Theo đại diện Bộ GDĐT, Bộ SGK lớp 1 mới có 8 cuốn bắt buộc, 1 cuốn tự chọn. Ngoài các cuốn SGK chính thức trên, những tài liệu bổ trợ tham khảo khác cho học sinh, phụ huynh có thể tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và quyền tự chọn, không bắt buộc.
Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ vừa ký văn bản gửi Giám đốc các Sở GDĐT về việc tăng cường quản lý việc trang bị SGK và tài liệu tham khảo trong các cơ sở GDPT. Bộ GDĐT yêu cầu Giám đốc các Sở GDĐT chỉ đạo các cơ sở GDPT thực hiện việc trang bị SGK theo đúng quy định, đảm bảo chất lượng, đủ số lượng và kịp thời cho năm học 2020-2021.
Đối với tài liệu tham khảo, thực hiện đúng quy định tại Thông tư số 21/2014/BGDĐT ngày 07/7/2014 Quy định về việc quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, GDPT và giáo dục thường xuyên và Điều lệ trường học, trong đó yêu cầu tuyệt đối không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo.
Bộ GDĐT cũng yêu cầu Sở GDĐT tiến hành tổ chức thanh tra, kiểm tra cơ sở GDPT trong việc trang bị SGK và tài liệu tham khảo, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trước ngày 20/9/2020, các Sở GDĐT phải báo cáo về Bộ GDĐT kết quả thực hiện các nội dung nêu trên.
Thực tế trước thềm năm học mới cho thấy, ở nhiều nơi vẫn xảy ra tình trạng nhà trường chưa làm tốt công tác thông tin tới phụ huynh, học sinh về loại SGK bắt buộc phải trang bị và sách theo nhu cầu. Điều này khiến việc mua sách không sát nhu cầu người học, giá thành các bộ SGK (cả sách tham khảo và bắt buộc) đẩy cao so với khả năng của nhiều gia đình.
Liên quan đến băn khoăn của phụ huynh về việc mua SGK lớp 1 mới, TS Thái Văn Tài-Vụ Trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GDĐT) cho biết: Theo quy định, bộ SGK lớp 1 mới theo CTGDPT 2018 có 8 cuốn bắt buộc và 1 cuốn tự chọn.
Cụ thể gồm các SGK: Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên -xã hội, Giáo dục thể chất, Hoạt động Trải nghiệm, Âm nhạc, Mỹ thuật và sách Tiếng Anh tự chọn. Ngoài các cuốn SGK chính thức trên, những tài liệu bổ trợ tham khảo khác cho học sinh, phụ huynh có thể tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và quyền tự chọn, không bắt buộc.
Các tài liệu bổ trợ nên trang bị theo nhu cầu thực tế của việc dạy và học và trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh, học sinh. Muốn việc trang bị SGK, đồ dùng học tập cho học sinh tiểu học hiệu quả, phù hợp, phụ huynh cần tăng cường trao đổi với giáo viên chủ nhiệm/nhà trường để được tư vấn và có thông tin cần thiết.
Ông Tài cũng nhấn mạnh, các nhà trường, giáo viên không được ép buộc học sinh mua tài liệu tham khảo. Về phía phụ huynh, cần nắm rõ thông tin để phối hợp hiệu quả, phù hợp với nhà trường trong trang bị sách và đồ dụng học tập cho học sinh.