Trước khi công diễn chính thức vào ngày 2/12 tại Trung tâm Văn hoá Pháp (L’Espace), đạo diễn Trần Lực đo phản ứng của báo giới và khán giả bằng một số buổi diễn thử. “Cơn ghen của Lọ Lem” đã mang đến trải nghiệm mới lạ cho khán giả.
Sân khấu ước lệ trong “Cơn ghen của Lọ lem” của Trần Lực.
Trần Lực từng trình làng vở “Quẫn” tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần 2, ẵm một loạt giải vàng cho vở và đạo diễn, diễn viên chính, hai giải bạc cho diễn viên phụ. Thừa thắng xông lên, anh cho ra mắt vở hài kịch “Cơn ghen của Lọ Lem”. Đây cũng là vở khai trương sân khấu của thầy và trò Trần Lực - LucTeam - sân khấu tư nhân hiếm hoi của miền Bắc.
“Cơn ghen của Lọ Lem” nằm trong chùm hài kịch của Molière giễu nhại thói tật của xã hội Pháp cách nay gần 500 năm. Chọn kịch bản có độ lùi thời gian nhưng Trần Lực khéo léo dùng phương pháp biểu hiện ước lệ, đưa vào những vấn đề, câu chuyện của đời sống thường ngày khiến nó trở thành một vở diễn nóng hổi hơi thở đời sống đương đại nhưng không mất đi tính giễu nhại theo phong cách Molière.
Người xem nhìn thấy xã hội Việt Nam sống động trên sàn diễn: Một anh xe ôm say xỉn luôn ghen tuông vì cô vợ đỏng đảnh thích lên mạng thả thính, cô ô sin sống ảo, ông tiến sĩ rởm huênh hoang. Khán giả phấn khích thấy xe máy đi vèo vèo trên sân khấu với mùi xăng xe đặc trưng đường phố, những chuyện thời sự nóng nổi như kẻ buôn tơ Tàu về bán ở Hàng Gai, bi hài chuyện bán hãng phim truyện.
Một sân khấu trống trơn quả thực là sự thách thức lớn với đạo diễn và dàn diễn viên. Một cánh cửa duy nhất thay thế toàn bộ hệ thống bục bệ cảnh trí đồ sộ, giúp khán giả mường tượng tới ngôi nhà. “Đây là vở kịch về gia đình, chọn cái gì đưa lên sân khấu cũng khiến tôi đau đầu”- Trần Lực nói. Cánh cửa cũng là nhân vật. Đạo diễn giải thích thêm, bởi nó di động từ góc này tới góc khác, nó là tấm màn ngăn cách các nhân vật dù có lúc khán giả thấy diễn viên đứng cạnh nhau nhưng thực tế người trong kẻ ngoài cánh cửa. Khán giả không còn bị phân tán bởi những thứ bên ngoài, họ buộc phải dõi theo từng diễn biến nhỏ nhất trên gương mặt và từng chuyển động trên cơ thể diễn viên.
Ước lệ không đơn thuần là tối giản sân khấu, hơn hết đạo diễn phải chuẩn bị cho diễn viên tâm thế vững vàng. Các học trò này theo Trần Lực suốt 4 năm nay cho tới ngày tốt nghiệp. Diễn viên không đứng như trời trồng, mà họ phải hát, múa, nhảy tuỳ theo tâm trạng nhân vật. Diễn viên Phương My thừa nhận trải qua nhiều năm tháng, giai đoạn tập luyện với phương pháp riêng của thầy Trần Lực để có được sự vững tâm lý bên trong lại nhuần nhuyễn ngôn ngữ hình thể biểu hiện bên ngoài. Sự nỗ lực, mới mẻ của đạo diễn và êkíp mang lại trải nghiệm sân khấu tươi mới cho khán giả.
“Cơn ghen của Lọ Lem” sẽ diễn vào 20h các tối 2, 6, 14, 23 và 30/12 tại Trung tâm Văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền - Hà Nội).