốc và đón 30 công dân về nước.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương cũng đề xuất khen thưởng nhóm bác sĩ bay cùng để khám cho các công dân này. Như vậy, có ít nhất 3 Bằng khen đột xuất tặng cho những người có công trong phòng, chống dịch Covid-19.