Đây là một trong những lưu ý vừa được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đối với các địa phương, Liên đoàn Lao động, các doanh nghiệp về việc triển khai tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7 tới đây.
Chưa kịp mừng đã lo
Ngày 1/7 tới đây, Nghị định số 38/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng chính thức có hiệu lực thi hành. Theo đó, lương tối thiểu vùng sẽ tăng 6% so với hiện tại, tuy nhiên nhiều người không khỏi băn khoăn khi không còn quy định những người lao động (NLĐ) đã qua học nghề, đào tạo nghề có mức lương cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng, như Nghị định số 90/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019 quy định mức lương tối thiểu vùng đối với NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động.
Nghị định số 38/NĐ-CP chỉ quy định, mức lương tối thiểu tháng là mức thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với NLĐ áp dụng hình thức trả lương theo tháng.
“Nghị định 38 quy định tăng lương 6% nhưng không bắt buộc chủ sử dụng lao động cộng 7% lương qua đào tạo. Đây sẽ là kẽ hở để doanh nghiệp (DN) không cộng 7% lương cho NLĐ. Nếu trường hợp lương tối thiểu tăng 6% nhưng DN lại cắt khoản 7% qua đào tạo thì NLĐ bị âm 1%” - chị Nguyễn Thị Thắng, công nhân KCN Bắc Thăng Long (Hà Nội) lo lắng chia sẻ.
Theo ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH, Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương đã nêu rõ, Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của DN. Tuy nhiên Luật đã quy định DN được xây dựng thang bảng lương. Vì vậy NLĐ và tổ chức công đoàn đại diện cho NLĐ đàm phán với chủ sử dụng lao động để có hệ thống lương phù hợp. Vì vậy cần phải tăng cường nâng cao năng lực của tổ chức công đoàn để đàm phán tăng lương.
Đồng quan điểm, nguyên Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính cũng cho rằng, việc kiểm soát các DN thực hiện tăng lương như thế nào rất quan trọng. Nếu DN nào có công đoàn mạnh, khả năng đàm phán tốt thì thực hiện tăng lương nhưng không cắt giảm phúc lợi. Nhưng thực tế trước đây, có những DN tăng lương lại cắt phúc lợi. Vì thế, tổ chức công đoàn phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực hiện nghị định của Chính phủ và thông tư hướng dẫn của Bộ LĐTB&XH.
Tiếp tục trả 7% lương cho lao động qua học nghề, đào tạo nghề
Trước những băn khoăn, lo lắng của NLĐ, mới đây Bộ LĐTB&XH và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có công văn số 2086/BLĐTBXH-TLĐLĐVN về việc chỉ đạo triển khai Nghị định số 38/2022/NĐ-CP về lương tối thiểu.
Công văn nêu rõ, người sử dụng lao động có trách nhiệm rà soát lại các thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và các quy chế, quy định của người sử dụng lao động để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp. Đặc biệt không được xoá bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi NLĐ làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động.
Đối với các nội dung đã thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động hoặc các thỏa thuận hợp pháp khác có lợi hơn cho NLĐ so với quy định tại Nghị định này thì tiếp tục được thực hiện, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Theo đó, các nội dung đã thực hiện trong đó có chế độ tiền lương trả cho NLĐ làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi qua học nghề, đào tạo nghề cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu thì tiếp tục thực hiện, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác theo quy định của pháp luật lao động.
Cùng với đó, là tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ NLĐ, tổ chức công đoàn cơ sở và người sử dụng lao động đối thoại, thương lượng, đặc biệt là thương lương tập thể để thỏa thuận về tiền lương và xác lập các điều kiện lao động khác bảo đảm có lợi hơn cho NLĐ so với quy định của pháp luật.
Các địa phương, Liên đoàn Lao động, Công đoàn ngành chủ động nắm bắt tình hình quan hệ lao động trong các DN, kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn, xử lý những vướng mắc phát sinh, hạn chế thấp nhất các tranh chấp lao động, đình công xảy ra, bảo đảm duy trì quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong các DN.
Kịp thời báo cáo về Bộ LĐTB&XH tình hình triển khai thực hiện Nghị định số 38/2022/NĐ-CP trong các doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc để có hướng dẫn xử lý kịp thời.
Theo bà Mai Thị Thùy - Chủ tịch Hội Nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, lương tối thiểu vùng tăng từ 180.000 đồng đến 240.000 đồng, tuy không nhiều nhưng ở góc độ nào đó NLĐ cũng được hưởng lợi. Đây là khung sườn để các DN thực hiện theo, nếu không NLĐ có thể kiện. Việc tăng lương đồng thời quỹ lương DN cũng phải tăng theo, đó là điều dĩ nhiên và cũng sẽ không phải là gánh nặng với DN bởi hậu Covid-19, rất nhiều DN thiếu lao động, Chính vì vậy, DN nên thật sự quan tâm đến người lao động và có những chế độ đãi ngộ dù nhỏ, đáp ứng nhu cầu cơ bản của NLĐ như cơ sở vật chất, thưởng, chế độ nghỉ mát... thì sẽ giúp giữ chân và thu hút được NLĐ.