Hòa thượng Thích Minh Thông- Hiệu trưởng Trung cấp Phật học Khánh Hòa cũng cho rằng: “Chúng ta cứ không phải xây dựng chùa to, tượng lớn là phát triển được Phật pháp, quan trọng vẫn là yếu tố con người".
Sáng 3/4, tại Hà Nội, Học viện Phật giáo VN – Giáo hội Phật giáo VN đã tổ chức tọa đàm khoa học “Giáo dục trung cấp Phật học: Hiện trạng và giải pháp”.
Phát biểu tại Hội thảo, Thượng tọa Thích Thanh Quyết - Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội phật giáo VN cho rằng, hiện hầu hết các trường trung cấp phật giáo còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất; việc thống nhất các chương trình giáo dục giữa các hệ giáo dục phật giáo từ trung cấp đến các học viện trên cả nước chưa đồng bộ; hệ thống sách giáo khoa, giáo trình cần phải đảm bảo tính khoa học, tính thống nhất, tính lô gic; thực tiễn...
Chia sẻ điều này, Hòa thượng Thích Minh Thông- Hiệu trưởng Trung cấp Phật học Khánh Hòa cũng cho rằng: “Chúng ta cứ không phải xây dựng chùa to, tượng lớn là phát triển được Phật pháp, quan trọng vẫn là yếu tố con người. So với các nước trong khu vực, kiến thức về ngoại ngữ, tin học, luật, văn hóa... của các tăng ni vẫn còn hạn chế. Trong khi đó, phần lớn giới tu hành tuổi còn trẻ, bên cạnh phát huy kiến thức đã học tại các trường phật học, thì một số còn chưa tinh tấn tu tập, chưa hòa nhập với đời... nên dễ phạm giới, ảnh hưởng đến uy tín của giáo hội”.
Theo thống kê của Giáo hội Phật giáo VN, hiện cả nước có 32 trường trung cấp Phật học, hàng năm đào tạo ra hàng ngàn tăng, ni sinh. Thế nhưng hiệu quả của nền giáo dục và đào tạo Phật giáo chưa đóng góp xứng đáng cho đạo và đời.
Tại hội thảo, đại diện các chư tôn đức đã nêu lên thực trạng chất lượng giáo dục tại các trường phật học. Đó là sự lúng túng, chưa bắt kịp với sự phát triển của cuộc sống. Từ đó, đề ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục Phật học.