Đi một vòng quanh các khu chung cư ở thủ đô, rất khó có thể tìm thấy một địa điểm vui chơi, không gian công cộng để người dân có thể thư giãn, tập luyện thể thao. Thực tế này đã tồn tại nhiều năm, song đến nay vẫn chưa được cơ quan chức năng giải quyết.
Không gian công cộng tại một khu chung cư ở Hà Nội
được tận dụng thành bãi gửi xe và bán hàng.
Sân chơi thành hàng quán
7h sáng. Tại khu đô thị Trung Hòa-Nhân Chính. Các hàng ăn sáng tự phát mọc la liệt tràn hết cả không gian công cộng. Đến nỗi, vỉa hè thành nơi để xe, còn sân chơi của trẻ em thì biến thành các “cửa hàng ăn sáng” với la liệt, lổn nhổn bàn nhựa, ghế nhựa, tủ kính, nồi niêu, bếp than, biển quảng cáo…
5h chiều, tại khu chung cư Đền Lừ 1. Chỉ với một xấp ghế nhựa và một giỏ ấm, chén, bà Trịnh Thị Quỳnh (ở khu chung cư Đền Lừ 1) đã có thể mở một quầy hàng nho nhỏ ngay dưới khu vui chơi công cộng- sân chơi của khu chung cư Đền Lừ.
“Cứ 4, 5 giờ chiều là lại xuất hiện những quán nước chè kiểu như vậy ở khu chung cư này. Khách đến cứ lấy ghế ngồi túm năm, tụm ba đàm đạo, chém gió xung quanh sân chơi. Hết nhóm này đến nhóm khác, thành ra cả buổi chiều bọn trẻ con lại phải tìm chỗ khác để chơi cầu lông, bóng đá”- chị Phương Linh, một người dân ngụ tại khu chung cư Đền Lừ cho hay.
Hình ảnh tương tự diễn ra ở hầu hết các khu chung cư hiện nay trong nội thành Hà Nội như Linh Đàm, Nam Trung Yên, khu tập thể Thanh Xuân Bắc… Dường như, cứ chỗ nào có một chút không gian, là chỗ đó được lấp đầy bằng những hoạt động kinh doanh tự phát của người dân sống tại các tòa nhà chung cư đó.
Tại khu tập thể Thanh Xuân Bắc, phần lớn không gian công cộng cũng đã được người dân sử dụng cho mục đích kinh doanh của mình. Nhà thì trông xe, nhà thì bán hàng tạp hóa… Mỗi người lấn chiếm một chút ít diện tích, vậy là chả còn không gian cho trẻ em vui chơi. Theo quan sát của chúng tôi, khu tập thể này chỉ còn duy nhất khu nhà E là vẫn còn lại một diện tích nhỏ dành chỗ cho trẻ em.
Điều này có lẽ cũng là minh chứng cho nhận định của giới chuyên gia ngành quy hoạch - kiến trúc rằng, quận Thanh Xuân không có quy hoạch chính thức dành cho các công viên, vườn hoa. Không gian công cộng tại các khu chung cư đang bị người dân tự ý lấn chiếm mọi lúc, mọi nơi, bất kể sáng sớm, hay đêm khuya.
Không gian xanh bị “bê tông hóa”
Một con số được giới chuyên gia trong ngành đưa ra rất đáng suy ngẫm: Đó là, hiện bình quân không gian xanh công cộng trong nội thành Việt Nam chỉ là 1,7m2/người, trong khi đó, ở các nước phát triển như Nhật, Pháp, con số này là trên 20m2/người.
Tốc độ đô thị hóa đang đưa người dân thủ đô đến với một không gian sống nhiều nhà cao tầng hơn, tiện nghi và hiện đại hơn. Tuy nhiên, việc ngày càng mọc lên nhiều tòa nhà tầng cao chót vót tráng lệ mà không quan tâm đến không gian công cộng, không gian xanh, hoặc nếu có cũng bị những người kinh doanh ngang nhiên lấp đầy đang biến thủ đô cũng như nhiều đô thị khác trở thành những khối hình hộp khổng lồ, thiếu màu xanh và những không gian tạo cảm giác thư thái, dễ thở.
Nguyên nhân của thực trạng này được Kiến trúc sư Lê Diệu Ánh- Hiệp hội Đô thị Việt Nam lý giải, chủ yếu do sự buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng đã dẫn đến sự phát triển tự phát, tràn lan của các hộ dân. Sự lấn chiếm này dẫn đến những không gian xanh đang dần bị phá hủy, các khu vui chơi bị thu hẹp hoặc sử dụng không đúng mục đích.
Trẻ em không có chỗ chơi phải tìm đến các quán chơi game, tìm những thú vui không lành mạnh, môi trường xanh, không gian sống của người dân thì bị phá hủy… Đó là những hệ lụy đã và đang hiện hữu.
Theo nhận định của Hội Kiến trúc sư Việt Nam, hiện nhiều dự án có xu hướng chỉ quan tâm đến lợi nhuận kinh doanh bất động sản là chính mà chưa quan tâm đến đầu tư không gian công cộng như nhà trẻ, trường học, sân chơi cây xanh. Có lẽ, đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự phát triển chênh lệch của thị trường bất động sản trong thời gian vừa qua.
KTS Trần Huy Ánh- Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, cần phải nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá lại, để các bên (nhà quản lý, nhà đầu tư) cùng nhận thấy rằng, không gian công cộng sẽ là cứu cánh cho các dự án bất động sản nói chung và các dự án chung cư, tái thiết chung cư cũ nói riêng. Không gian công cộng làm gia tăng giá trị bất động sản và hơn cả, nó sẽ làm tăng giá trị sống của đô thị, tạo nên tính hấp dẫn của thành phố... “Nơi nào càng có sáng tạo trong loại hình dịch vụ không gian công cộng sẽ càng có sức hấp dẫn”- KTS Trần Huy Ánh khẳng định.
Rõ ràng, vấn đề quy hoạch, quản lý và sử dụng hợp lý hệ thống không gian công cộng đang ngày càng trở thành vấn đề bức xúc, đáng “báo động” không chỉ ở Thủ đô Hà Nội mà còn ở hầu hết các trung tâm đô thị lớn khác như TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến an sinh xã hội cũng như diện mạo của các đô thị… Giới chuyên gia cho rằng, nếu tiếp tục dễ dãi trong việc quản lý các khu chung cư, thì chẳng bao lâu nữa, diện mạo Thủ đô Hà Nội sẽ được gắn với hai từ “nhếch nhác”- cũng sẽ không oan chút nào.